Giải pháp nào cho 40 dự án chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc?

Hàng chục dự án chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc
Hàng chục dự án chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc
TPO - Liên quan đến 40 dự án chậm tiến độ, khiến hàng nghìn ha đất bị bỏ hoang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sẽ mạnh tay với những cá nhân, tổ chức cản trở và dứt khoát thu hồi dự án đối với doanh nghiệp không triển khai.

Quyết phá “rào cản”

Theo thống kê của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, tổng diện tích gần 3.000 ha. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng nên 44/73 dự án đô thị, nhà ở đang triển khai chậm tiến độ.

Đáng chú ý, trong 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư, gồm dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, dự án khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc, khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu...

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do nhiều dự án đã thực hiện việc thu hồi đất từ những năm 2003, 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, thời điểm 2011-2013, do kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng khiến một số chủ đầu tư thua lỗ, không đủ năng lực tiếp tục đầu tư vào các dự án bất động sản. Ngoài ra, do công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn chưa kiên quyết, thường xuyên. Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo thiết kế, quy hoạch…

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung hoàn thành quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, TP Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và Tam Dương…

Thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ   

Giải pháp nào cho 40 dự án chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc? ảnh 1

Dự án khu công nghiệp Chấn Hưng bỏ hoang.

Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, trước mắt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện thu hồi đối với 2 dự án gồm: Dự án khu đô thị mới Núi Bầu – khu vực 2, diện tích 29,3ha, tại TP Vĩnh Yên do Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình và dự án khu nhà ở Hoàng Vương, diện tích 14,42ha, tại huyện Bình Xuyên do Công ty cổ phần đầu tư số 1 làm chủ đầu tư.

Không chỉ mạnh tay với các dự án phát triển đô thị, nhà ở chậm tiến độ, thời gian qua Vĩnh Phúc còn thực hiện thu hồi một số dự án lớn liên quan đến phát triển công nghiệp, nông nghiệp...

Điển hình, tháng 3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 724 về việc thu hồi hơn 4 triệu m2 đất do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo không còn nhu cầu sử dụng và đã bàn giao lại cho địa phương quản lý theo quy định.

Tháng 6/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1561 về việc bãi bỏ Quyết định số 2420 ngày 6/9/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng, Vĩnh Tường. Tiếp đó, tháng 7/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1610 về bãi bỏ Quyết định số 1223 ngày 5/5/2014 về việc giao chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương II.

Cá nhân, tổ chức “hành” doanh nghiệp sẽ bị xử lý

Trao đổi với Tiền Phong về tình trạng dự án chậm tiến độ, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói, trong 3 đột phá nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, thì đột phá đầu tiên chúng tôi rất quan tâm đó là tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng, tất cả những dự án chậm do cơ quan nhà nước, chậm ở thủ tục phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ. Những dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của các huyện, thị trong công tác giải phóng mặt bằng thì phải sốc lại, tìm các cơ chế để giải quyết. Các dự án không khó khăn, vướng mắc về thủ tục, không khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng chậm triển khai do trách nhiệm của chủ đầu tư thì nghiêm túc xử lý, thậm trí kiên quyết thu hồi dự án. Đó là một trong những giải pháp bắt buộc sẽ phải làm trong thời gian tới.

"Nếu nguyên nhân về phía nhà nước thì phải xem xét và nghiêm túc kiểm điểm cá nhân, tổ chức thuộc cơ quan chức năng cản trở doanh nghiệp. Cho đến thời điểm nay chúng tôi xác định cơ bản các dự án vướng mắc là do giải phóng mặt bằng.

Câu chuyện giải phóng mặt bằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân rất rõ ràng là nhà đầu tư chỉ muốn bồi thường theo giá quy định của nhà nước nhưng người dân mong muốn thỏa thuận với giá cao hơn. Khi hai bên chưa thống nhất, chưa thỏa mãn các lợi ích đôi bên thì vướng" - ông Thành nói.

MỚI - NÓNG