Giấc mơ Thụy Sĩ

Một góc khu vực dành cho gia đình ở sân bay Zurich (Thụy Sĩ)
Một góc khu vực dành cho gia đình ở sân bay Zurich (Thụy Sĩ)
TP - “Tôi có một giấc mơ”, Martin Luther King nói thế và ban nhạc ABBA hát thế. Ai cũng có một hoặc nhiều giấc mơ. Rất may, nội dung những giấc mơ không giống nhau lắm.

Thời còn ở Sài Gòn, tôi nghe nhiều người bày tỏ giấc mơ Mỹ. Chẳng ai nói về giấc mơ châu Phi, ngoại trừ du lịch Nam Phi. Về sở thích du lịch, người châu Á nhìn chung thích châu Âu, Mỹ. Còn ở châu Âu, những người tôi biết ở đây đều tâm sự đã ít nhất một lần đến châu Phi, dù chưa vào châu Á.

Gia đình một người bạn Việt của tôi vừa có một tuần du ngoạn Tunisia nằm trên bờ biển bắc châu Phi. Chi phí không hề rẻ, từ Bỉ bay sang chỉ hai tiếng rưỡi, trọn gói 7 ngày khách sạn, nghỉ hai phòng hạng sang, giá gần 5.000 Euro. Bù lại, khách sạn miễn phí ba bữa ăn thịnh soạn mỗi ngày. Bạn tỏ ra không thích: “Khách sạn sạch đẹp nhưng cứ bước chân ra ngoài là thấy rác bẩn. Tây sang đây nhiều lắm, thấy cảnh nghèo cảnh bẩn thì lạ lẫm hứng thú chứ người Việt mình lạ gì. Cũng khoản tiền đó về Việt Nam ở resort sướng hơn, ăn ngon hơn vạn lần”.

Đã sống ở châu Âu phải bỏ thói quen quy ra tiền Việt, nếu không sẽ mất ngon, mất hứng. Một cảnh sát Bỉ tham dự chương trình ẩm thực trên truyền hình tâm sự “Lần gần đây nhất, cũng khá lâu rồi, tôi được ăn tôm hùm là ở Việt Nam”. Rất có thể anh này đang mơ: Được trở lại Việt Nam ăn tôm hùm! Giấc mơ này khác nhiều người châu Âu: Mua được căn nhà và sống ở Thụy Sĩ, ngay châu lục này thôi.

Cách đây hàng chục năm, nhiều người giàu ở Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan... đã tìm đường vào Thụỵ Sĩ. Tại đây truyền thống bí mật ngân hàng giúp che giấu lợi nhuận bất chính, thậm chí trốn thuế, không phải lo về tiền nữa sẽ hoàn toàn thoải mái thưởng lãm phong cảnh đẹp như tranh ở đất nước này. Chính sách không liên kết thời bình, trung lập thời chiến của Thụy Sĩ gần đây càng thể hiện rõ hơn khi nước này bỏ phiếu thông qua luật giới hạn dân nhập cư từ EU với thời hạn ba năm. Thụy Sĩ lo dân nhập cư làm xói mòn văn hóa đất nước và góp phần vào việc tăng giá, giao thông đông đúc, nhiều tội phạm hơn.

Chưa vào Thụy Sĩ nhưng tôi đã có nửa ngày lưu lại phi trường Zurich chờ chuyến bay chuyển tiếp. Đã qua nhiều sân bay quốc tế, nhưng phải ở Zurich mới hiểu vì sao nhiều người châu Âu có giấc mơ Thụy Sĩ. Vừa dắt con nhỏ xuống máy bay, một nhân viên quầy thông tin chủ động đến chào hỏi. Xem vé, cô ta hồn hậu: “Ôi, phải chờ lâu đấy. Cô có con nhỏ, nên vào khu vực dành riêng cho gia đình”.

Tấm biển “Family” chỉ hướng vào khu vực rộng chừng 100m2 có phòng vui chơi cho trẻ em và bố mẹ; phòng em bé gồm sofa chất đầy gối mềm và hai cũi; khu bếp gồm bếp điện, lò vi sóng, tủ đựng đĩa bát, bồn rửa mặt nước uống ngay được; nhà vệ sinh. Thêm căn phòng đóng kín không biết bên trong có gì. Người trực hướng dẫn khách để đồ vào tủ, “tôi sẽ trông chừng đồ đạc, đừng lo”, cô vừa nói vừa lôi đồ chơi ra cho con tôi.

Thế này thì chờ cả ngày cũng thoải mái. Cứ 2-3 tiếng, người đổi ca lại vào chào hỏi, lau chùi sàn nhà, xếp gọn đồ chơi cho trẻ mới đến. Và rồi cửa căn phòng khép kín cũng mở, một cặp vợ chồng mắt đỏ vì ngái ngủ bước ra ẵm theo con nhỏ chừng một tháng tuổi. À, phòng riêng cho trẻ sơ sinh, tĩnh lặng và có giường nghỉ ngơi.

Tôi đã hiểu vì sao nhiều người châu Âu có giấc mơ Thụy Sĩ. Nhưng quá nhiều giấc mơ thành hiện thực khiến đời sống ở Thụy Sĩ trở nên đắt đỏ. “Gọi đĩa mỳ Ý nhỏ xíu phải trả 30 Euro, đắt gấp hai ở Bỉ”, bạn mới sang Thụy Sĩ thăm người nhà than thở. Nào khác cô bạn Singapore cứ hè nào từ Bỉ về thăm quê cũng rùng mình “Sinh hoạt ở Singapore đắt gấp mấy lần Bỉ và Mỹ, lúc già chắc chẳng dám về quê ở”. Còn cô bạn Hà Nội mới sang Thụỵ Sĩ định cư nửa năm, tâm sự “Lúc tớ có visa cũng là lúc chồng mất việc. Anh ấy làm về công nghệ thông tin cho một công ty của Mỹ, lương cao. Rồi bên Mỹ nhận ra thuê người ở Ấn Độ rẻ hơn nhiều. Thụy Sĩ bây giờ thất nghiệp nhiều, bảo hiểm và an sinh xã hội khó khăn hơn. Nhiều ngân hàng phải đóng cửa vì khách hàng sộp không trốn thuế được như xưa, truyền thống bí mật ngân hàng đang lung lay”.

Chúng tôi lái xe lướt qua cánh đồng xanh lốm đốm đàn cừu trắng gặm cỏ, những vườn táo nở bung hoa trắng, con đường thẳng tắp hàng sồi dày tán rồi dừng lại trước một biệt thự màu trắng, vườn cảnh và hồ cá duyên dáng phơi mình trong nắng xuân. Bạn giới thiệu “Đây, nhà mới mua, 850 ngàn Euro bao gồm cả nội thất xịn, ở khu nhà giàu của Bỉ, hệ thống chống trộm và chuông báo động lên tận Brussels. Cảnh đẹp nào kém Thụy Sĩ, sinh hoạt lại rẻ hơn. Giấc mơ của tớ thế này thôi”. Ừ, may mà giấc mơ có khác nhau.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.