“Giải cứu”… để làm gì?

TP - Như cứ “đến hẹn lại lên”, đến vụ thu hoạch hàng năm, đâu đó lại rộ lên chuyện nông sản ứ lại ở cửa khẩu, bị vứt bỏ hoặc đổ cho gia súc. Thấy những cảnh thương tâm đó, các bộ ngành, đoàn thể, người dân lại vào cuộc “giải cứu” dưa hấu, hành tím, chuối, thịt lợn, rau, đường…

Còn bản thân người nông dân lại tiếp tục trong vòng xoay được mùa mất giá, trồng - chặt, nuôi - bỏ.

Ở đây, có hai đối tượng đi giải cứu, Nhà nước làm nhiệm vụ chính trị, người dân nghĩa cử làm nhân đạo. Sản xuất thừa cung, nông dân có nguy cơ phá sản thì ngân hàng nguy cơ vỡ nợ, đương nhiên nhà nước phải can thiệp để đảm bảo ổn định kinh tế, nhưng việc này, nếu cứ lặp đi lặp lại thì không phải là quản lý khôn ngoan, mà giống như cách đối phó dư luận… Một nhà nước kiến tạo sẽ không hành động như thế.

Còn người dân giúp nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách” là truyền thống dân tộc, là trách nhiệm lương tâm. Tuy nhiên, dưa hấu có thể ăn thêm một hai quả, nhưng thịt lợn đến bữa thứ ba là chán; còn gạo, muối, đường…thì chịu rồi! Giúp nông dân khi gặp thiên tai là việc phải làm, còn giúp vì thừa cung hết lần này đến lần khác thì nghe ra cũng hơi đạo đức giả… Đây không phải là cách thương nhau dài lâu.

Đối tượng được cứu là nông dân. Vài người trong số họ bán được mớ hàng với giá hòa vốn. Những người khác tiếp tục mắc nợ sâu hơn với các đại lý đã ứng trước tiền phân, thuốc. Có những nhà bán đất, con cái bỏ học.

Miền Trung đã từng chịu ô nhiễm biển, miền núi đã bị lũ quét, miền Bắc đã qua giá rét, bão đã quét nhiều lồng cá nuôi to, thịt lợn rẻ đã đánh gục nhiều chuồng nuôi lớn. Thế nhưng nông dân chỉ biết nhìn xem hàng xóm có ai sản xuất gì có thể sống được, chỉ biết hỏi thương lái xem có ai mua nông sản gì bán nổi.

Tóm lại, những vụ giải cứu không phải là cách giải quyết căn cơ, nói thẳng là sai cơ chế, chưa hợp qui luật, đương nhiên không hiệu quả và kém vững bền. Chúng ta có thương nhau thật không? Nhà nước có coi nông nghiệp là lợi thế của đất nước, là định hướng xuất khẩu, là thúc đẩy tăng trưởng hay chỉ là cái phao đỡ lúc kinh tế khó khăn, là nơi để yên dân, xóa đói nghèo?

Mười triệu hộ nông dân nhỏ xứ Việt đã làm nên sự thần kỳ nông nghiệp Việt Nam. Từ tay trắng mà xuất khẩu lúa gạo, cà phê, hồ tiêu,… loại đứng đầu thế giới. Từ thực tế nuôi hươu, rắn, cá sấu, chim yến… trồng nấm, trồng sâm,… nên nói ngoa một tí là nếu cho họ nuôi và có đầu ra cho mấy con trong “sách đỏ” thì chắc hổ, voi, tê giác, rùa biển… rồi cũng thừa phải lo giải cứu cho mà xem.

Ấy thế mà từ nhà nước đến doanh nghiệp,…vẫn dồn công, của, thời gian vào dạy dân, khuyên dân, “xui” dân, qui hoạch cho họ nuôi con nọ, trồng cây kia, bón phân này, bơm nước lúc khác… ai cũng muốn dạy họ làm cho nhiều thêm.

Đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mấy nghìn năm, nên việc họ giỏi nhất là sản xuất. Trong khi đó, mới bước vào thế giới hội nhập 20 năm nay, thị trường là cái tiểu nông hoàn toàn mù tịt thì chẳng ai giúp.

Ngành nông nghiệp Việt Nam như con tàu dũng cảm tiến ra biển lớn. Động cơ tốt đã không có, lực lượng chính phải dựa vào hàng chục triệu tay chèo nhỏ bé.

Họ được thúc đẩy một cách nhiệt tình để không biết đi đâu. Anh nông dân nhỏ cần tiến ra thị trường! Đó là việc đáng phải có hàng triệu doanh nhân tài ba làm nên nhưng trong nông nghiệp hiện chỉ có khoảng 4.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Chính vì cái thiếu chí từ đấy mới cần có một nhà nước kiến tạo! Đó là một nhà nước cấp cho nông dân các dịch vụ công mới, không chỉ là thúc đẩy, bảo vệ sản xuất mà còn là thông tin thị trường, tiêu chuẩn hóa nông sản, tạo dịch vụ hậu cần, thông thoáng thủ tục cửa khẩu, mở rộng chế biến, đấu tranh ngoại giao, phát triển thị trường...

Chính vì cái thay đổi to lớn ấy mới cần một dân tộc thực sự vì nhau! Đó là những cộng đồng nông dân liên kết với nhau trong kinh tế hợp tác, các doanh nghiệp gắn kết với nông dân, người tiêu dùng liên kết với vùng chuyên sản xuất, những cán bộ phục vụ nhân dân. Phải tạo ra động lực mới để mọi người tự thay đổi.

Quay lại chuyện giải cứu, nếu thực sự có ai muốn giúp nông dân một cách căn cơ, hãy xúm lại cùng nhau đưa ra kế sách và những cam kết thực tế, dài hạn, đúng qui luật trên ngay trang báo này. Chúng ta sẽ cùng nhau làm. Đó là cứu giúp chính mình.                

Theo Nam Khánh (ghi)
MỚI - NÓNG