Giá thực phẩm vẫn giữ ở mức cao

Giá thực phẩm vẫn giữ ở mức cao
Ngày 9/11, tại hầu hết các chợ của Hà Nội, mặt hàng rau - củ - quả đã phong phú hơn, nhưng giá vẫn đứng ở mức khá cao. Còn tại TPHCM, giá rau - củ - quả bỗng dưng tăng vọt, nhiều loại tăng gần gấp đôi.

Giá các loại rau xanh tại các chợ ở Hà Nội vẫn giữ ở mức khá cao: Rau muống 7.000đ/mớ, bắp cải 12.000đ/kg, su hào 4.000đ/củ... Các loại rau cải xanh, cải ngọt, cải cúc, cần tây, tỏi tây, rau thơm... vẫn rất hiếm do mưa đã bị giập nát.

"Giá các loại rau chưa thể giảm được trong 1-2 tuần tới vì tại các vùng trồng rau ở ngoại thành ngập trắng, chưa thể trồng lại được. Nguồn rau hiện nay - chủ yếu lấy từ ngoại tỉnh, do vậy phải tính thêm cả giá vận chuyển..." - một chủ hàng rau tại chợ Long Biên cho biết.

Các loại thịt gia súc, gia cầm đã ổn định hơn với mức từ 70.000-80.000đ/kg thịt lợn, 100.000đ/kg thịt gà... song nguồn thực phẩm này cũng không dồi dào.

Theo ước tính của Sở Công Thương Hà Nội, mỗi ngày người dân Hà Nội tiêu thụ hết khoảng 700 tấn rau, 300 tấn thịt lợn, 200 tấn thủy - hải sản, 80 tấn thịt bò... Hiện nay, lượng thực phẩm cung ứng cho Hà Nội vẫn thiếu khoảng 40%.

Một thống kê khác của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, 70% hàng hóa trên địa bàn Hà Nội được lưu chuyển qua 369 chợ, 30% còn lại là các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Do vậy, hiện tượng khan hiếm thực phẩm dẫn đến giá cả tăng cao là điều khó tránh khỏi.

Mặc dù liên tục những ngày gần đây, các siêu thị, hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội đã mở rộng nguồn và lượng hàng, đưa thực phẩm thiết yếu từ các nơi khác về cung ứng trên thị trường, song lượng hàng đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân - nhất là ở những vùng ngập lụt ngoại thành.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - chỉ ra rằng, kênh siêu thị mới chỉ chiếm 10% và hầu hết hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội mới tập trung ở khu vực các quận nội thành; hàng hóa và mức giá chủ yếu vẫn chọn lọc đối tượng khách hàng là người có thu nhập trung bình khá trở lên.

Có thể dẫn chứng, mặt hàng gạo tại nhiều siêu thị hiện vẫn phổ biến là các loại gạo thơm, gạo cao cấp đắt tiền, chứ hiếm gặp những loại gạo có giá dưới 10.000 đồng/kg. Những người dân có mức thu nhập thấp hoặc ở những vùng ngoại thành thì cũng không dám "mơ" vào siêu thị để mua thực phẩm. Do vậy, việc giá cả cao ở ngoài thị trường khó được kiểm soát.

TPHCM: Giá rau củ ở chợ tăng đột biến

Tại chợ An Đông - Q.5, một bó rau muống thường  ngày có giá 3.000đ, vào thứ bảy tuần trước đã tăng lên 4.000đ/bó, cải bẹ xanh 2.000đ tăng lên 4.000đ. Tại một số chợ lẻ như chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận), Bùi Đình Túy (Q. Bình Thạnh), giá rau - củ thậm chí tăng gần gấp đôi.

Cụ thể, cà chua tăng từ 8.000đ lên 15.000đ/kg, dưa leo từ 6.000-8.000đ/kg lên 10.000đ/kg. Còn ở những khu "chợ nhà giàu" như chợ Bến Thành, giá cả đắt hơn các khu chợ nhỏ 2.000 - 4.000đ mỗi ký rau là chuyện bình thường.

Theo các tiểu thương tại khu chợ đầu mối Bình Điền, giá rau - củ - quả đã tăng khoảng 30%. Những lần trước, giá cả tăng thì được các tiểu thương lý giải là do xăng tăng giá. Lý do tăng giá lần này được "đổ tội" cho tình hình thời tiết ở phía nam bất thường, mưa nhiều và  thiên tai của phía bắc, hàng chảy ra cứu viện phía bắc...

Ở góc độ nhà quản lý,  anh Phương - một cán bộ quản lý chợ An Đông - nói:  Hầu như những năm gần đây, vào thời điểm này là chu kỳ dứt lứa của các loại cây trồng, bắt đầu một lứa mới cho dịp Tết nên giá cả cũng có tăng đôi chút. Tuy nhiên, đợt này giá tăng mạnh có thể do chi phí phân bón đã tăng 300%-400% so với trước đây.

Còn theo một  lãnh đạo của chợ đầu mối Thủ Đức thì giá rau - củ - quả tăng đột biến là do mưa nhiều ở các tỉnh miền Tây, cộng thêm nguồn hoa màu ở Hà Nội bị giảm mạnh do mưa kéo dài. Vì vậy, nguồn hàng từ phía nam  đã san sẻ bớt ra phía bắc, khiến nguồn hàng đầu vào trở nên khan hiếm hơn.  Bên cạnh đó là tâm lý "tẩy chay" hàng Trung Quốc - vốn là một nguồn hàng không nhỏ cung cấp cho thị trường phía  bắc.

Tại một số chợ đầu mối như Bình Điền, vào ngày cuối tuần qua lượng rau về chợ đã bắt đầu ổn định lại với mức 1.400 tấn, so với ngày trước lượng hàng chỉ chừng 1.000 tấn. Bên cạnh đó, giá cả của một số mặt hàng cũng đã  giảm xuống ngang bằng với thời điểm trước khi lên "cơn sốt".

Tại chợ đầu mối Thủ Đức,  cuối tuần qua, lượng rau - củ về chợ đạt khoảng  2.700 tấn, giảm nhẹ gần 300 tấn so với trước, nhưng vẫn đủ cung cấp cho  địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận, giá cả cũng đã dần ổn định lại.

Trong khi đó, tại hệ thống Co.op mart, lượng hàng rau - củ - quả vẫn được cung cấp  khá đầy đủ với mức giá ổn định. Thậm chí, một số mặt hàng như khổ qua, bắp cải, xàlách, bí đỏ... đều được giảm giá 1.000 đồng/kg. Thời gian khuyến mãi vẫn đang tiếp tục thực hiện cho đến  hết trung tuần tháng 11.

Theo Thể Uyên - P.N
Lao động

MỚI - NÓNG