Giải bài toán đào tạo và đãi ngộ giáo viên

TP - Tại buổi tọa đàm “Bạo lực học đường - góc nhìn thẳng” do báo Tiền Phong tổ chức hôm 11/4, nhiều giải pháp đã được các vị khách mời đưa ra để tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho cả thầy và trò.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, giáo dục đạo đức trong nhà trường không chỉ tích hợp vào môn giáo dục công dân mà còn các môn khác như văn, sử, địa, sinh và thông qua hoạt động trải nghiệm, hoạt động đoàn, đội. Thứ trưởng Nghĩa cho rằng đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục.

“Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường đội ngũ, nâng cao chất lượng trường sư phạm, trong đó có cả việc siết chặt đầu vào. Chúng tôi sẽ có quy định để tuyển chọn những người có năng lực, đào tạo chú trọng chuyên sâu, trình độ, đồng thời phải chuẩn cả đạo đức sư phạm. Ngoài ra, các quy chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý cũng cần sửa đổi, hoàn thiện” – bà Nghĩa nói.

Đứng từ góc độ giáo viên, cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) nêu thực trạng,  phụ huynh và các giáo viên mặc nhiên coi các môn như Toán, Văn, tiếng Anh là môn chính, còn lại là môn phụ. Khi ở trong trường, học sinh học những môn chính rất nặng. Nhưng ra ngoài xã hội, ứng xử của học sinh lại liên quan đến môn giáo dục công dân. Đó là một nghịch lý. Theo cô Vân Anh, nếu giáo viên hiểu được học sinh thì sẽ biết được nguyên nhân những hành động của các em. “Tôi là giáo viên nhưng cũng là người bạn của học sinh. Phụ huynh hay giáo viên hãy lắng nghe các con để đưa ra lời khuyên” – cô Vân Anh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đưa ra giải pháp rất cụ thể để giải quyết bài toán bạo lực học đường. Theo thầy Lâm, đối với nhà giáo phải đồng bộ cả ba khâu: đào tạo, đánh giá và tuyển chọn giáo viên. Đồng thời phải phát huy nội lực nhà giáo trong điều kiện lương chưa tăng, đãi ngộ chưa cải thiện. Đó là làm sao khơi dậy lòng yêu nghề trong nhà giáo. Khi đã có điều kiện, thầy Lâm cho rằng không phải nâng lương đồng loạt, mà chỉ những giáo viên nào đáp ứng được các yêu cầu sẽ được đãi ngộ tốt hơn.

Đãi ngộ giáo viên: Câu hỏi còn để ngỏ

Tại buổi tọa đàm, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng, đào tạo tuyển dụng giáo viên phải gắn với vấn đề đãi ngộ. Bà cũng đưa ra một loạt câu hỏi liên quan đến đãi ngộ giáo viên hiện nay như: Liệu 20% ngân sách nhà nước có đủ để trả lương hết cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước hiện nay hay không? Chính sách đối với những cơ sở ngoài công lập có được công bằng bình đẳng, để thu hút các thầy cô vào giảng dạy ở các trường này hay chưa?

Theo bà Minh, nếu  Nhà nước chỉ phải trả lương cho những giáo viên công lập, và xã hội trả tiền cho các giáo viên ngoài công lập, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, đãi ngộ cho giáo viên tốt hơn, tránh được tình trạng quá tải giáo viên và học sinh…

“Tôi nghĩ, lương các nhà giáo phải được xếp cao hơn trong bảng lương công nhân viên chức Nhà nước. Đây là vấn đề lớn, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này, mới có thể đặt ra các vấn đề khác” – bà Minh khẳng định.

 “Tôi đồng ý, nhà trường phải minh bạch thông tin, như câu chuyện của em Song Toàn (trường THPT Long Thới, TPHCM – giáo viên im lặng suốt 3 tháng dạy học) cũng cần phải được minh bạch. Chúng ta muốn tuyển nhà giáo, chúng ta phải đặt mình vào vị trí của nhà giáo, xem xét các quy định cũ còn phù hợp trong giai đoạn đổi mới này không. Những nhà giáo không đáp ứng được sự thay đổi, phải nhường chỗ cho những giáo viên trẻ có năng lực hơn”, bà Minh đề xuất.

Liên quan đến vấn đề tuyển chọn giáo viên sư phạm, ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng trong quá trình tuyển chọn có thi và xét tuyển bao giờ cũng có nội dung thực hành, chúng ta cần phải quan tâm đến nội dung này. Vì qua nội dung đó, chúng ta thấy ngay được nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, cách ứng xử của giáo viên. Thứ hai là vấn đề sử dụng giáo viên, cần phân loại giáo viên cho phù hợp. Những giáo viên hạng cao sẽ hỗ trợ, kèm cặp các giáo viên hạng thấp (giáo viên mới ra trường). Cùng với đó là đẩy mạnh việc sàng lọc giáo viên và chính sách đãi ngộ.          

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.