Giấc mơ lập bảo tàng tư nhân về Tây Nguyên

Giấc mơ lập bảo tàng tư nhân về Tây Nguyên
TP - Trong khi bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong các buôn làng ngày càng vắng bóng, có một đôi vợ chồng đã không ngừng nuôi giấc mơ lập bảo tàng tư nhân cho gần 3.000 hiện vật quý hiếm sau nhiều năm sưu tầm.

> Người phụ nữ ngửi ...cổ vật, mê tàu đắm
> Khai trương bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Huế

Đôi vợ chồng say mê kỷ vật

Quán cà phê Tây Nguyên điểm hẹn trong hẻm cuối đường Phạm Hồng Thái (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) từ lâu đã gắn liền với câu chuyện về “Chị Cúc bảo tàng”.

Sự độc đáo của điểm hẹn này nằm ở khoảng 3.000 hiện vật vừa trưng bày, vừa xếp lớp trong kho gồm quần áo nam nữ thường ngày, trang phục lễ hội, đồ trang sức, dụng cụ sinh hoạt, săn bắn, thuyền độc mộc, ché rượu và các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên.

Ấn tượng nhất trong số đó là bộ sưu tập 138 chiếc trống cổ trên trăm năm, hơn 30 bộ chiêng quý còn nguyên vẹn, hàng trăm ché rượu cổ của gần chục sắc tộc thiểu số như Ê đê, Jrai, Xê đăng, M’nông, Pih v.v…bày ở nhà lồng khiến người xem phải trầm trồ, kinh ngạc.

Khối di sản đồ sộ này hình thành từ lòng say mê vô bờ bến và sự kỳ công sưu tầm trong rất nhiều năm của chủ nhân. Chồng chị Cúc, võ sư Lê Tuấn, lục đẳng huyền đai karatedo cũng say sưu tầm kỷ vật theo vợ tự lúc nào. Thế nên, võ sinh của anh từ khắp nơi hễ thấy ở đâu có hiện vật quý hiếm là báo tin ngay.

Thời gia cảnh còn nghèo khó, anh Tuấn không ngại dốc cạn túi và đạp xe cả trăm cây số mỗi khi lùng hàng, có khi mai phục tới nửa năm để thuyết phục được gia chủ chịu nhượng lại chiếc ché “mẹ bồng con”. Có lần vợ chồng phải gán thêm trâu lợn, cúng lễ trang trọng mới mua được chiếc thuyền độc mộc cũ của đồng bào…

Ôm mộng lập bảo tàng tư nhân

Chị Cúc cởi mở kể lại niềm đam mê này. Suốt 34 năm công tác trong ngành bảo tàng, tới cả lúc về hưu năm 2011, với cương vị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông, khó khăn theo chị là cơ chế kinh phí của ngành vô cùng ít ỏi, thủ tục lại nhiêu khê.

“Nhiều lần chờ xin được kinh phí thì hiện vật đã bị người nơi khác mua ngay mất rồi. Mình về buôn, đồng bào thương hay tặng những món quà nho nhỏ như quả bầu khô, chiếc vòng cườm… Từ bộ sưu tập trang sức được tặng, mới nghĩ đến chuyện sưu tầm hiện vật văn hóa, mở bảo tàng tư nhân để giới thiệu với du khách thập phương về văn hóa Tây Nguyên”- chị Cúc nói.

Trước nạn chảy máu cồng chiêng diễn ra ở khắp các buôn làng Tây Nguyên, chứng kiến hàng loạt bộ chiêng cổ bị bán phế liệu, đồng nát, mà nhà nước lại không có cơ chế, kinh phí để mua lại tất cả, từ những năm chín mươi trở lại đây vợ chồng chị mới quyết tâm sưu tầm, xin hoặc mua lại những hiện vật văn hóa truyền thống mà nhiều nơi đồng bào chịu bán hoặc bỏ đi.

Chị giãi bày: “Từng chiếc trống cổ, từng bộ chiêng, bộ ché quý, bộ thừng săn voi… đều là ký ức của vùng đất Tây Nguyên. Bởi vậy, nghe ở đâu có bán hiện vật quý mà kinh phí nhà nước không có nguồn mua, vợ chồng mình lại xoay xở vay mượn, thương lượng mang về!”.

Vừa nghỉ hưu năm 2011, chị đã tính xin chuyển đổi mục đích sử dụng 5 sào đất nông nghiệp của gia đình để xây bảo tàng, không ngờ đất rơi vào quy hoạch bị thu hồi làm công trình công cộng. Tiền đền bù không đủ mua lại diện tích tương ứng, vợ chồng chị đành để “hiện vật nằm kho”, thỉnh thoảng lại mang ra hong nắng, hoặc thuê đồng bào cất giữ, hun khói bảo quản.

Theo ông Bùi Văn Khối, trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk nhận định: “Chị Cúc sở hữu bộ sưu tập hiện vật văn hóa khổng lồ, trong đó nhiều hiện vật quý hiếm, giá trị rất lớn, có thể mở được bảo tàng tư nhân”. Cũng chung nhận xét, ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đăk Nông cho rằng, nhà nước cũng nên tạo điều kiện khuyến khích chị Cúc mở bảo tàng tư nhân để giới thiệu văn hóa Tây Nguyên đến du khách trong và ngoài nước, đồng thời bảo quản hiện vật tốt hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG