Giải cứu người nghiện ma túy

TP - Hiện trên cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy. Điện Biên là một trong những tỉnh có số người nghiện ma túy cao nhất cả nước. Điều đáng nói, tỷ lệ người nghiện nhiều nhưng số cơ sở điều trị Methadone thay thế ma túy lại rất hạn chế.
Uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên. Ảnh: T.Hà.

Hơn một năm nay, cứ 6 giờ sáng, Giàng A Sùng (26 tuổi, bản Nà Dung, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà) đều đặn đi xe máy vượt quãng đường hơn 

35 km đến điểm uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà. Đường khó đi, trời mưa lạnh hay nắng bỏng lưng Giàng A Sùng đều cố gắng không bỏ buổi uống thuốc nào. Nghiện ma túy vài năm nay, không biết bao lần Sùng khiến cả gia đình khổ sở vì trong nhà có gì cũng bị cậu vác đi bán lấy tiền mua ma túy. Khi chương trình điều trị Methadone triển khai tại tỉnh Điện Biên, Sùng may mắn được tham gia, mỗi lần được uống 50ml thuốc. Hơn một năm dùng Methadone, từ một người với thân hình gầy gò chừng 50 cân, giờ Sùng đã tăng được 10 cân, sức khỏe ổn định.

Chúng tôi gặp Đặng Văn Quý (33 tuổi, khối 5, thị trấn Mường Ẳng, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) khi anh đến uống thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế huyện. Quý kể, đã nghiện ma túy hơn 10 năm từ khi còn làm lái xe chở vật liệu xây dựng quanh địa bàn tỉnh. Đói ma túy, Quý phải bán xe ô tô để có tiền mua. Cả hai lần cai nghiện tại Trung tâm 06 đều không thành công vì bị tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn. Quý được hàng xóm mách nước cai nghiện bằng thuốc Methadone từ năm 2012. Gần 2 năm dùng thuốc Methadone đều đặn, Quý không còn cảm giác thèm ma túy, tinh thần thoải mái và mặc cảm với mọi người cũng vơi dần. Quý chia sẻ: “Uống Methadone tôi bị giảm cân do nóng trong người, táo bón nhưng cảm thấy người khỏe hơn. Trước đây mỗi ngày tôi tốn khoảng 300 nghìn để mua ma túy, nay được uống Methadone miễn phí”.

Thống kê của ngành y tế Điện Biên cho thấy, đến tháng 10/2014, Điện Biên có 5 cơ sở điều trị Methadone đang điều trị cho 1.438 người. Chương trình được đánh giá có hiệu quả rất lớn về kinh tế- xã hội và dự phòng lây nhiễm HIV; góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Khó tiếp cận

Theo báo cáo của Mạng lưới của người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUT), 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chương trình được viện trợ 100%, hiện đang bị cắt giảm nhanh và sẽ kết thúc trong 1 – 2 năm tới. 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, năm 2014, ngân sách trung ương cắt giảm 70% so với năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thiếu kinh phí, không muốn nhận thêm bệnh nhân. Nhiều địa phương không có tiền mở thêm cơ sở mới hoặc có sơ sở nhưng lại vắng bệnh nhân, gây lãng phí; đội ngũ nhân viên y tế không tha thiết với công tác này. 

Y sĩ Vũ Thị Châu Lai, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Na San (huyện Na San, tỉnh Điện Biên) cho biết, Điện Biên là địa phương có nhiều bản nằm heo hút xa trung tâm y tế huyện nên việc đi lại để uống Methadone rất khó khăn với nhiều người nghiện ma túy. Không ít người nghiện phải đi đến điểm uống thuốc tại huyện cách nhà tới 45-50km. Việc triển khai các cơ sở điều trị Methadone tại xã còn rất xa mới thành hiện thực.

Ông Long cho biết thêm, kinh phí cho một ca điều trị Methadone là từ 20.000-25.000 đồng/ngày/người. Trong đó, tiền thuốc là 7.000-8.000 đồng. Hiện, ngành y tế đang tính mở rộng xã hội hóa chương trình điều trị bằng thuốc Methadone. Theo đó, dự kiến thu 10.000 đồng/người/ngày. Để chương trình đạt hiệu quả hơn, ông Long cho rằng cần rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục để đưa người nghiện vào điều trị; xây dựng mô hình điểm cấp phát thuốc tại các trạm y tế xã, nhất là khu vực miền núi; cũng như có thể sản xuất thuốc trong nước.

Phần lớn những người đang điều trị bằng Methadone cho biết, sẵn sàng đóng góp 10.000 đồng/ngày để được uống Methadone lâu dài thay vì quay trở lại với ma túy.

Methadone được là chất thay thế ma túy, sử dụng bằng đường uống có sự giám sát của nhân viên y tế, nhằm giảm tác hại của ma túy. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sẽ giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện, kể cả ma túy tổng hợp (thuốc lắc) giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng ma túy, giảm tội phạm, giảm tử vong do sốc thuốc đồng thời giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng... Người bệnh uống Methadone có thể sinh hoạt và lao động như người bình thường mà không cần tiêm chích ma túy. Methadone không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị.