Đơn độc trên thương trường
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Vinh (phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM) chuyên gia công quần áo xuất khẩu cho biết, công ty mới thành lập, quy mô còn nhỏ nên rất muốn vay vốn từ NH. Thế nhưng chưa lần nào vay được vốn vì không có bất động sản thế chấp. Các loại tài sản khác như máy móc, nhà xưởng, hàng tồn kho hay khoản phải thu... đều không được NH chấp nhận. “DN sản xuất không tiếp cận được vốn thì làm sao giải được bài toán đổi mới công nghệ để nâng sức cạnh tranh khi hội nhập” - chị Dung than thở.
Cũng có nhu cầu vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, ông Nguyễn Thanh T. (sản xuất nông nghiệp quận 12) tìm đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM nhờ hỗ trợ. Sau một hồi được tư vấn, ông chán nản ra về với lý do: “Quỹ cũng đòi hỏi tôi phải có tài sản thế chấp như NH. Nếu có, tôi đã tìm đến NH cho xong. Giờ tôi chỉ còn cách vay mượn người thân, bạn bè; bí lắm thì tìm đến các công ty cho vay tài chính”.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 30% DN không thể tiếp cận với nguồn vốn NH; 30% DN cho biết, rất khó tiếp cận vốn. Tự lực không xong, DN tìm đến các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Dẫu vậy, cầu nối này cũng “bất lực”. Ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM thừa nhận, đối tượng của Quỹ chủ yếu là DN không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay.
Nhưng bù lại, họ có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi. Tuy nhiên, theo quy định, nhiều quỹ địa phương vẫn phải xét cả điều kiện đảm bảo của DN thì mới dám bảo lãnh. “Trong khi DNNVV lại không đáp ứng được. Cả năm qua, Quỹ không bảo lãnh được DN nào về vốn, chủ yếu chỉ… tư vấn”, ông Long thừa nhận.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, có một nghịch lý là DN “khát” vốn trong khi NH đang dư về vốn. Nguyên nhân, theo ông Nam, do DN chưa đáp ứng được các điều kiện chuẩn của NH như: năng lực tài chính, tính khả thi của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh… “Thêm nữa, NH chưa tin tưởng vào Quỹ bảo lãnh tín dụng. Điều này dẫn tới tình trạng hai bên (NH - DN) chỉ đứng nhìn nhau chứ chưa thể gặp nhau”, ông Nam nói.
“Giải khát” cách nào?
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TPHCM lý giải: “NH rất muốn hỗ trợ DN nhưng đây là “ván cờ” đầy rủi ro. Bởi ngoài rủi ro tín dụng và nợ xấu tăng, khi để mất vốn, NH còn bị quy trách nhiệm cá nhân, thậm chí xử lý hình sự. Do đó NH buộc DN khi không có tài sản thế chấp (tín chấp) thì phải có phương án bảo đảm khả năng thu nợ từ các khoản phải thu, điều kiện tài chính của DN... Tuy nhiên, DNNVV khó chứng minh những điều kiện bảo đảm này do hệ thống quản trị, tài chính chưa rõ ràng”.
Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Tuy khó nhưng không phải là không có cách để DN tiếp cận nguồn vốn vay. Cụ thể, DN nên tham gia vào các hiệp hội, liên kết với các DN để vận dụng các nguồn lực, giảm các chi phí và tăng khả năng cạnh tranh để vực dậy hoạt động kinh doanh.
Về tiếp cận vốn, ông Tuệ hiến kế, phía NH có thể linh động hỗ trợ DN như khi tài sản của khách hàng có giấy tờ pháp lý chưa đầy đủ thì tư vấn, giúp đỡ, thậm chí có thể làm dịch vụ pháp lý cho khách hàng để họ có một bộ hồ sơ thế chấp đầy đủ. Hoặc khách hàng không có đủ tài sản thế chấp, NH nghiên cứu để có giải pháp cho vay tín chấp… Hay khi khách hàng chưa có một phương án kinh doanh hiệu quả và phù hợp thì NH tìm giải pháp và cùng với họ để chuẩn bị về mặt thời gian, phương thức phù hợp.
Thiếu tài sản thế chấp nên bó tay
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM cho biết. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 18.000 lượt DN tiếp cận vay vốn với gần 160.000 tỷ đồng. Hiện, nguồn vốn dư địa vẫn còn gần 100.000 tỷ đồng để các DN vay vốn sản xuất vào những tháng cao điểm cuối năm 2016. Theo ông Minh, DN không đủ điều kiện vay vốn chủ yếu là thiếu tài sản thế chấp.
Theo ông Minh để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được nguồn vốn, TPHCM có 9 đầu mối hỗ trợ như: NH Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã, các khu công nghiệp – khu chế xuất, chính quyền địa phương hoặc đường dây nóng của NH Nhà nước Việt Nam tại TPHCM qua số điện thoại 08.38211230. “DN thiếu tài sản thế chấp được tạo điều kiện vay vốn bằng cách thông qua bảo lãnh của nguồn Quỹ phát triển DNNVV; hoặc thông qua việc thế chấp dòng tiền bán hàng của doanh nghiệp” - ông Minh chia sẻ.
Văn Minh