Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phát xít (9/5/1945-9/5/2015)

Giải mật cuộc chiến điệp viên trong thế chiến thứ hai

Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô báo cáo kết quả trinh sát tại mặt trận năm 1941. Ảnh: Corbis.
Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô báo cáo kết quả trinh sát tại mặt trận năm 1941. Ảnh: Corbis.
Tháng 6/1941, cơ quan Tình báo Quân sự Trung ương của Liên Xô đã tuyển dụng được 914 người ở nước ngoài, 316 trong số đó làm cộng tác viên với các mạng lưới điệp viên hợp pháp, còn 598 người là hoạt động bất hợp pháp.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đã có nhiều tài liệu về cuộc chiến khốc liệt này được giải mật và công bố. Một trong số đó là bộ phim tài liệu Bão táp Xô-viết (Soviet Storm), được công chiếu trên truyền hình Nga năm 2011. Không chỉ mô tả chân thực chặng đường dài của quân và dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, bộ phim còn có một tập mô tả kỹ lưỡng một thế hệ điệp viên Xô-viết dũng cảm và mưu trí -những người đã góp công không nhỏ vào chiến thắng của “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.

Kỳ 1: Vạn sự khởi đầu nan

Khi An-đóp Hít-le (Adolf Hitler) xua quân xâm lược Liên Xô vào tháng 6/1941, mạng lưới điệp viên Xô-viết ít nhiều bị xáo trộn. Thực tế cho thấy, phát-xít Đức đã có bước khởi đầu lấn lướt hơn trên mặt trận tình báo. Tuy nhiên, lực lượng tình báo Liên Xô đã nhanh chóng phản công.

Chiếc va-li của Tùy viên hải quân Liên Xô

Ngày 21/6/1941, một đoàn tàu tốc hành từ Béc-lin cập ga Belorussia ở Mát-xcơ-va. Trên tàu có Mi-khai-in Vô-rôn-xốp (Mikhail Vorontsov), Tùy viên hải quân của Đại sứ quán Liên Xô ở Béc-lin, với một chiếc va-li cột chặt vào tay. Hai ngày trước đó, M.Vô-rôn-xốp nhận được điện tín khẩn lệnh cho anh phải trở về Mát-xcơ-va ngay lập tức. Một toán hộ tống đón anh trên sân ga, gồm một cán bộ của Bộ Dân ủy nội vụ đi cùng hai sĩ quan an ninh.

Bên ngoài sân ga, một chiếc ô tô đang đợi sẵn. M. Vô-rôn-xốp nhanh chóng được đưa vào ghế sau ngồi giữa hai sĩ quan an ninh. Đó cũng là lần đầu tiên M. Vô-rôn-xốp được thư giãn kể từ khi rời Béc-lin. Chiếc va-li của anh giờ cũng đã thuộc trách nhiệm quản lý của người khác.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, M. Vô-rôn-xốp được điều động về vùng Viễn Đông và tại đó anh phát triển lên làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội Thái Bình Dương. Năm 1939, anh được điều chuyển tới Béc-lin làm Tùy viên hải quân Liên Xô.

Chiếc xe dừng lại bên ngoài lối vào Điện Crem-li. 10 phút sau, M.Vô-rôn-xốp bước vào văn phòng của nhà lãnh đạo Xta-lin (Stalin). Trong số các tài liệu anh đem về từ Béc-lin, có bản sao một điện tín mà anh được Tùy viên hải quân Thụy Điển tại Béc-lin đưa cho. Điện tín có nội dung: “Đề nghị chính thức của Béc-lin đề cập tới tuyến di chuyển của tàu chiến và máy bay Thụy Điển ở biển Ban-tích sau ngày 22/61941, để tránh va chạm trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô”.

Thời đó, công tác tình báo nước ngoài của Liên Xô được thực hiện bởi mạng lưới các điệp viên nằm vùng. Hoạt động tình báo Xô-viết được tiến hành cả kênh hợp pháp thông qua các điệp viên có hộ chiếu Xô-viết, làm nhiệm vụ "kép" tại các cơ quan đại diện của Liên Xô ở nước ngoài với vỏ bọc là một quan chức ngoại giao, lái xe hay chuyên viên kỹ thuật, lẫn bất hợp pháp qua các điệp viên dùng giấy tờ giả.

Mỗi thành viên của một mạng lưới điệp viên nằm vùng đều có nhiệm vụ riêng biệt. Một điệp viên chuyên tuyển dụng và điều hành các điệp viên địa phương, một điệp viên khác chịu trách nhiệm về điện đài, một người nữa làm liên lạc viên chuyển tài liệu và một người điều phối toàn bộ các hoạt động của nhóm. 

Sau khi  Hít-le lên nắm quyền ở Đức, Liên bang Xô-viết đã thấy rõ quốc gia nào là mối đe dọa lớn nhất với mình. Do đó, nhiều điệp viên Xô-viết được đưa vào Đức để thu thập thông tin về tiềm năng quân sự và mưu đồ của phát-xít Đức. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra năm 1939, số mạng lưới điệp viên nằm vùng của Liên Xô ở Đức tăng tới 50%. Những mạng lưới tương tự cũng hoạt động ở Bỉ, Anh, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Bun-ga-ri và Nam Tư.

Tháng 6/1941, cơ quan Tình báo Quân sự Trung ương của Liên Xô đã tuyển dụng được 914 người ở nước ngoài, 316 trong số đó làm cộng tác viên với các mạng lưới điệp viên hợp pháp, còn 598 người là hoạt động bất hợp pháp. Thậm chí, ngay cả nhà lãnh đạo Xta-lin cũng chỉ biết phần lớn những người này qua mật danh. Bản thân ông cũng có quá đủ kinh nghiệm về hoạt động bí mật để hiểu rằng, tên của một điệp viên bị đề cập càng nhiều lần thì anh ta càng gặp nhiều nguy hiểm.

Mất liên lạc

Kể từ mùa thu năm 1940, ngày càng có nhiều báo cáo cảnh báo về việc phát-xít Đức tập trung quân dọc biên giới với Liên Xô. Tình báo quân sự Xô-viết nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu Hít-le có tấn công và nếu có thì khi nào? Các báo cáo tới tấp cung cấp những thời điểm khác nhau về cuộc xâm lược Liên Xô của phát-xít Đức. Ban đầu họ cho rằng, nó sẽ diễn ra vào tháng 3 hay tháng 4/1941. Sau đó có báo cáo nói rằng, cuộc tấn công được hoãn đến mùa hè và tùy thuộc vào việc nước Anh có đầu hàng hay không. Rồi lại có tin mới toanh rằng sẽ hoãn đến năm 1942. Tình hình còn phức tạp thêm bởi trên thực tế, người duy nhất biết chính xác dự tính của Hít-le chỉ có… chính Hít-le. Ông ta chỉ ký lệnh thông qua chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô ngày 10/6/1941, 12 ngày trước giờ thực hiện. Đến ngày 18/6, Mát-xcơ-va mới bắt đầu nhận được báo cáo từ điệp viên K: “Các đơn vị lục quân Đức đang chuẩn bị chuyện gì đó rất lớn. Rõ ràng không phải chuyện vài tháng hay vài tuần mà là vài ngày nữa thôi”.

Nhưng dù có cảnh báo, tình báo Xô-viết vẫn không thể khẳng định chính xác điều gì, kể cả bức điện tín mà M.Vô-rôn-xốp mang về Mát-xcơ-va. Chiến dịch Barbarossa đã bắt đầu, nhưng Liên Xô vẫn chưa thực sự chuẩn bị sẵn sàng.

Trong những ngày đầu của chiến tranh, mọi mạng lưới điệp viên hợp pháp của Liên Xô tại Đức, các đồng minh của Đức và tại những nước bị phe Trục chiếm đóng đều bị chấm dứt hoạt động và tất cả nhân viên đại sứ quán đều bị trục xuất về Liên Xô. Tình báo quân sự Xô-viết mất liên lạc với các điệp viên ở 11 nước châu Âu. Số điệp viên còn lại không ít, nhưng nếu không thể liên hệ được với Mát-xcơ-va, xem ra họ chẳng còn hữu ích là mấy.

Các điệp viên Liên Xô hoạt động ở nước ngoài không có đủ điện đài hay điện đài viên giỏi. Máy điện đài của họ cũng rất cồng kềnh và thiếu tin cậy, thậm chí thiếu cả ắc quy. Tầm hoạt động của các điện đài này là không quá 1000km, tức là tín hiệu chỉ truyền đến được miền Tây Liên Xô và không đủ mạnh để truyền tới Mát-xcơ-va, chứ đừng nói tới Cui-bi-sép (Kuibyshev), nơi Tổng hành dinh của Cơ quan tình báo quân sự trung ương được sơ tán tới.

Hơn nữa, mật mã và bảng mã khóa tình báo Xô-viết sử dụng hồi đầu chiến tranh rất phức tạp và khó dùng. Ngay cả những tin nhắn đơn giản nhất cũng phải mất khá nhiều thời gian để mã hóa và giải mã. Tín hiệu chuyển đi cũng dễ bị đối phương bắt được. Phản gián Đức tuần tiễu khắp thành phố với thiết bị dò hướng để định vị điện đài. Ngay khi xác định được nơi đặt điện đài, lực lượng mật vụ sẽ bao vây và xông vào bắt điện đài viên.

Và thế là phản gián Đức đã khiến các điệp viên Xô-viết gần như không thể liên lạc trực tiếp với Mát-xcơ-va. Nhưng tình thế đã dần thay đổi nhờ sự đáp trả kịp thời của tình báo Xô-viết.

(Còn tiếp)

Theo Theo Quân Đội Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.