Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân lỗ nặng

0:00 / 0:00
0:00
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm, người dân càng nuôi càng lỗ Ảnh: PV
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm, người dân càng nuôi càng lỗ Ảnh: PV
TP - Giá lợn hơi đang giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, khiến người nông dân thua lỗ nặng. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi không ngừng thông báo tăng giá bán với tần suất 1 tháng/lần.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá lợn hơi ngày 5/8 ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đang dao động ở mức 51.000 - 54.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi ở mức từ 52.000 - 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại các địa phương miền Nam vào khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg.

Ngược chiều với đà lao dốc của giá lợn hơi, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng nhanh chưa từng có. Từ tháng 8, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều đồng loạt gửi thông báo tới khách hàng và đại lý về điều chỉnh giá bán mới.

Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng 400 đồng/kg với tất cả các thức ăn chăn nuôi đậm đặc, hỗn hợp cho lợn con tập ăn, lợn nái; thức ăn hỗn hợp cho lợn còn lại tăng 300 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt, gia súc tăng 200 đồng/kg.

Các DN khác như Cty NHH Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, Cty De Heus, Công ty US Feed, Cty TNHH CJ Vina Agri… cũng đồng loạt tăng giá sản phẩm. Giá thức ăn chăn nuôi gồm cám lợn, thức ăn hỗn hợp gia cầm, gia súc… tăng 250- 500 đồng/kg. Thậm chí, thức ăn đậm đặc cho lợn và gà của Cty Guyomar’ch Việt Nam giá tăng tới 4.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Đông (Yên Phong, Bắc Ninh), chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 400 con lợn thịt, cho biết, thông thường, để nuôi một con lợn thịt đến lúc xuất chuồng, mất khoảng 3 triệu đồng tiền cám. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 35%, tính ra mỗi tháng gia đình ông phải chi hơn 100 triệu đồng, chưa kể chi phí các loại vật tư khác.

“Giá lợn hơi ở mức khoảng 70.000 đồng/kg, chúng tôi mới có lãi, nhưng giờ giảm xuống chỉ hơn 50.000 đồng/kg nên nuôi ngày nào lỗ ngày đó. Chăn nuôi thế này, giờ chỉ chờ đến lúc giá cám hạ nhiệt, chúng tôi mới dám tính đến tái đàn”, ông Đông nói.

Quản lý lỏng lẻo

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, chăn nuôi trong nước. Người chăn nuôi rơi vào thua lỗ, thậm chí càng nuôi càng lỗ.

Theo ông Trúc, bất cập lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là mảng thức ăn chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu và chịu sự chi phối của các DN nước ngoài. Mỗi năm Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô, đậu tương…; nguyên liệu trong nước dồi dào nhưng chưa có nghiên cứu bài bản để tận dụng.

Bên cạnh đó, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng cao hơn nhiều, dù chúng ta cũng có nhiều nhà máy sản xuất, công nghệ không thua kém.

Ông Trúc cho rằng, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao một phần đến từ quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Ở Thái Lan, lợi nhuận đối với ngành thức ăn chăn nuôi được quy định không được phép cao hơn 5%. Ở Trung Quốc, thức ăn chăn nuôi được áp giá trần…

“Ở Việt Nam, việc chi hoa hồng, chiết khấu… giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối thức ăn chăn nuôi còn buông lỏng, các đơn vị thậm chí chiết khấu tới 30%. Cuối cùng, người chăn nuôi phải gánh chịu hết các chi phí đó.

Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam chiếm đến 70 - 75% giá thành sản phẩm, vậy nên người dân gặp rất nhiều rủi ro”, ông Trúc nói.

Ông cho rằng, để giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, Bộ NN&PTNT nên tìm cách kiểm soát khung giá bán, tỷ lệ chiết khấu cho đại lý, tỷ lệ trích khấu hao nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, và người chăn nuôi.

Cần được bình ổn giá

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng; dịch COVID-19 khiến cước phí vận chuyển tăng 200-300%.

Theo ông Trọng, trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích DN, người chăn nuôi sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, phát triển gia cầm ăn cỏ.

Bộ đang có chính sách chuyển đổi nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đã chuyển đổi được 250.000 ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000 ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần rà soát loại bỏ những loại phí, lệ phí bất hợp lý về kiểm soát đầu vào, chất lượng nguyên liệu; cần có chiến lược phát triển chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước như ngô, đậu tương, bột cá, nguyên liệu bổ sung khoáng, vitamin. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết như hợp quy, kiểm tra chỉ tiêu dinh dưỡng ở cầu cảng, kiểm dịch… để hạ giá thành sản xuất.

Về việc các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt lợi nhuận “khủng” và trả chiết khấu rất cao, người chăn nuôi chịu thiệt, ông Trọng cho rằng, rất khó can thiệp và điều chỉnh, bởi đây là cơ chế thị trường.

“Để kiểm soát được giá như các nước khác, Chính phủ cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, lúc đó sẽ khống chế được giá các nguyên liệu đầu vào và người chăn nuôi có thể chủ động được kế hoạch sản xuất.

Bộ NN&PTNT không ít lần đề xuất phương án này, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận”, ông Trọng nói và cho biết, theo các DN thông tin, thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng.

MỚI - NÓNG