Giải mã nguyên nhân sạt lở kênh dẫn nước tại dự án thủy lợi Ia Mơr

0:00 / 0:00
0:00
Giữa lúc công trình chưa thi công xong phần mặt đường và rãnh thoát nước thì gặp mưa lớn kéo dài, địa chất yếu…, khiến một số đoạn kênh thuộc dự án thủy lợi Ia Mơr bị sạt lở. Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo khắc phục.
Giải mã nguyên nhân sạt lở kênh dẫn nước tại dự án thủy lợi Ia Mơr ảnh 1

Kênh chính dự án thủy lợi Ia mơr

Sau hai ngày dẫn đoàn công tác đi thực tế các điểm kênh bị sạt lở, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục Trưởng Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) có buổi làm việc tại công trường với chủ đầu tư- Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8, thuộc Bộ NN&PTNT) và các nhà thầu liên quan, vào ngày 24/7.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Vương Quốc Thiết, Giám đốc Ban 8 cho biết, công trình thủy lợi Ia Mơr có 2 tuyến kênh chính Tây (hơn 15 km) và chính Đông (hơn 36,6 km) thuộc dự án thủy lợi Ia Mơr (xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai). Hiện 2 tuyến kênh trên đang thi công, dự kiến cuối năm 2021 hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình triển khai (đầu tháng 7/2021), công trình xuất hiện một số điểm sạt lở. Trong đó, đáng chú ý là sạt lở ngày 6/7 khiến hàng chục tấm bê tông lát mái kênh bị hư hỏng. Theo nhận định ban đầu, ngày hôm đó, trên địa bàn xuất hiện cơn mưa lớn (lượng mưa gần 102 mm), khiến một số tấm bê tông bị xô lệch, vỡ như báo chí vừa nêu.

Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, Ban 8 đã đi kiểm tra, nhận thấy việc sạt lở xảy ra cục bộ tại một số vị trí có nền địa chất yếu, tổng chiều dài đoạn kênh bị hư hỏng là 203 m. Về việc này, Ban 8 đã báo cáo Bộ NN&PTNT, đồng thời yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục.

Sau khi đi thực tế, các chuyên gia đoàn công tác của Bộ NN&PTNT nhận định nguyên nhân ban đầu là do, trong lúc công trình đang thi công, nhà thầu chưa làm xong phần mặt đường và rãnh thoát nước; khi gặp mưa lớn, kéo dài khiến toàn bộ nguồn nước từ trên dội thẳng xuống kênh; khu vực kênh lại có địa chất yếu (đất pha cát) dẫn đến sạt lở.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, ngay sau khi báo chí phản ánh, Cục đã thành lập đoàn vào ngay dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sau khi kiểm tra thực tế cùng báo cáo sơ bộ của các cơ quan chuyên môn, ông Nam đã yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu phải xử lý ngay thoát nước triệt để, không để nước mưa đọng trên bờ kênh tràn xuống làm sạt các tấm bê tông gia cố.

Ông cũng thông tin: “Ngoài 0,2 km gia cố mái kênh bị hư hỏng, còn lại gần 102 km bờ kênh đều không thấy xảy ra sạt lở. Dẫu vậy công trình này được Bộ và Cục rất quan tâm nên ngoài các vị trí sạt lở, chủ đầu tư phải rà soát lại toàn bộ 102 km còn lại, nhất là những chỗ địa chất yếu”, ông Nam nói và cho biết thêm, do công trình đang triển khai thi công nên khi xảy ra sự cố, chủ thầu phải tự chi trả kinh phí khắc phục. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư phải thành lập đoàn nghiệm thu mới đưa vào sử dụng; đồng thời kéo dài thời gian bảo hành, nhất là những chỗ xung yếu nhằm gắn trách nhiệm với nhà thầu.

Giải mã nguyên nhân sạt lở kênh dẫn nước tại dự án thủy lợi Ia Mơr ảnh 2

Đoàn công tác kiểm tra tại hiện trường

Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ NN&PTNN phê duyệt từ năm 2005, phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Hiện các hạng mục trên cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; Giai đoạn 2 chỉ còn hệ thống kênh chính Đông và chính Tây dự kiến xong vào cuối năm 2021. Nhiệm vụ của đại dự án thủy lợi Ia Mơr là cấp nước tưới cho hơn 14.000 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 50.000 dân hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk…

MỚI - NÓNG