Tại thành phố Hồ Chí Minh, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC, lúc 10 giờ 58, mua vào 43,52 triệu đồng/lượng, bán ra 43,65 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 640.000 đồng và 670.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Vàng miếng hiệu SBJ của công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, cùng thời điểm, đạt 43,5 triệu đồng/lượng trên giá mua, trong khi giá bán ra là 43,7 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng và 650.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa ngày 21.08.
Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, lúc 10 giờ 44, niêm yết ở mức 43,55 – 43,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 650.000 đồng và 700.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá SJC của tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (Hà Nội), cùng thời điểm, là 43,57 – 43,67 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Với mức giá này, vàng trong nước hiện cao nhất từ giữa tháng tư.
Trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố là 20.828.
Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20.820 – 20.855 (mua vào – bán ra), giảm lần lượt là 10 đồng và 5 đồng so với hôm qua.
Trên thế giới, vàng, euro và dầu thô hôm qua đồng loạt tăng, sau khi nhiều chuyên gia dự đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ thực hiện một số biện pháp để “hạ nhiệt” lãi suất trái phiếu chính phủ của Italia và Tây Ban Nha.
Đóng cửa phiên giao dịch đêm 21-8 tại Mỹ, vàng tương lai tăng 19,9USD, tương đương 1,2% lên 1.642,9USD/Oz. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 4-05.
Euro tăng 1,1% so với USD, đưa tỷ giá EUR/USD vượt lên 1,2477. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD giảm từ 82,475 xuống 81,934.
Dầu thô cũng đạt mức cao nhất trong hơn ba tháng với các hợp đồng dầu ngọt, nhẹ giao tháng chín tăng 71 cent, lên 96,68USD/thùng. Qũy đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới hôm qua tiếp tục mở trạng thái mua, nâng tổng lượng vàng dự trữ lên mức cao nhất kể từ cuối tháng sáu.