Giấc mơ ghế bố

Cành mai xuân Nhâm Thìn Ảnh: T.N.A
Cành mai xuân Nhâm Thìn Ảnh: T.N.A
TP - Hàng trăm cụ già bị con cháu bỏ rơi tìm vào tá túc ở chùa Lâm Quang- TPHCM, với ước mong được ra đi trên chiếc ghế bố. Chùa toàn sư nữ, người tá túc cũng toàn nữ.

> Tết giữa Hoàng Sa

Cành mai xuân Nhâm Thìn Ảnh: T.N.A
Cành mai xuân Nhâm Thìn. Ảnh: T.N.A .

Cành mai trong giấy bóng

Dịp rằm tháng giêng chúng tôi ghé thăm chùa Lâm Quang ở phường 14, quận 8, TPHCM, nơi chăm sóc nhiều người già bị con cháu và người thân bỏ rơi.

Loay hoay mãi mới tìm được ngôi chùa nhỏ bởi nó nằm sâu trong một xóm nghèo. Hàng trăm cụ già đang nằm khắp nơi. Hỏi tới họ hàng con cháu, các cụ đều bảo: “Không biết chúng đang vui chơi tận chốn nào”.

Chỉ còn hơn chục cụ đang đọc kinh trước bát bảo. Hóa ra đấy là những cụ còn minh mẫn nhất, lại có đủ sức khỏe nữa. Trong chùa chia làm hai khu vực, một đằng các cụ chuyên ngồi giường, một đằng các cụ nằm ghế bố.

Ngày xuân người người trẩy hội, đi chơi thăm thú vãn cảnh, hay quần tụ với gia đình chúc thọ, mừng tuổi. Trong chùa Lâm Quang không khí trầm tư lắm. Hôm 28 tết, bà Khoan 93 tuổi qua đời, sang ngày 29 chùa đưa đi thiêu. Bà con họ hàng con cháu, chùa chờ mãi chẳng thấy đứa nào.

Ni cô Diệu Sơn nói: “Mấy mùa xuân lạ lắm, năm nào cũng hàng chục cụ đi”. Ra giêng ngày mồng 6 lại một cụ nhắm mắt. Đi thanh thản, trước đó bà vẫn ăn uống, chỉ ít hơn mọi bữa. Bà đi rồi lại về thôi. Người ta bảo vậy. Lọ cốt được đưa về chùa vào hôm sau.

Các cụ vào chùa đều thuộc thành phần hầu như “vô thừa nhận”, lang thang nơi đầu đường xó chợ, không nhà cửa, con cháu chẳng đoái hoài. Lâm Quang là chùa sư nữ nên 115 cụ già được nuôi dưỡng cũng đều là nữ cả. Cuộc đời các cụ kể không biết bao giờ cho hết chuyện.

Bà thì độc thân bởi chờ người yêu ở xa, người tan vỡ hạnh phúc thình lình, kẻ bị con hắt hủi, người đãng trí đi lạc, kẻ tự ái vì bị bỏ bê. Cuộc đời phiêu bạt đến lúc mỏi gối chồn chân. Bèn tụ tập trước cổng chùa.

Mới đầu năm thấy hai mẹ con mù từ ngoài miền Trung vào. Người mẹ nghèo khổ, không chồng nhưng được đứa con. Không may sinh xong thì hỏng mắt.

Giờ biết đi đâu? Một bà, chẳng biết mất một chân tự bao giờ. Hỏi: “Cụ đã hỏng một chân rồi, còn muốn đi đâu mà đến chốn này?” Cụ hỏi: “Tôi đi kiếm con cháu tôi chứ đi đâu?”. Thế chúng ở chốn nào rồi? Cụ lại hỏi: “Tôi mà biết, tôi đi tìm làm gì hả?”. Một cụ tóc bạc da mồi, hỏi ra mới biết cụ vừa bước sang tuổi 95.

Trước kia cô em gái bán vé số nuôi chị, giờ cô ấy cũng đi bộ không nổi nữa, bèn đem chị gái mà gửi vào đây. Lạc quan nhất trong mùa xuân Nhâm Thìn 2012 phải kể tới bà Thành.

Bà người Sài Gòn, theo đạo Thiên Chúa: “Tui gửi người ta 25.000 đồng mua một cành mai bằng nhựa chưng ngày tết”. Ngày ngày, bà ngồi ngắm cành hoa vẫn còn nguyên trong bao ni lông.

Người ta sống trong chùa mà hồn lắm khi vẫn còn ở nơi gầm cầu. Trong chùa cả năm trời rồi, đi vệ sinh còn hỏi: “Nhà vệ sinh số mấy vậy? Tôi hỏi để gửi đồ, tí nữa ra còn biết mà lấy quần áo”. Lại có bà suốt ngày ôm cái bịch ni lông trước bụng, không rời tay.

Trong ấy chứa vài bộ quần áo rách. Bất kỳ ai đến gần, là la lên: “Ới công an! Nó cướp”. Phải bà quá lo xa, phòng thân, kẻ lạ đến gần thẳng thừng hắt luôn ca nước vào mặt.

Hỏi ra mới biết, nhiều cụ quá nghèo nên mưu sinh màn trời chiếu đất cả cuộc đời. Nhiều cử chỉ thành ra phản xạ tự nhiên. Nhưng cũng không hiếm người lúc già mới bị lừa, cứ tưởng như giấc mơ hãi hùng. Một bà già ốm ung dung vào viện nằm. Ra viện, con nuôi đã bán nhà rồi ôm tiền trốn mất tích.

Kẻ làm công quả

Dừng bước trong chùa Lâm Quang
Dừng bước trong chùa Lâm Quang.

Nicô Diệu Sơn vào chùa năm 1997. Khi đó cô mới học lớp 11 ở Quảng Trị, thích đi tu, trốn gia đình vào Nam để vào chùa.

Ni cô kể: “Khi đó, sư trụ trì chùa mới hơn 30 tuổi, đầy nhiệt huyết. Vùng này ngập nước, lầy lội lắm. Sư thấy mấy người già kiệt sức nằm quanh chùa bèn mời vào tá túc. Người ta nghe tiếng, kéo đến ngày càng đông”.

Ni cô nói: “Chùa chúng tôi nghèo lắm, hằng ngày thầy trò phải bán cơm chay, làm hương, làm chiếu bán cho trại hòm (quan tài) lấy tiền mua gạo. Nhờ đường tu quá vất vả mà thầy trò càng kiên trì làm được những việc tưởng chừng không thể làm xong”.

Chẳng hạn việc bổ củi nấu cơm. Các cô quanh chùa thấy sư nữ vất vả quá, lao vào giúp một tay, nhưng chẳng ai làm nổi. Các cụ tá túc đông, chùa nhỏ, lại cũ kỹ, không đủ nơi nằm. Các cụ ngủ cả trên hành lang, mưa ngập phải bế các cụ đi.

Chùa kiếm được ít tiền để xây thêm tòa nhà phụ. Số tiền chỉ đủ để thuê thợ xây. Sư phụ và các ni cô đều phải làm phụ hồ. Mệt quá, lăn ra ngủ, sáng ra đi tắm, bị xi măng ăn vào tay chân, bóc ra bắn cả máu.

Quận 8 “nổi tiếng” lắm trộm cướp, nghiện hút, bài bạc. Dân nghèo, học hành rất ít. Cuộc sống khó khăn, suy nghĩ đơn giản. Thậm chí lúc túng thiếu bế con ra chợ bán 4 triệu đồng, dân chợ xót xa, góp nhau trả 1,5 triệu rồi đưa cháu vào chùa. Giờ cháu đã lớn, trắng trẻo, thông minh, mà chùa vẫn gọi “thằng đen”, cái tên thủa nó mới vào chùa.

Vào khu vực dành riêng cho các cụ bị liệt nằm một chỗ, thấy ni cô Diệu Thảo đang khám bệnh. Nhiều người đóng bỉm. Ni cô nói: “Chùa phải đi học điều dưỡng để thăm khám cho các cụ. Bác sĩ từ thiện thỉnh thoảng mới tới được”. Các cụ nghe được thăm khám mừng lắm.

Ốm nặng, nhập viện, viện phí nhà chùa trả, các ni cô vào trực trong viện, cũng ngủ hành lang như thường. Các ni cô cả chục năm chưa một lần về quê ăn Tết. “Mỗi năm tiền công đức tập trung vào tháng Tết và tháng bảy. Chi phí đều nhìn vào đấy, nên từ đêm giao thừa qua ngày mồng một, cả chùa đều thức trắng để đón đệ tử và tổ chức cúng cầu an”.

Bà cháu có một giấc mơ

Thăm khám cho các cụ đã bị liệt
Thăm khám cho các cụ đã bị liệt.

Các sư nói với tôi: “Phật tử và các nơi đã gửi gạo về giúp. Khi thiếu, sư lại ra chợ gạo khất thực, đem về nấu cơm. Lo nhất lúc các cụ ốm đau, tiền viện, tiền thuốc bằng cả chục bao gạo”. Nhà chùa đang lo thủ tục để được cấp giấy phép chăm sóc người già. Chạy tới chạy lui nhiều lần chưa được.

Lý do là diện tích chăm nuôi của nhà chùa chưa đạt. Ni cô Diệu Sơn nói: “Theo quy định của nhà nước, mỗi cụ phải được chăm sóc trong diện tích mấy mét vuông. Phật tử cúng dường cho chùa một ngôi nhà bên kia đường, chùa đem đổi lấy 200m2 đất để mở mang diện tích.

Tháng 9 năm ngoái xây thêm một tòa nhà bốn tầng cho các cụ nằm. Nhưng các cụ đông quá, tính theo diện tích quy định vẫn bị thiếu hụt”.

Muốn đảm bảo diện tích quy định để cấp giấy phép, nhà chùa chỉ cần giảm bớt số lượng các cụ xuống, bằng cách không nhận thêm người nữa. Như vậy chùa bớt gánh nặng, các cụ cũng được rộng rãi, giấp phép có ngay.

Nhưng từ chối như thế nào với những con người đã sắp sửa gần đất xa trời, đến chùa chỉ đem theo nguyện vọng được ra đi trên một chiếc ghế bố (loại ghế kết bằng vải bố, đồng thời cũng là cái giường)?

Tháng 2-2012.

Chùa Lâm Quang nuôi người già “vô thừa nhận” từ năm 1995 tới nay, tính ra đã 150 cụ qua đời. Nhưng cũng ngần ấy người thế chân vào. Các sư nói: “Các cụ bảo chẳng cần gì, chỉ mong một cái ghế bố để nằm khỏi thối thịt.

Mong sau khi chết, được nằm trong cái hòm không phải hòm quốc doanh”. Nhà chùa cố gắng để các bà được nằm hòm có tí chút sơn son thiếp vàng. Chùa vẫn chạy vạy khắp nơi mà lo cho 115 cụ những giấc mơ ấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.