Giá vàng đã tăng tới mức phải chốt lời?

Giá vàng đã tăng tới mức phải chốt lời?
Phiên giao dịch đêm qua (12/9), giá vàng kỳ hạn giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua, do những lo lắng về xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Pháp nhấn chìm các thị trường chứng khoán toàn cầu và buộc giới đầu cơ phải bán tháo các tài sản khác, trong đó có vàng, để đắp lỗ.

Giá vàng đã tăng tới mức phải chốt lời?

Phiên giao dịch đêm qua (12/9), giá vàng kỳ hạn giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua, do những lo lắng về xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Pháp nhấn chìm các thị trường chứng khoán toàn cầu và buộc giới đầu cơ phải bán tháo các tài sản khác, trong đó có vàng, để đắp lỗ.

Giá vàng đã tăng tới mức phải chốt lời? ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet

Cụ thể, giá vàng giao tháng 12 giảm tới 46,20 USD, tương ứng 2,5%, xuống 1.813,3 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Theo George Gero, quan chức của hãng RBC Capital Markets, các nhà quản lý tài sản bán tháo vàng để tăng lượng tiền mặt bù lỗ cho chứng khoán đã dẫn tới sự sụt giảm của giá vàng.

Hôm qua, các sàn chứng khoán châu Âu đã trượt giảm mạnh sau một báo cáo cho biết Moody's đang xem xét hạ bậc tín dụng của các ngân hàng Pháp liên quan tới nợ của Hy Lạp. Cuối tuần trước, các thị trường này cũng đã chao đảo sau khi có tin nói rằng châu Âu không thể giải quyết dứt điểm bài toán nợ nần.

Mặc dù phiên giao dịch hôm qua, thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ vào những giờ gần cuối, nhờ thông tin Trung Quốc có thể mua trái phiếu Italy, từ đó làm giảm bớt những bất an của giới đầu cơ cổ phiếu quốc tế, nhưng vẫn không đủ hạn chế nhà đầu tư bán tháo vàng để bù lỗ.

Thêm vào đó, theo Stephen Platt, chuyên gia phân tích hàng hóa của hãng dịch vụ tài chính Archer ở Chicago, đứng trước những phiên tăng giá kỷ lục gần đây của vàng, một số nhà đầu tư cho rằng, giá vàng hiện đã tăng quá mức nên việc chốt lời diễn ra là điều dễ hiệu.

Tuần trước, giá vàng hợp đồng giao sau đã chạm mốc cao kỷ lục 1.923,7 USD/ounce, nhưng sự thất bại trong việc vượt lên mốc cao mới và duy trì chúng đã khiến nhà đầu cơ trên thị trường cảm thấy thất vọng và dẫn tới đà bán tháo gần đây, Platt cho biết thêm.

Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng của thị trường, theo Giám đốc đầu tư Marcus Grubb của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ mặt hàng kim loại quý này sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay nhờ lượng tiêu vụ vàng trang sức tăng lên từ các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và nhu cầu đầu tư.

Ông Grubb cho biết, trong quý 3, thị trường vàng sẽ chứng kiến sự đầu cơ mạnh mẽ hơn, xuất phát từ những lý do như khủng hoảng nợ châu Âu, hạ xếp hạng nợ và các số liệu kinh tế yếu kém từ Mỹ khiến giới đầu tư lo ngại có thể rơi vào suy thoái lần nữa.

Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã mua vào 198 tấn vàng để tăng dự trữ trong 6 tháng đầu năm nay, và sẽ tiếp tục tăng mua tích trữ kim loại quý này trong 3 tháng tới đây và xu hướng này dự kiến sẽ kéo dài tới cuối năm, chuyên gia Hội đồng Vàng thế giới nhận định.

Trước đó, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ đã nâng dự báo giá vàng lên 2.075 USD/oz vào năm 2012 do triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục u ám. Theo UBS, khủng hoảng nợ công châu Âu, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng đều thấp sẽ làm tăng nhu cầu đối với vàng. Giá vàng năm 2013 được dự báo lên 1.725 USD/oz, tăng 44% so với dự báo ban đầu.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 28%, và lập đỉnh 1.923,7 USD/oz trong phiên giao dịch ngày 7/9. Đây là năm thứ 11 thị trường vàng tăng khi mà các nhà đầu tư chuyển hướng từ thị trường chứng khoán và một số loại tiền tệ khác sang thị trường vàng nhằm tìm kiếm một tài sản trú ẩn an toàn.

Trong khi đó, theo hãng tin CNBC dẫn lời một số nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết, đà bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ còn tiếp tục do thiếu các giải pháp chính sách rõ ràng từ châu Âu. Đà bán tháo thời gian qua đã khiến giá cổ phiếu còn rất rẻ.

Tuy nhiên, ông Andrew Freris, Giám đốc tư vấn đầu tư khu vực châu Á của BNP Paribas Wealth Management, cho rằng ông vẫn chưa mua vào cổ phiếu. Theo ông, giá cổ phiếu rẻ là vì nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục bị điều chỉnh giảm.

Ông Brook McConnell, Chủ tịch của hãng quản lý tài sản South Ocean cho biết, ông rất lo về những gì đang diễn ra. Dẫu vậy, ông dự báo rằng đà bán tháo sắp kết thúc. Ông cho biết: “Cuối tháng trước, các thị trường chứng khoán toàn cầu mất sạch 8.000 tỷ USD, vì thế theo tôi thị trường đã gần chạm đáy”.

Các thị trường chứng khoán lớn của châu Á đều giảm từ 2 - 4% trong phiên 12/9, do giới đầu tư lo sợ bất ổn sẽ gia tăng sau khi chuyên gia kinh tế trưởng người Đức, Juergen Stark, từ chức khỏi Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để phản đối chương trình mua trái phiếu của ngân hàng này. Các chỉ số chính châu Âu cũng sụt mạnh.

Chi phí bảo hiểm trái phiếu Chính phủ và ngân hàng châu Âu khỏi nguy cơ vỡ nợ tăng vọt lên các mức cao kỷ lục trong ngày 12/9. Chỉ số tài chính Markit iTraxx lần đầu tiên vượt ngưỡng 3% khi giao dịch ở mức 3,14%. Trong khi, chi phí bảo hiểm các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Italy đã tăng thêm 0,38%.

Theo giới phân tích, động thái ra đi của ông Stark, quan chức hàng đầu của Đức tại ECB, sẽ gây thêm khó khăn cho ECB trong nỗ lực vực dậy Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Các chuyên gia đánh giá rằng sự ra đi của ông Stark, gần 3 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2014, có thể khoét sâu hơn hố ngăn cách giữa ECB với đại diện quyền lợi của Đức tại thể chế tài chính này, đồng thời gây chia rẽ giữa các quốc gia "chủ nợ" và các nước đang là "con nợ" trong ECB.

Tồi tệ hơn nữa, quyết định từ chức của ông Stark có thể tác động tiêu cực đến khả năng đưa ra những hành động mang tính quyết định trong những tháng tới, khi cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro bước vào giai đoạn "nguy ngập" hơn.

Jean Pisani-Ferry, Giám đốc của nhóm chuyên gia cố vấn kinh tế Bruegel, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định quyết định của ông Stark đến vào một thời điểm hết sức tồi tệ và đây chắc chắn là một vấn đề nghiêm trọng.

Theo chuyên gia này, nếu ECB không mua trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha cùng lúc với việc tái cơ cấu nợ của Hy Lạp, nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng nợ sẽ gia tăng. Song, nếu ngân hàng này mất đi sự đồng thuận, đây cũng là một nguy cơ lớn.

Còn chuyên gia kinh tế của ING, Carsten Brzeski, cho rằng sự ra đi của ông Stark, chuyên gia kinh tế trưởng của ECB, giống như "con chim ưng cuối cùng rời khỏi con tàu đang chìm". Ông Carsten Brzeski nhận định điều này có thể khiến chính sách của ECB thay đổi theo chiều đi xuống.

Trong khi đó, đánh giá về Mỹ, cuối tuần trước, Tân Hoa Xã bình luận việc tổ chức Standard & Poor's trong tháng 8/2011 hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã dấy lên hồi chuông báo động đối với sự bền vững của nền tài chính Mỹ cũng như tính hiệu quả của bộ máy chính trị của Washington trong việc giải quyết những thách thức tài chính đầy cam go.

Việc hạ bậc tín nhiệm này xảy ra ngay sau cuộc tranh cãi nảy lửa trong suốt mùa hè giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trước khi họ đạt được thống nhất về chương trình cắt giảm thâm hụt 2.000 tỷ USD, thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trong gang tấc, song lại không đạt được mức 4.000 tỷ USD mà S&P đưa ra và đã không thể cứu vãn Mỹ khỏi tình thế bị hạ mức tín nhiệm.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác trên thế giới cũng cảnh báo rằng, thỏa thuận cắt giảm thâm hụt mới đây sẽ không thể giải quyết được các khó khăn tài chính về lâu dài của đất nước, và các cơ quan xếp hạng tín dụng hoàn toàn có lý do xem xét lại mức xếp hạng AAA của Mỹ.

Như vậy, nhận định về chiều hướng đi lên của giá vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ. Mở phiên châu Á sáng nay (13/9), giá vàng kỳ hạn hồi phục khá mạnh. Tính tới 8h30 phút, giá vàng giao sau đã tăng 13 USD, lên 1.826 USD/ounce. Trên bảng Kitco, giá vàng giao ngay quốc tế cũng đã trở lại vùng 1.823,8 USD/ounce, sau khi rơi xuống 1.818,4 USD/ounce hồi đêm qua.

Theo Diệp Anh
Vneconomy

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.