Giải phóng các nút thắt về hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu khẩn trương cải tạo chung cư cũ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Ảnh: Như Ý
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu khẩn trương cải tạo chung cư cũ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Ảnh: Như Ý
TP - Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng cho biết, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Rút ngắn quy trình cải tạo chung cư cũ

Sáng 22/9, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Kỳ họp thứ 2. Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu, thành phố vừa trải qua 4 đợt giãn cách xã hội, đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và chuyển sang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; thực hiện nghiêm những quy định của T.Ư, của thành phố trong phòng chống dịch COVID-19; tiếp tục đoàn kết hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày, hằng giờ để ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh lây lan rộng, bùng phát ngay từ trong từng gia đình và trong cộng đồng.

Đối với các Nghị quyết quan trọng liên quan đến chủ trương chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, ông Dũng đề nghị HĐND thành phố cần đi sâu nghiên cứu, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô, nhất là nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.

Liên quan Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội và chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Dũng cho biết, đây là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

“Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã xuống cấp trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Do đó, đề nghị cần tập trung thảo luận về định hướng, giải pháp, kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể việc kiểm định cũng như việc đầu tư xây dựng đối với từng khu chung cư để đảm bảo tính khả thi của Đề án, đồng thời cần đặc biệt quan tâm thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư (hoặc nhà ở tạm thời) và bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân”, ông Dũng nêu.

Áp dụng tối đa công nghệ thông tin

Tại kỳ họp, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, đại biểu Lê Thị Thu Hằng cho rằng, mặc dù việc thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố trong 2 tháng qua đã có tác động nhiều đến đời sống nhân dân, nhất là những người yếu thế, nhưng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 15 về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân rất phấn khởi. Bên cạnh đó, công tác giám sát về thực hiện an sinh xã hội cũng được triển khai nghiêm túc, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch; có nhiều sáng tạo, như công khai ngay trên bản tin, nhóm Zalo và xây dựng mô hình “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”… đã kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn và các đối tượng sinh viên, người ngoại tỉnh, người nước ngoài, tạo được niềm tin, sức mạnh của toàn dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, thành phố cần rà soát, đánh giá tình trạng doanh nghiệp, phân loại những doanh nghiệp nào thuộc nhóm cần hỗ trợ trước mắt và hỗ trợ căn cơ, lâu dài. “Tôi cũng mong muốn, thành phố tăng cường thời gian đối thoại với doanh nghiệp, mời các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia cùng với thành phố trước khi ban hành chính sách, để sát với đối tượng và chính sách đi vào cuộc sống”, bà Hương nói.

“Ðể khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thành phố nên khoanh vùng hạn chế, áp dụng tối đa công nghệ thông tin; đảm bảo sự lưu thông hàng hóa của người dân”.

Ðại biểu Phạm Ðình Ðoàn

Đại biểu Phạm Đình Đoàn thống nhất cao với phương án của thành phố với 2 kịch bản phát triển trong những tháng cuối năm 2021. “Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thì thành phố nên khoanh vùng hạn chế, áp dụng tối đa công nghệ thông tin; đảm bảo sự lưu thông hàng hóa của người dân”, ông Phạm Đình Đoàn đề xuất đồng thời cho rằng, thành phố cần có các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; trong xây dựng chính sách, cần có sự tham gia của những tinh hoa trong cộng đồng doanh nghiệp. Các nhóm giải pháp về thuế, phí và lãi suất ngân hàng, thành phố cần giãn và giảm là quan trọng. “Nếu để doanh nghiệp đóng góp, hiến kế thì không những thành phố vượt qua dịch bệnh mà còn đưa Thủ đô phát triển văn minh, giàu đẹp”, ông Đoàn khẳng định.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.