Giải ngân vốn FDI đạt 10 tỷ USD

Giải ngân vốn FDI đạt 10 tỷ USD
TP - Tháng 11/2008, ước tính các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) góp vốn đầu tư thực hiện đạt 950 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 11 tháng đầu năm 2008 lên 10 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2007.

Ngày 26/11, ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho Tiền Phong biết.

Giải ngân vốn FDI đạt 10 tỷ USD ảnh 1
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho hơn 1,4 triệu lao động Ảnh: N.P.C

Vốn FDI đạt mức kỷ lục hơn 60 tỷ USD

Ông Thắng cho biết: Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút được 60,09 tỷ USD vốn FDI. Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN trong tháng 11 là 4,8 tỷ USD, đưa tổng doanh thu 11 tháng đầu năm 2008 ước đạt 45,4 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 22,2 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 26,2 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11, khối doanh nghiệp ĐTNN thu hút thêm khoảng 17.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn ĐTNN tính đến thời điểm này là 1,452 triệu lao động, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11 năm 2008, cả nước có 106 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 726 triệu USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 11 tháng đầu năm 2008 lên 1.059 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD,  bằng 82,5% về số dự án và tăng gần 7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11/2008, có 25 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư là 272 triệu USD, đưa tổng dự án tăng vốn 11 tháng đầu năm 2008 là 242 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1,08 tỷ USD, bằng 68% về số lượt dự án tăng vốn và 42,7% tổng vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư tăng thêm chủ yếu từ các nhà đầu tư Nhật Bản đứng đầu (290 triệu USD), chiếm 26,8% tổng vốn đầu tư tăng thêm; Hàn Quốc (203,6 triệu USD) chiếm 18,8%.

Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn FDI

Cần Thơ: Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 18,8% vốn đăng ký

Tính tại thời điểm cuối tháng 11/2008, ở TP Cần Thơ có 51 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đăng ký 730,6 triệu USD và đã thực hiện 137,4 USD, bằng 18,8%.

Trong đó, 30 doanh nghiệp (58,8% dự án đăng ký) đã đi vào hoạt động, doanh thu 220 triệu USD (xuất khẩu 40 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 5,54% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ đến tháng 11/2008 (722,97 triệu USD).

Thu hút vốn đầu tư ở TP Cần Thơ chưa có đột phá bởi thiếu quy hoạch, không giới thiệu được rõ ràng các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư đến tìm cơ hội.

Trong 3 năm qua, TP Cần Thơ thực hiện quy hoạch chỉ đạt 17% kế họach đề ra.

Theo ông Thắng, trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động của  kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các mặt của đời sống xã hội nhưng Việt Nam vẫn được cộng đồng đầu tư quốc tế đánh giá cao về các giải pháp, chính sách của Việt Nam trong kìm chế lạm phát, giữ ổn định môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là địa bàn đầu tư tin cậy.

Thực tế cho thấy, số dự án cấp mới trong 11 tháng đầu năm 2008 bằng 82,5%, song vốn đăng ký đầu tư tăng gần gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2007 do ngày càng xuất hiện nhiều dự án có quy mô lớn như:

Dự án Cty TNHH thép Vinasin Lion tại Ninh Thuận (9,79 tỷ USD), Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fomosa tại Hà Tĩnh (7,8 tỷ USD), Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Phú Yên (4,3 tỷ USD)...

Do đó, vốn thực hiện 11 tháng đầu năm đã tăng 44,2% so với cùng kỳ và dự kiến năm 2008 sẽ đạt mức giải ngân cao nhất trong vòng 20 năm qua.

“Tuy nhiên, với quy mô vốn đăng ký rất lớn của năm 2007 và đặc biệt là 11 tháng đầu năm 2008, đòi hỏi cần tập trung hơn nữa vào công tác hỗ trợ triển khai dự án nhằm tăng vốn giải ngân trong thời gian tới” - Ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng, để hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng đưa vốn thực hiện triển khai dự án, trong các tháng còn lại của năm 2008 và năm 2009 cần tập trung thực hiện các giải pháp:

Triển khai thực hiện chương trình Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn ba về cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam; hoàn thiện để ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động ĐTNN nhằm giải quyết một số vướng mắc về luật pháp chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ KH-ĐT.

Ngoài ra, cần phối hợp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt chú trọng thúc đẩy triển khai các dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2006 và 2007. Hỗ trợ, giám sát các dự án đã và đang cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai đúng tiến độ đề ra.

MỚI - NÓNG