Giai điệu Tự hào số 9 và chuyện hậu trường

 Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - sinh viên xuống đường năm xưa hòa giọng cùng tốp trẻ trong bài “Hát cho dân tôi nghe”. Ảnh: Gia Tiến
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - sinh viên xuống đường năm xưa hòa giọng cùng tốp trẻ trong bài “Hát cho dân tôi nghe”. Ảnh: Gia Tiến
TP - Khán giả Giai điệu Tự hào đã quen thuộc với MC - nhà thơ Hồng Thanh Quang nhưng trong số phát sóng tối 26/9, anh đã không thể có mặt vào phút chót vì việc riêng. BTC đành chuyển Nguyễn Hữu Chiến Thắng từ ghế khách mời bình luận lên trám chỗ.

Giai điệu Tự hào kỳ 9 Bài ca hy vọng khoanh vùng ca khúc trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe Nghe đồng bào tôi cùng hát. Các nhạc sĩ phần lớn không chuyên đóng góp hàng trăm ca khúc cho phong trào tranh đấu vì hòa bình và thống nhất. Một số còn nguyên sức sống, vẫn vang lên trên sân khấu lớn, trong các hoạt động tập thể...

Chương trình chọn ra 6 ca khúc, tuy nhiên Bài ca hy vọng và Nối vòng tay lớn không hẳn nằm trong phong trào này, dù mang âm hưởng đồng vọng. Hai tác phẩm này gây nhiều tranh cãi về nghệ thuật giữa Hội đồng bình luận lớn và trẻ tuổi.

Sự xuất hiện của Hà Trần lần đầu tại chương trình gây chú ý nhất định. Chính vì thế, cô càng bị soi, dù hát Bài ca hy vọng không hề dở. Khán giả lớn tuổi đã quen với cách thể hiện có phần hào sảng gắn với thời kỳ ra đời của bài hát tất nhiên không thấy ép-phê gì mấy. Tương tự Nối vòng tay lớn được đặt vào một bản phối hầm hố như nhạc sàn (nhảy) khiến Hội đồng lớn tuổi không thể nào tiêu hóa.

Nhìn chung Hội đồng trẻ có xu hướng ủng hộ cách làm mới của chương trình. Ngồi đằng sau Hội đồng trẻ là khán giả trẻ. Đến màn bấm bình chọn, một thành viên Hội đồng trẻ quay ra vận động khán giả bỏ phiếu cho tiết mục của Hà Trần vào Gala tôn vinh cuối năm. Kết quả số phiếu của khán giả trẻ vẫn không ngóc lên được. Một nữ khán giả trẻ thỏ thẻ thanh minh: “Em thấy bên Hội đồng già nói đúng mà!”.

Tự nguyện - một trong những bài hát tiêu biểu thể hiện tinh thần yêu nước được Trương Quốc Khánh sáng tác trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Giai điệu gọn, đẹp, lời lẽ vừa tha thiết vừa quyết liệt lần này được thể hiện bởi tam đại đồng... sân khấu gồm NSND Trung Kiên, Quốc Trung và Thiện Thanh.

Như để tránh tiếng khoe con cho giám đốc âm nhạc Quốc Trung, ông nội Trung Kiên rào trước: “Thiện Thanh còn bé và vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Lần xuất hiện này, cháu không phải là nghệ sĩ này kia mà chỉ đơn thuần là thế hệ măng non trong đại gia đình làm nghệ thuật”.

Câu chuyện về hai lần thoát chết nhờ những người mẹ, người chị Bàn Cờ của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân hết sức xúc động nhưng mãi ông không kể ra được, mặc cho mọi người kiên nhẫn lắng nghe.

Ông một mực cho rằng phải kể lần lượt từ khi ông bắt đầu tham gia biểu tình bãi khóa thì mới đủ ý. Nhưng vì quá trình hoạt động của ông dài quá, thành ra câu chuyện chính - làm nên bài thơ Người mẹ Bàn Cờ lại không được nói kỹ.

Đến phần đọc thơ, tự ti vì giọng Phú Yên, ông nhờ MC Chiến Thắng đọc giùm. Ai ngờ Thắng đọc được vài câu là không nhìn ra chữ gì. Nhạc sĩ Phú Quang tự hào mắt tinh (vì tập Suối nguồn Tươi trẻ) không cần đeo kính nhảy vào “cứu bồ”, nhưng cũng lại đúng đến chữ “vách”, ông không tài nào dịch tiếp được. Có lẽ không hẳn vì mắt của hai người kém mà tại cách dùng từ của nhà thơ hơi... hiểm.

Đoạn đầu bài thơ như sau: “Có người mẹ Bàn Cờ/ Tay gầy tóc bạc phơ/ Chuyền cơm qua vách cấm/ Khi ngoài trời đã thưa”. Tác giả không giải thích thì chắc không ai biết “trời đã thưa” ở đây ý nói hàng rào cảnh sát đã trở nên thưa thớt hơn(!). Còn “vách cấm” là tường ngăn giữa nhà dân và tòa đại sứ Mỹ - nơi giam giữ sinh viên.

Nối vòng tay lớn khá phổ biến trong giới trẻ miền Nam đầu những năm 1970. Trưa 30/4/1974, chính tác giả đã ôm đàn hát bài này trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn. Sự kiện này đã chính thức phổ biến Nối vòng tay lớn ra toàn quốc.

Tuy nhiên cũng phải hàng chục năm sau, nó mới trở thành bài hát tập thể được yêu thích. Thậm chí người ta còn tưởng có thời bài hát bị “cấm”.

Một vị từng là thủ lĩnh phong trào thanh niên TPHCM chia sẻ, chỉ vì lời hát Nối vòng tay lớn có đôi chỗ hơi khó hiểu (kiểu như “Người chết nối linh thiêng vào đời”) nên ít được dùng. Đúng là một số thứ phải nhờ thời gian mới có thể thẩm thấu.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…