Giấc mơ... “thần đồng” - Bài 3: Tuổi thơ bị đánh cắp

Nhiều em chinh chiến từ bé, đánh mất sự ngây thơ đúng lứa tuổi của mình
Nhiều em chinh chiến từ bé, đánh mất sự ngây thơ đúng lứa tuổi của mình
TP - Chỉ cần con được xuất hiện chớp nhoáng vài ba giây trên sóng truyền hình là cha mẹ mừng húm như bắt được vàng. Nhiều người còn lập hẳn fanpage, kênh Youtube riêng cho con.

“Cuồng” khoe con

Trên sóng của VTV, HTV, truyền hình Vĩnh Long… có hàng loạt chương trình tìm kiếm tài năng nhí như Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Thử tài siêu nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon… thu hút hàng trăm ngàn trẻ em khắp mọi miền đất nước tranh tài.

Cho con tham gia Giọng hát Việt nhí - The Voice Kid, chị Võ Thị Hồng Trâm (32 tuổi, quê An Giang) thuê hẳn nhà tại TPHCM cho 2 mẹ con ở trong những ngày con thi thố. Theo chị, con gái năm nay 8 tuổi nhưng có thâm niên hơn 2 năm chinh chiến ở các cuộc thi tài năng lớn nhỏ dành cho trẻ em. Trong Nam ngoài Bắc, hễ con thi ở đâu là người mẹ trẻ xin nghỉ việc, tháp tùng đến đó. “Lúc đầu là mình muốn con dạn dĩ, sau đó cũng mong con có giải cao để sớm nổi tiếng” - chị Trâm nói.

Mặc dù chỉ xuất hiện vài phút ở vòng loại một cuộc thi dành cho trẻ em phát sóng trên kênh YouTube, nhưng chị Hồng (có con 5 tuổi) lại post (đăng) hình khoe con lia lịa trên facebook, zalo… hàng chục tin nhắn khen ngợi bé khiến chị… nở mũi. Những thông tin con biểu diễn ở đâu, tập luyện như thế nào… được chị cập nhật thường xuyên, liên tục. “Bé nhà mình bắt đầu chinh chiến ở nhiều cuộc thi từ khi mới 3 tuổi. Giờ con hoạt bát, lanh lợi lắm. Con thích mặc đồ đẹp, thích lên tivi, thích nhiều người biết đến con… Mình chỉ là đang giúp con đạt được ước mơ ấy mà thôi” - người mẹ trẻ quan niệm. Khoe riết thành nghiện, nghe đâu có cuộc thi lứa tuổi thiếu nhi, chị Hồng liền nộp đơn, bất chấp con mình có thích, có phù hợp với tiêu chí cuộc thi hay không…

Bé T. (9 tuổi) nổi lên như một “hiện tượng mạng” khi cover (làm lại) những ca khúc người lớn đang hot trên thị trường như Ngắm hoa lệ rơi, Túy âm, Anh cứ đi đi… cực chuẩn. Ngay khi được nhiều người biết đến, mẹ em liền lập fanpage, tìm công ty quản lý gửi con. Người mẹ còn thuê hẳn stylist, make up chuyên nghiệp cho bé. Mỗi clip bé cover đều được đầu tư kĩ lưỡng về âm thanh, hình ảnh, chạy quảng cáo facebook để nhiều người tiếp cận được, thậm chí mua bài trên báo mạng để PR…

Quả thật, cha mẹ nào cũng tự hào khi con mình xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, được nhiều người xuýt xoa, khen ngợi. Thế nên, không ít phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia vào các nhóm, câu lạc bộ casting khi con mới vài tuổi, thậm chí chỉ vài tháng tuổi.

“Lỗi do ai? Trẻ em không còn sống đúng với độ tuổi ngây thơ, hồn nhiên vốn có của mình có phần góp tay không ít của phụ huynh mong muốn con mình sớm nổi tiếng. Chính vì thế, họ tìm mọi cách đẩy con mình về phía đám đông. Nhiều bậc cha mẹ ngay khi con trở thành thí sinh, được biết đến từ các chương trình truyền hình thực tế hoặc qua mạng xã hội, lập tức nhận show diễn, ra giá cát xê hoặc tìm kiếm các công ty đào tạo tài năng, các bầu show để con chóng toả sáng”- stylist H.M. cho biết.

Giấc mơ... “thần đồng” - Bài 3: Tuổi thơ bị đánh cắp ảnh 1

Những cuộc thi dành cho thiếu nhi luôn thu hút phụ huynh đăng ký

Cô bạn làm cùng cơ quan khoe tôi, có đứa cháu mới 7 tháng tuổi đã được đóng quảng cáo cho một nhãn hàng sữa tắm trẻ em. “Đó, thân hình là của cháu tôi đó, còn mặt em bé là con của người khác. Trộm vía! Mới nhỏ thế này, lớn lên chắc có duyên với ống kính rồi. Nhãn hàng khen lắm!” - cô bạn chỉ vào điện thoại. Được biết, để có những shot hình lung linh như trên, cháu bé bị tắm - lau liên tục, đến khi nào quay đạt mới thôi. Sau đó, gia đình cô bạn tiếp tục đăng ký cho bé casting đóng quảng cáo kiểu “thế thân”, và clip quảng cáo trên trở thành minh chứng bé đóng rất “ok” để nhận những sô tiếp theo.

Nhiều hệ lụy

Không phủ nhận sự nở rộ của các trò chơi truyền hình, trong đó có các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Thông qua các cuộc thi, các em được rèn luyện, nuôi dưỡng, ươm mầm ước mơ về ca hát, nhảy, múa, hướng đến phát triển nhân cách hướng ngoại, vì cộng đồng…

Song, những trò chơi này như con dao 2 lưỡi, các em bị áp lực và ảnh hưởng tâm lý từ sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè… Nhiều trẻ ảo tưởng mình đã là ngôi sao, thời gian trong ngày chỉ chăm lo vào quần áo, cách đi đứng, ra đường làm sao để ai cũng phải chú ý đến mình… Khi không đạt được như ý, nhiều em trầm cảm, bỏ ăn, bỏ học… Một số trường hợp tương tự đã xảy ra cho các em nổi tiếng quá sớm, để rồi các em mất thăng bằng, mất định hướng và chới với trong sự nổi tiếng của chính mình.

Chị Thủy từng đưa con đi thi các gameshow truyền hình tâm sự: Khi bị loại, cháu rất buồn và khóc nhiều, bỏ bê cả chuyện học hành. Vợ chồng tôi phải dỗ dành, động viên mãi cháu mới bình thường trở lại. Ngoài ra, áp lực giành giải đã làm cho các em có tâm lý cạnh tranh, thậm chí là đố kỵ nhau. “Thời gian cùng con đi thi, tôi thấy ở những vòng đầu, các cháu vô tư, hồn nhiên chơi đùa, tình cảm với nhau lắm. Nhưng càng vào các vòng trong, các cháu càng tỏ ra đố kỵ, nói xấu, thậm chí là ghét nhau ra mặt” - chị Thủy nhìn nhận.

Chầu chực gần cả ngày để tham dự vòng sơ tuyển mẫu nhí tại TPHCM, bé Hà (khoảng 10 tuổi) vận trang phục thời thượng, xỏ đôi giày cao gót, khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng thỉnh thoảng lại được mẹ dặm thêm phấn son. Thế nhưng, do thể hiện chưa tốt khả năng catwalk, em bị loại sớm. Thay vì động viên con, người mẹ tỏ thái độ trách móc, chì chiết con rằng không biết cố gắng. Dường như, rớt không buồn bằng những lời chê của mẹ, hàng nước mắt lăn dài trên má cô bé...

                U.P

MỚI - NÓNG