Giá vải giảm nhưng vẫn rộng cửa ra

TP - Vải sớm ở tỉnh Bắc Giang bắt đầu vào vụ thu hoạch; dù giá có giảm nhưng vẫn tiêu thụ tốt.
Người dân huyện Tân Yên đóng gói vải thiều để xuất bán

Vừa nhanh tay nhấc sọt vải thiều lên cân, ông Dương Văn Tùng, nông dân trồng vải gần 30 năm ở huyện Tân Yên, hôm qua cho biết, vải sớm nhà ông được thu hoạch từ ngày 24/5 và hai ngày nay bán được hơn 3 tạ. Nhà ông có 6 sào trồng vải, sản lượng hơn 2 tấn. “Giá bán từ 18.000-25.000 đồng/kg, với giá này, người trồng vải có lãi.

Do ảnh hưởng dịch nên giá thấp hơn chút so với năm ngoái. Thương lái đến mua vải đều phải khai báo y tế, xét nghiệm nhanh về COVID-19. Các xe chuyển vải tiêu thụ đi đều phải có giấy chứng nhận của huyện và xã về vùng vải thiều an toàn, không có dịch”, ông nói. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tân Yên, vải thiều sớm của huyện bắt đầu vào thời điểm thu hoạch, sản lượng ước đạt gần 13.000 tấn vải thiều sớm. Lượng vải tiêu thụ chủ yếu trong nước và bán sang Trung Quốc. Đến nay, huyện Tân Yên xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 500 tấn vải.

Tại Lục Ngạn, huyện trồng vải lớn nhất tỉnh Bắc Giang, ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Xuân, cho biết, hợp tác xã có 18 thành viên, với diện tích trồng vải khoảng 20 ha, sản lượng hơn 1.000 tấn, trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Dự kiến đầu tuần sau, hợp tác xã bắt đầu thu hoạch vải sớm. Một số doanh nghiệp, đầu mối thu mua cho các siêu thị trong nước đã đến khảo sát và đàm phán mua vải thiều. “Năm nay, vải được mùa và vụ vải đến đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát, người trồng vải rất lo khâu tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách kích cầu giúp bà con bán được sản phẩm”, ông nói.

Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh Bắc Giang, đến ngày 24/5, tỉnh bán được hơn 3.700 tấn vải thiều sớm, trong đó huyện Tân Yên hơn 3.000 tấn, huyện Lục Ngạn khoảng 700 tấn. Ngoài các kênh bán hàng chính thức, các hội nhóm người Bắc Giang trên mạng xã hội đã bắt đầu hỗ trợ nông dân bán vải.

Ông Dũng cho hay, không chỉ trồng vải, Hợp tác xã Hồng Xuân còn tổ chức thu mua vải thiều bán trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình hình dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp, nhiều người phải đi cách ly, lao động tỉnh ngoài khó về Lục Ngạn, nên nhân công thu hoạch, vận chuyển vải gặp khó khăn. Người thu mua vải cũng lo lắng về vấn đề phương tiện vận chuyển khi đi qua chốt kiểm dịch ở các địa phương. “Năm ngoái, chúng tôi bán được hơn 1.000 tấn vải cho thị trường Trung Quốc và các siêu thị trong nước. Năm nay, các hệ thống siêu thị đang đàm phám với Hợp tác xã. Đối với đầu mối bên Trung Quốc, có thể mua bán qua mạng xã hội, vì làm ăn với họ hơn 10 năm nay nên có sự tin tưởng lẫn nhau ”, ông nói.

“Ðội đặc nhiệm” tiêu thụ vải thiều

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, vải sớm của huyện bắt đầu vào vụ thu hoạch, với sản lượng hơn 20.000 tấn. Thời điểm này, việc tiêu thụ vải thiều khá thuận lợi, với giá bán từ 18.000-25.000 đồng/kg. Trong huyện hiện có khoảng 100 điểm cân vải. “Các đầu mối bên ngoài đến thu mua vải ở Lục Ngạn đều phải khai báo y tế, xét nghiệm nhanh kiểm tra COVID-19. Các xe chở vải đi tiêu thụ đều phải có giấy xác nhận an toàn về COVID-19. Năm nay, do tình hình dịch phức tạp nên huyện Lục Ngạn khuyến khích mua bán vải qua mạng, thông qua các sàn giao dịch điện tử”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Bắc Giang, cho biết, để đáp ứng với 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều được lên kế hoạch từ trước, Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối bán lẻ, tập đoàn, siêu thị lớn, như Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart, Vinmart+, Aeon, Lotte, Saigon Coop…, các chợ đầu mối nông sản, hoa quả ở Hà Nội, TPHCM… Đến nay, nhiều siêu thị, chợ đầu mối cam kết tiêu thị hàng nghìn tấn vải thiều cho tỉnh Bắc Giang.

Năm 2021, tỉnh Bắc Giang tổ chức gian hàng bán vải thiều trên sàn thương mại điện tử Alibaba, phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ đẩy mạnh phân phối vải thiều qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, tình hình xuất khẩu quả vải qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn rất thuận lợi, quả vải được xuất đi qua luồng xanh - luồng ưu tiên và được Ban Quản lý cửa khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện làm thủ tục thông quan trước cho quả vải.

“Tỉnh Bắc Giang thành lập tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Tổ này như đội đặc nhiệm thường trực có mặt tại cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai và tỉnh Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu”, ông Thọ cho biết.