Một thông tin từ một người có trách nhiệm của Hội nhà văn Việt Nam cho biết, số lượng hồ sơ dự giải thưởng nhà nước năm nay đã lên tới hơn 100. Một con số thoạt nghe có vẻ đáng mừng, vì văn học ta thật nở rộ về các tác phẩm xuất sắc, kèm theo đó là nhiều nhà văn nhà thơ tiêu biểu. Nhưng người trong nội bộ lại có phần hoang mang và “dỗi” với giải thưởng cao quí, chỉ xếp sau giải thưởng Hồ Chí Minh. Ở trong Hội, đã xuất hiện những câu vè về đề cử Giải thưởng Nhà nước năm nay: “Hoan hô Hội ta/Tung hô N. H/Thêm H.Q.T/ Thì nhất nước nhà”. Riêng nhà thơ, nhà báo Đặng Huy Giang, chẳng ngại ngần lộ diện phán thẳng thừng về một cây bút thuộc miền sóng nước: “Người ấy mà đoạt giải thưởng nhà nước, thì thôi rồi, giải ấy có mà thành giải…nước non”. Người trong nhà mà nói nhau đến thế, thì những người ngoài cuộc lấy gì để tin?
Các giải thưởng ở ta vẫn được trao đều đều, tổ chức chu đáo nhưng đáng tiếc là người trong giới nhiều khi không phục, nhiều độc giả không biết đến tác giả, tác phẩm được vinh danh. Nhiều tác giả, tác phẩm đoạt giải được tung hô một thời gian ngắn rồi chui vào quên lãng. Nghĩ về giải thưởng của Hội nhà văn bây giờ, nhiều người đâm ra lại tiếc dĩ vãng, cái thời “Mùa lá rụng trong vườn”, vinh danh giải thưởng loại B của Hội năm 1986 nhưng tác phẩm đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ độc giả. Hay “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991, một tác phẩm gây chú ý không chỉ trong nước…
Có một câu chuyện được một số người trong giới kể lại, khi có người thắc mắc về giải thưởng của Hội sao được trao cho người nọ, người kia, vậy tiêu chí chấm giải là gì, thì một vị quan “bự” của Hội đã hồn nhiên, rằng: “Nó đi bộ đội và có đề tài”. Ồ, ở lớp người ấy, tìm đâu ra người không khoác áo lính và khi đã cầm bút viết thì ai chẳng có đề tài? Vậy là, cứ thay nhau giành giải?! Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn, đơn vị thực hiện xuất bản các tác phẩm từng đoạt giải thưởng Nhà nước, đã kêu: “Không làm sách giải thưởng nhà nước thì thôi, làm mới biết nhiều đồ “dởm”.
Cái đích của người viết văn tử tế không phải giải thưởng. Mặc dù được nhận một giải thưởng danh giá và có giá trị về vật chất như Giải thưởng Nhà nước ai chẳng mong? Bây giờ, một số người cầm bút mạnh miệng tuyên bố: “Tôi không viết cho đám đông”. Cũng khí khái lắm. Nhưng, nếu văn chương không phục vụ đông đảo người đọc thì… phục vụ ai? Vì ý nghĩa đích thực của văn học không nhằm “tự sướng”. Nếu viết chỉ vì mình, đâu nhất thiết cần tranh giải? Đám đông xoay lưng với văn học, trách trình độ thưởng thức của đám đông một thì trách thái độ của người viết mười.