Về chuyên môn, Thái Lan bước vào King’s Cup 2019 với rất nhiều vấn đề, cả lực lượng cũng như những người trên băng ghế huấn luyện. Họ vắng ngôi sao lớn nhất, Chanathip Songkrasin vì chấn thương. Đây là tổn thất nghiêm trọng bởi vắng tiền vệ đang thi đấu ở J-League, Thái Lan đã mất hẳn các miếng đánh trung lộ nguy hiểm quen thuộc.
Trên sân Chang Arena, HLV Park Hang Seo đã bố trí một cặp tiền vệ trung tâm “mới toanh”, Tuấn Anh và Hùng Dũng. Rất dễ thấy cả hai chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức tròn vai, trong đó khả năng tranh chấp bóng của Tuấn Anh khá hạn chế. Nhưng hàng tiền vệ của Thái Lan vẫn không chiếm được lợi thế ở khu vực giữa sân. Họ buộc phải sử dụng các miếng đánh từ hai biên, hoặc tận dụng những đường chuyền dài lên tuyến trên cho Supachai. Tuy nhiên tại đây, Việt Nam có Trọng Hoàng và Văn Hậu chơi quá xuất sắc.
Việc Teerasil Dangda, chân sút đã ghi 43 bàn trong 99 trận đấu cho Thái Lan không thể ra sân vì chưa bình phục chấn thương là một lý do nữa khiến các pha tấn công của đội chủ nhà giảm phần nguy hiểm. Supachai đã có một trận đấu không tệ, nhưng thiếu Dangda, khả năng gây sức ép lên hàng phòng ngự Việt Nam của Thái Lan đã giảm đi đáng kể.
Một bất lợi khác của Thái Lan là họ không có một HLV xuất sắc như ông Park Hang Seo, và vị trí HLV trưởng lại đang liên tục xáo trộn. Ông Sirisak Yodyardthai mới lên nắm quyền, chưa có thời gian tổ chức đội bóng và xét cả danh tiếng cũng như kinh nghiệm cầm quân đều thua HLV Park Hang Seo. So với Việt Nam, Thái Lan rõ ràng khó khăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân then chốt dẫn tới thất bại của Thái Lan tối 5/6 có lẽ xuất phát từ một vấn đề khác: tâm lý. Dường như vượt ra ngoài tính chất một trận giao hữu, tâm lý ham thắng của Thái Lan đã bị đẩy lên quá cao trong bối cảnh họ chịu thất bại liên tiếp 2 năm qua. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam lại gặt hái được nhiều thành công ở mọi cấp độ. Gần nhất là việc Thái Lan bị loại sớm ở AFF Cup 2018, còn Việt Nam đăng quang ngôi vô địch.
Điều này khiến các cầu thủ Thái Lan đánh mất sự tỉnh táo, độ “lì” như họ vẫn thể hiện trong các lần đối đầu trước đây với Việt Nam. Minh chứng rõ nét chính là việc trong cả trận đấu, các cầu thủ Thái Lan đã sử dụng rất nhiều pha bóng ác ý nhằm vào cầu thủ Việt Nam. Dĩ nhiên cũng phải thừa nhận, cầu thủ chúng ta cũng “không vừa” với nhiều pha đáp trả rất quyết liệt.
Tại sao tôi lại nói vấn đề này?
Sau trận thắng Thái Lan của tuyển Việt Nam, có không ít những bình luận hoặc dòng trạng thái trên mạng xã hội, thậm chí là bản tin nhấn mạnh vào sự chơi xấu của Thái Lan, phần nào đó thể hiện sự hả hê của chúng ta. Chiến thắng, đặc biệt là thắng đối thủ mạnh nhất khu vực thì ai cũng vui sướng và phấn khích. Nhưng nếu bị đẩy sang trạng thái tiêu cực, kích động sự thù địch giữa đôi bên thì rất không nên.
Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy ngay trong cuộc họp báo sau trận đấu, khi được hỏi về việc liệu “Việt Nam đã là số 1 ở khu vực chưa khi thắng Thái Lan”, HLV Park Hang Seo đã rất tế nhị nhắc đến việc, cạnh tranh để cả 2 cùng phát triển. Đấy mới thực sự là cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao.
Cũng xin dẫn thêm ý kiến của cựu quan chức Hiệp hội bóng đá Thái Lan, Witthaya Laohakul khi bàn về các trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan. Ông Witthaya cho rằng, Việt Nam trước đây hay thua vì tâm lý “muốn đánh nhau” khi nhập trận của các cầu thủ. Điều này khiến tuyển Việt Nam mất đi sự tỉnh táo, không tập trung vào chuyên môn. Trên sân Chang Arena vừa qua, người Thái đã mắc chính “căn bệnh” của Việt Nam trước đây.
Kết quả một trận đấu cụ thể không thể là thước đo so sánh 2 nền bóng đá, không nên để chiến thắng trước Thái Lan lại thành khởi đầu cho một căn bệnh mới của bóng đá Việt Nam.