Giải mã những thương vụ Mua bán và sáp nhập

TP - Liên tục có những cuộc “giao duyên” giữa những “anh chàng” có tiền, có công nghệ và những “cô nàng” có tiềm năng. Đằng sau những thương vụ mua bán và sáp nhập này là gì? Hãy cùng thử giải mã!
Giải mã những thương vụ Mua bán và sáp nhập ảnh 1

Ocean Mart của Ocean Group chuyển nhượng sang tay tập đoàn Vingroup - thương vụ vừa gây sự chú ý trên thị trường chuyển nhượng

Kết duyên mở rộng thị phần 


CTCP Tập đoàn Vingroup vừa mua lại 70% cổ phần tại CTCP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) từ CTCP Tập đoàn Đại Dương (Oceangroup). Sau khi mua lại Vingroup sẽ đổi tên Ocean Retail thành CTCP Siêu thị VinMart. Theo lãnh đạo của Vingroup, đây là bước phát triển quan trọng đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam của “đại gia” bất động sản này.

Với việc nắm cổ phần chi phối tại Ocean Retail, Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới chi phối hệ thống trung tâm thương mại – siêu thị Ocean Mart của Ocean Group. Hệ thống này bao gồm 13 siêu thị hiện hữu cùng kế hoạch xây dựng hơn 40 siêu thị trên khắp cả nước. Trong chiến lược mới của Vingroup, tập đoàn này sẽ hướng đến phát triển hệ thống phân phối bán lẻ với thương hiệu VinMart. 

Trước đó, Vingroup cũng trở thành nhà cổ đông chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khi muốn sở hữu 10% vốn tại đây. Vingroup cho biết sẽ chính thức tham gia thị trường thời trang, bằng việc góp vốn thành lập công ty kinh doanh thời trang Vinfashion.

Trong những ngày đầu tháng 9/2014, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng công báo rộng rãi việc một đối tác đến từ Nhật Bản là Creed Group sẽ đầu tư tài chính vào doanh nghiệp như là một đối tác chiến lược. Đối tác này sẽ rót hơn 600 tỷ đồng vào dự án City Gate Towers của NBB thông qua mua trái phiếu dự án, đồng thời cũng sẽ mua 4,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ do NBB phát hành và tham gia hợp tác phát triển 2 dự án khác với tỷ lệ góp 50% vốn.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp niêm yết cũng liên tục chào bán cổ phiếu cho các đối tác chiến lược trong các đợt phát hành tăng vốn của mình. Chẳng hạn như CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sao Vàng mua 4 triệu cổ phiếu SHI của CTCP Quốc tế Sơn Hà bằng nửa mệnh giá trong đợt phát hành tăng vốn lên 367 tỷ đồng. Hay CTCP Đầu tư FIT đang đóng vai trò quan trọng trong tái cấu trúc toàn diện của CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) với tư cách nhà đầu tư chiến lược sở hữu đến hơn 65% vốn.

Tìm đến đối tác có tiền 

Thương vụ Vingroup mua lại 70% vốn tại Ocean Retail từ Ocean Group vẫn chưa được tiết lộ giá trị nhưng theo CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), Ocean Retail có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng nên ít nhất thương vụ sẽ có giá trị là 210 tỷ đồng. Thương vụ M&A này có thể sẽ là bước đầu tiên để Vingroup thực hiện kế hoạch đầy tham vọng là mở 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc đến 2017.

HSC đánh giá thương vụ này của Vingroup là đang cố gắng lấp các chỗ trống trong thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài tham gia thị trường.

Các đối thủ cạnh tranh tiềm năng nước ngoài gồm nhiều doanh nghiệp bán lẻ quốc tế có các doanh nghiệp sản xuất tại chính quốc, mạng lưới cung cấp và thỏa thuận về giá nên có lẽ cũng sẽ có những lợi thế riêng.Ngoài ra, lợi thế trong vụ M&A này còn do hiện Ocean Mart đang thuê chỗ tại trung tâm thương mại Royal City và Times City của VinGroup.Trong thông điệp gửi đến nhà đầu tư, Vingroup cũng nhấn mạnh VinMart chắc chắn sẽ trở thành chuỗi siêu thị có tốc độ phát triển nhanh bởi lợi thế về chính vững mạnh, vị trí kinh doanh đắc địa…

Đối với NBB, trong lúc công ty này sở hữu một quỹ đất được đánh giá nhiều tiềm năng song lại đang cần nguồn tài chính để tái cấu trúc hoạt động. Việc đối tác Nhật Bản rót gần 1.000 tỉ đồng vào công ty tại thời điểm hiện nay cũng là giúp giải cơn khát vốn cho NBB. Với nguồn tại chính dồi dào đó thì NBB có thể hiện thực hóa tham vọng của mình.

Rõ ràng trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường chứng khoán thông qua việc phát hành không còn dễ dàng, các doanh nghiệp đã tìm đến với các đối tác chiến lược nội lẫn ngoại. Vì đây không chỉ mang lại kinh nghiệm bởi họ đã có những thương hiệu, đối tác lớn mà còn giúp giảm bớt áp lực tài chính để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia xu hướng M&A này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Cuộc “lương duyên” giữa những “anh chàng” có tiền, có công nghệ và những “cô nàng” có tiềm năng sẽ bổ sung hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo con đường tìm kiếm một đối tác chiến lược thực sự cũng sẽ không hề đơn giản. Việc IPO hay chào bán riêng lẻ của doanh nghiệp Việt Nam không phải bao giờ cũng hấp dẫn nhà đầu tư do cơ chế quản trị các doanh nghiệp vẫn thiếu minh bạch, yếu kém.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.