Giải bài toán 'khát' nước ngọt trên đảo Lý Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sự phát triển nhanh về kinh tế, du lịch và việc người dân ồ ạt đào giếng phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm Lý Sơn cạn kiệt, nhiều nơi bị xâm nhập mặn.

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang cần 250 tỷ đồng để đầu tư hệ thống kênh nhằm thu gom nước mặt vào các bể trữ tập trung.

Chỉ đáp ứng 30% nhu cầu nước cho đảo

Huyện đảo Lý Sơn được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước, rộng chừng 10km2, phần lớn diện tích là đồi núi.

Giải bài toán 'khát' nước ngọt trên đảo Lý Sơn ảnh 1

Việc người dân ồ ạt đào giếng phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm ở Lý Sơn cạn kiệt. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Hàng trăm năm trước, những cư dân trên đảo đã dò tìm mạch nước, đào giếng bên bờ biển. Từ những miệng giếng đầu tiên phục vụ sinh hoạt, giếng nước xuất hiện càng lúc càng nhiều để phục vụ sản xuất. Năm 2014 chỉ có 546 giếng, thì nay đã lên tới 2.149 giếng (mật độ hơn 210 giếng/km2). Số lượng giếng nước càng tăng thì đảo Lý Sơn lại càng khát.

Toàn huyện đảo hiện có một hồ chứa nước là hồ Thới Lới, 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và 2.149 giếng, trong đó gần một nửa là giếng đào. Việc người dân ồ ạt đào giếng khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt.

Năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi cấm đào, khoan giếng mới để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khoan giếng đều phải xin phép. Tuy nhiên, tình trạng khoan giếng trái phép vẫn tiếp tục tái diễn. Hằng năm, chính quyền địa phương phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp lén lút khoan giếng lấy nước trồng hành, tỏi.

Theo thống kê, diện tích cây màu, rau, quả trồng hằng năm ở huyện Lý Sơn khoảng 250 ha. Hiện nguồn nước ngầm ở đảo Lý Sơn cạn kiệt rất nhanh, nhiều vị trí bị xâm nhập mặn khá nặng.

Giải bài toán 'khát' nước ngọt trên đảo Lý Sơn ảnh 2

Công trình Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân

Ảnh: Nguyễn Ngọc

Anh Nguyễn Văn Định (42 tuổi, trú An Hải, huyện Lý Sơn) cho biết, có một bộ phận người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lạc, hành, tỏi… nên cần lượng nước ngọt rất lớn để tưới tiêu. Tuy nhiên, càng đào nhiều giếng thì càng “khát” vì mạch nước ngầm càng suy kiệt. Vào mùa hè, đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt trầm trọng để tưới tiêu, sinh hoạt...

Để giải bài toán nước ngọt cho đảo, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều dự án cung cấp nước nhưng không được như kỳ vọng. Cụ thể, công trình hệ thống cấp nước tại trung tâm huyện (đảo Lớn) được đầu tư xây dựng năm 2016, công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân. Tuy nhiên trên thực tế, công suất của công trình chỉ còn 147m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân.

“Trong vài tháng tới, Sở sẽ trình UBND tỉnh Quảng Ngãi về phương án kỹ thuật hệ thống kênh xung quanh đảo, để thu gom nước mặt. Dự kiến, hệ thống này có thể thu gom 1 triệu m3 nước mưa mỗi năm. Đây là phương án khả thi và ít tốn kém cho nhà nước và người dân hơn phương án biến nước biển thành nước ngọt”.

Ông Võ Quốc Hùng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi

Công trình Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé (An Bình), được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất thiết kế 200m3/ngày đêm. Nhưng thực tế, hoạt động của nhà máy chỉ đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, các công trình cấp nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng nước của toàn đảo.

Cần 250 tỷ đồng để giải “cơn khát”

Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 10km2 diện tích lưu vực, ước tổng lượng nước mưa trên đảo khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, lượng nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phục vụ phần diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại (khoảng 200ha) cần hơn 1 triệu m3.

Ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, giải pháp khả thi nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kênh xung quanh đảo, để thu gom nước mặt vào các bể trữ tập trung với tổng kinh phí đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.

Sau khi việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và bể chứa hoàn thành, số nước ngọt này (1 triệu m3) dự kiến sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy sản khoảng 600.000m3, phần còn lại (khoảng 400.000m3) thông qua hệ thống xử lý phục vụ sinh hoạt và phát triển dịch vụ, du lịch.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là huyện đảo Lý Sơn đã được quy hoạch nên cần phải giải quyết các vướng mắc về thủ tục, đất đai mới có thể xây dựng công trình.

MỚI - NÓNG