Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kiến trúc sư Trần Quốc Bảo - giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - sinh ra và gắn bó cả cuộc đời với Thủ đô. Ông gói ghém tất cả những ký ức, kiến thức và cả quá trình nghiên cứu dày công về kiến trúc Hà Nội, đặc biệt là những di sản kiến trúc Pháp giữa lòng Hà Nội trong một tác phẩm đặc biệt.

Hồi ức của hậu duệ kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn

Ông Maurice Nguyễn - chắt của KTS François Lagisquet, một trong những người thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội - có mặt ở Hà Nội để chia sẻ những tình cảm đặc biệt với những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Thủ đô. Lịch sử gia đình đã thôi thúc ông và nhóm thực hiện sách bắt tay vào quá trình làm sách trong hai 2 năm.

Cách đây hơn 50 năm khi còn là cậu bé 10 tuổi, Maurice Nguyễn được nhà trường cho tham quan Nhà hát Lớn Paris. Trong bữa tối hôm ấy, cậu kể về công trình tuyệt đẹp ấy. Người mẹ đã nói rằng, ở Hà Nội cũng có công trình Nhà hát Lớn rất đẹp, do ông cố của Maurice thiết kế. Ông chính là kiến trúc sư François Lagisquet, từng sang Việt Nam từ cuối thế kỷ 19.

Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội ảnh 1Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội ảnh 2

Ông Maurice Nguyễn - chắt của kiến trúc sư người Pháp thiết kế Nhà hát Lớn.

“Đến 1992, lần đầu tiên bước chân về Hà Nội, tôi muốn đi tham quan ngay Nhà hát Lớn. Ba tôi còn dặn cố gắng ghé trường Albert Sarraut - ngôi trường ba tôi học thuở nhỏ. Tôi đã thuê chiếc xích lô chở đi tham quan. Nhà hát Lớn Hà Nội thật đẹp, dù khi ấy chưa có xe cộ đông đúc, nhà hát cũng chưa được cải tạo, sơn phết đẹp như bây giờ. Những con đường bao quanh nhà hát mang lại cho tôi cảm giác thật lãng mạn”, ông Maurice nhớ lại.

Hai bức ảnh về Nhà hát Lớn và trường Albert Sarraut được Maurice Nguyễn gửi về Pháp cho ba. Những kỷ niệm đó thôi thúc ông nhận lời tham gia thực hiện cuốn sách để “tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội theo dòng lịch sử là một cách để lan tỏa một cách đẹp đẽ tình yêu và ý thức giữ gìn di sản văn hóa”.

Những công trình Pháp cổ tiêu biểu nhất của Thủ đô

Hà Nội sở hữu hàng trăm công trình Pháp cổ, nhiều công trình đặc sắc vẫn được bảo tồn tới ngày nay. Di sản kiến trúc góp phần làm nên một phần diện mạo của Thủ đô Hà Nội, trong đó có những công trình kiến trúc tiêu biểu.

Kiến trúc sư Trần Quốc Bảo cùng nhóm cộng sự đã gom góp, gói ghém những tư liệu quý về 18 công trình tiêu biểu của Hà Nội vào cuốn sách Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt Pháp.

Tác phẩm được ví như cuốn phim về lịch sử Hà Nội, cùng các tác giả đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…

Cuốn sách đem đến cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ. Đó là Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa, kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts, Art Déco, Đông Dương, kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu, kiến trúc thép, Gothique, kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Ông Trần Khanh - thành viên Hội đồng sáng lập Sun Group, đơn vị phối hợp thực hiện cuốn sách - bày tỏ, tác phẩm là sự kết tinh trí tuệ và tâm huyết của nhóm tác giả, bao gồm cả những chuyên gia uy tín và các bạn trẻ đầy nhiệt tâm, sáng tạo nhằm “khắc họa thành công bản sắc riêng có của Hà Nội”.

Từng thành công với cuốn sách về kiến trúc của Sài Gòn, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch cty kiến trúc AA - được khơi gợi làm cuốn sách về kiến trúc Pháp tại Hà Nội.

Cách đây 10 năm khi lần đầu tiên đến thành phố Firenze của Ý, ông ngỡ ngàng thán phục về sự tài hoa của các kiến trúc sư của Ý, càng ngạc nhiên hơn về số lượng du khách đổ về đây. Hơn 60% kinh tế của thành phố từ dịch vụ du lịch là nhờ vào các di sản kiến trúc điêu khắc, hội họa của các thời kỳ phục hưng và trước đó.

“So với các nước Đông Nam Á, Hà Nội đang có trong tay một di sản quý báu. Mặc dù trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội vẫn giữ lại phần lớn di sản kiến trúc đã được xây dựng từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc. Đó là những tác phẩm tài hoa do các kiến trúc sư, nghệ nhân, công nhân Pháp lẫn Việt Nam thiết kế và thực hiện. Các di sản này cần được gìn giữ, để đóng góp vào nền kinh tế du lịch thủ đô”, ông Nguyễn Quốc Khanh nói.

Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội ảnh 3Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội ảnh 4Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội ảnh 5

18 công trình kiến trúc Pháp cổ tiêu biểu được tái hiện chi tiết bằng tư liệu, bản vẽ và ảnh.

Chủ nhiệm dự án sách Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hoá Việt Pháp Trần Hải Anh kể rằng, ban đầu cô không mấy hào hứng, nhưng khi bắt đầu trò chuyện với KTS Trần Quốc Bảo, một người sinh ra và lớn lên ở Pháp như cô mới thực sự hiểu và nhận ra điều gì đó rất Việt Nam trong những công trình được gọi là phong cách Pháp.

“Tôi hiểu rằng các kiến trúc sư thời đó đã phải thích nghi với khí hậu và văn hóa bản địa ra sao, để kiến trúc Hà Nội mang sự độc đáo, uyển chuyển trong từng chi tiết. …”, Hải Anh nói.

Di sản kiến trúc góp phần phát triển kinh tế

Kiến trúc sư Trần Quốc Bảo là người Hà Nội, sống trong biệt thự Pháp cổ. Ông có niềm say mê với mảng kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Những tư liệu được đưa vào cuốn sách là kết quả gom góp, các công trình nghiên cứu trong suốt 30 năm qua, bắt đầu bằng những bài viết và nghiên cứu nhỏ. Ông chính là đồng chủ biên 2 giáo trình: Lịch sử kiến trúcKiến trúc và Quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn chúc mừng nhóm thực hiện kỳ công cho ra đời tác phẩm dày gần 400 trang, song ngữ Việt - Pháp, đạt chất lượng thẩm mỹ cao. Ông cũng thẳng thắn có chút “xấu hổ” vì Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại chưa thực hiện được công trình đồ sộ như thế.

Giải mã hàng chục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội ảnh 6

Kiến trúc sư Trần Quốc Bảo là tác giả biên soạn cuốn sách Kiến trúc Hà Nội.

Nhìn nhận về di sản kiến trúc Hà Nội, ông Phan Đăng Sơn cho rằng, những năm qua đất nước đã cố gắng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nỗ lực đạt những thành tựu. Tuy nhiên nhìn lại, các nhà nghiên cứu và kiến trúc sư thấy “thảng thốt là mình không cẩn thận sẽ bỏ quên một khoảng di sản vô cùng giá trị”.

Di sản kiến trúc là một trong số di sản văn hóa sẽ tạo nguồn động lực rất lớn cho phát triển kinh tế, mà cụ thể là nền kinh tế văn hóa.

“Tôi cho rằng, cuốn sách này góp phần quan trọng cho việc cho thức tỉnh kiến trúc đô thị Hà Nội, một nơi đáng thức tỉnh nhất của Việt Nam và thức tỉnh một cách xứng đáng, hấp dẫn. Không chỉ riêng giới chuyên môn, người làm kiến trúc, mà chắc chắn là cả cộng đồng được tiếp cận cuốn sách này với nội dung vô cùng phong phú, đầy đủ, khoa học nhưng cũng nhiều cảm xúc”, KTS Phan Đăng Sơn nêu.

Dưới con mắt của một kiến trúc sư, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm - nhận định, độc giả thường nghĩ rằng sách chuyên ngành chỉ dành cho người làm nghề. Nhưng thực tế, sách kiến trúc, đặc biệt là quyển sách được biên tập lần này có góc tiếp cận rất mới của các bạn trẻ. "Đây là cách làm rất hay để thu hút nhiều người quan tâm và cách truyền tải thông tin cũng dễ hiểu hơn”, ông Phạm Tuấn Long nói.

MỚI - NÓNG
Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'
Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'
TP - Các trường đại học (ĐH) đã và đang chuyển thành ĐH. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ sự khác nhau giữa trường ĐH và ĐH là như thế nào trong khi các chuyên gia cho rằng, các trường sau khi đổi tên phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…