Giấc mơ về những “làng thần kỳ” ở Đà Lạt

Thu hoạch rau vào lúc sáng sớm để đạt chất lượng tốt nhất.
Thu hoạch rau vào lúc sáng sớm để đạt chất lượng tốt nhất.
TP - Việc hình thành cụm sản xuất công nông nghiệp tại thành phố Đà Lạt để xuất khẩu nông sản về bản quốc là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp và nông dân Nhật triển khai dự án đầu tư đem lại luồng sinh khí mới cho vùng đất màu mỡ này.

Vùng đất giàu tiềm năng bậc nhất châu Á

Lâm Đồng có tới 316.169 ha đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm 69.302ha đất trồng cây hàng năm và 246.867ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có nhiều cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh như rau, hoa, chè, cà phê…

“Ở khu vực Đông Nam Á, không nơi nào có vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn, tập trung, chất lượng cao như Lâm Đồng. Nhiều loại cây trồng vật nuôi có năng suất tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Tỉnh còn có thế mạnh về phát triển du lịch canh nông nhờ có sự đa dạng sản phẩm, chất lượng tốt, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm”, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định.

Ông Yoshito Sengoku - nguyên Quyền Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản đã có chuyến khảo sát thực tế tại Đà Lạt và nhận định: Là khu vực hiếm hoi ở châu Á có thể trồng rau củ ôn đới quanh năm nên cơ hội phát triển của Đà Lạt cao hơn hẳn nhiều nước khác. Đà Lạt có thể làm giàu từ việc cung cấp nông sản cho các thị trường khó tính trong khu vực và các nước Canada, Mỹ... Làng Kawakami (huyện Minamisaku, tỉnh Nagano) mỗi năm chỉ sản xuất được bốn tháng nhưng đã cung cấp 80% sản lượng xà lách Mỹ cho toàn nước Nhật. Từ một trong những làng nghèo khó nhất Kawakami trở nên giàu có và nổi tiếng, được mệnh danh là Làng thần kỳ trong khi diện tích chỉ bằng 1/4 Đà Lạt.

Làn sóng đầu tư từ Nhật Bản

Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam đã kết nối cho nông dân ở Làng thần kỳ Kawakami đến Đà Lạt hợp tác với Công ty An Phú thành lập liên doanh Công ty An Phu Lacue để trồng rau xà lách. Anh Takaya Hanaoka, một thành viên của liên doanh và là người đầu tiên xuống giống xà lách theo chuẩn Nhật Bản tại Đà Lạt phấn khởi: Khoảnh đất tốt nhất của làng tôi có lẽ là khoảnh đất xấu nhất tại Đà Lạt. Tuy vật tư, phân bón đều được nhập từ Nhật và giống từ Mỹ nhưng nhờ giá nhân công rẻ hơn nên giá thành sản phẩm rau tại Đà Lạt thấp hơn. Đây là yếu tố quan trọng để rau của An Phu Lacue xâm nhập những thị trường khác ở châu Á.

Công ty TNHH MTV Create Star Việt Nam thuộc Tập đoàn Hoshina Group (Nhật Bản) đã thành công trong việc lập trang trại để trồng dâu tây công nghệ cao  tại thôn Măng Lin, phường 7, Đà Lạt. Mức đầu tư khá cao với 1,5 tỷ đồng/1.000m². Dâu giống Nhật được di thực về trồng tại Đà Lạt đã nhanh chóng thích nghi, phát triển rất nhanh. Quả dâu căng mọng, ngọt thanh, hương thơm mạnh, chất lượng cao, giá bán khá chát (400.000đồng/kg), đắt gấp 4 lần các loại dâu khác ở chợ nhưng vẫn cháy hàng.

Mới ngoài 30 tuổi, kỹ sư nông học Matsuo tìm đến thung lũng Darahoa (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà lạt 27km) thành lập Công ty Marine Viet Nam Agri Farm, thuê đất trồng hàng chục giống hoa cúc của Nhật và Hà Lan.

Với nhiều kinh nghiệm tích lũy được trong đại gia đình 4 đời trồng hoa cúc ở Nhật và chất đất khí trời tuyệt vời ở vùng đất mới, hoa của anh đã được xuất thẳng sang Nhật và tham gia đấu giá thành công tại trung tâm đấu xảo hoa Okasa.

 Mới đây công ty PAN-Saladbowl thuộc The Pan Group đã mời anh liên kết trồng hoa và đảm nhận chức Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật. Công ty này đang xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà kính hiện đại, bề thế nhất huyện Lâm Hà, Lâm Đồng để trồng hoa xuất đi Nhật Bản. Về lâu dài công ty sẽ trồng thêm rau sạch.

Giấc mơ về những “làng thần kỳ” ở Đà Lạt ảnh 1

Người Nhật trồng rau tại Đà Lạt.

Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TPHCM nhận định Lâm Đồng là vùng có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất Việt Nam. Còn theo ông Phạm S, nhiều doanh nghiệp Nhật đến Lâm Đồng xúc tiến đầu tư sản xuất giống và trồng hoa cao cấp, đầu tư dự án sản xuất hệ thống nhà kính, tư vấn sản xuất nông nghiệp có chứng nhận (Global GAP)… Công ty Aeon bán lẻ thực phẩm toàn cầu cũng đưa nông sản an toàn chất lượng cao của công ty có trang trại trồng rau hiện đại và lớn nhất Lâm Đồng là Phong Phú vào chuỗi cung ứng của họ. 

Mục tiêu thay thế dần nông sản Trung Quốc tại Nhật

Những năm trước, để có thể xuất khẩu rau, hoa sang Nhật, các doanh nhân ở Lâm Đồng phải tốn rất nhiều công sức tìm đầu mối hợp tác hoặc thân chinh sang tận nước này mà cũng không ít lần thất bại. Thế nên, năm 2015, nhiều người không khỏi bất ngờ khi phía Nhật đề nghị tỉnh Lâm Đồng hợp tác với chiến lược dài hơi với những bước đi  rất cụ thể.

Các chuyên gia nông nghiệp phân tích có động thái này là vì Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nghiên cứu rất kỹ điều kiện phát triển nông nghiệp ở Đà Lạt. JICA đã thuê Công ty Dream Incubator (DI) Nhật Bản tiến hành khảo sát suốt 2 năm và đề xuất kế hoạch hợp tác giữa Nhật với địa phương này. Sau đó, JICA phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo hợp tác về đầu tư trong nông nghiệp với sự tham dự của 30 doanh nghiệp Nhật Bản cùng hàng chục doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo DI,  người Nhật ngày càng mất niềm tin với nông sản Trung Quốc nên các nhà sản xuất, cung ứng phải đi tìm nguồn cung ứng bền vững khác. Mỗi năm Nhật nhập từ Trung Quốc 400.000 tấn nông sản, Thái Lan khoảng 30.000 tấn, Việt Nam mà chủ yếu là Đà Lạt chỉ khoảng 10.000 tấn. Dẫu chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất nông sản sang Nhật nhưng đã tạo ấn tượng tốt nhờ sản phẩm có chất lượng. Điều này khiến chúng tôi nhận ra không phải Đà Lạt không có nông sản tốt mà đang tắc nghẽn ở khâu nào đó khiến không thể sản xuất nông sản chất lượng cao một cách đại trà.

DI đã tiến hành phỏng vấn hơn 50 công ty và các tổ chức có liên quan đến nông nghiệp ở Nhật. Nhiều người bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đối với Đà Lạt. Nếu hợp tác toàn diện trong sản xuất nông sản với Nhật Bản, cánh cửa thị trường sẽ mở ra. Người Nhật thuyết phục người Nhật dùng hàng Việt sẽ dễ dàng hơn. Chuyển dịch một phần lượng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc sang Đà Lạt là chuyện trong tầm tay. Đà Lạt sẽ trở thành vùng nông nghiệp giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á và có thể xuất khẩu rau, hoa sang nhiều nước khác.

Giấc mơ về những “làng thần kỳ” ở Đà Lạt ảnh 2

Sơ chế, đóng gói hoa để xuất đi Nhật.

Lâm Đồng và phía Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận hợp tác xây dựng khu công nông nghiệp rộng 300 ha để kêu gọi đầu tư từ Nhật. Quy mô canh tác lớn mới thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa; nguyên vật liệu đầu vào sẽ được cung cấp với giá sỉ, rẻ hơn từ

15 - 20% so với giá bán lẻ, nhờ vậy khắc phục được nhược điểm lớn của nông nghiệp Đà Lạt là nguồn cung không ổn định và giá thành sản phẩm quá cao.

Song song đó, theo ông Phạm S, Nhật đang xúc tiến hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Lâm Đồng để đầu tư các công trình hạ tầng trong nông nghiệp như giao thông đồng ruộng và thủy lợi trị giá 1,2 triệu đô la; đầu tư Trung tâm sau thu hoạch với giá trị hàng chục tỷ đồng; xây dựng chợ đầu mối hoa, điều mà 70 năm nay Đà Lạt ấp ủ nhưng chưa làm được; hỗ trợ nông dân tham gia chương trình tín dụng nông nghiệp, chìa khóa để phát triển; chuyển giao công nghệ tiên tiến; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và tính kỷ luật cao. Là thị trường khó tính bậc nhất thế giới nên một khi được chấp nhận ở Nhật cũng xem như rau, hoa Đà Lạt có giấy thông hành đến nhiều nước khác.

Mới đây, khi trao quyết định về chính sách và cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói :“Đà Lạt không chỉ là thương hiệu của tỉnh Lâm Đồng mà của cả nước, và trong tương lai phải là thương hiệu của châu Á”.

MỚI - NÓNG