Giá thịt heo, gà 'té nước theo mưa'

Giá thịt heo, gà 'té nước theo mưa'
Trong khi các bà nội trợ căng thẳng với việc tăng giá bất thường của các loại thịt heo, gà thời gian gần đây, người chăn nuôi lại lo mọi người sẽ hạn chế ăn thịt. Giới kinh doanh thừa nhận có hiện tượng “té nước theo mưa”.
Tại chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 25-12, thịt ba rọi giá 85.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng so với đầu tháng 12
Tại chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 25-12, thịt ba rọi giá 85.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng so với đầu tháng 12.

Chị Đoàn Thúy Phượng (Q.12, TP.HCM) than thở: "Tôi để ý năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu vào Noel, Tết dương lịch là giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lại rục rịch tăng..."

Dù giá bán lẻ thịt ngoài chợ tăng mạnh, nhưng người chăn nuôi không vui mà càng thêm lo. Nếu khâu bán lẻ cứ đẩy giá lên, người tiêu dùng sẽ hạn chế ăn thịt và người chăn nuôi lãnh đủ.

Trước hiện tượng tăng giá bất thường của các loại thịt heo, gà gần đây, giới kinh doanh thừa nhận có hiện tượng “té nước theo mưa” trong dịp lễ tết cuối năm.

Đến chợ là thấy giá tăng

Sáng 25-12, bà Hoàng Thị Thái (P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đi chợ Gò Vấp để chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho gia đình. Vừa bước chân vào quầy thịt, bà đã hết sức ngỡ ngàng khi một lần nữa thịt heo lại được tăng lên mức giá mới, trong đó giá thịt heo ba rọi loại bình thường mà bà Thái định mua đã lên mức 98.000 đồng/kg.

Là người đi chợ hằng ngày, bà Thái cho biết thời gian gần đây thịt heo tăng giá liên tục. “Ngay từ đầu tháng 12, giá thịt heo tăng từ 70.000 đồng/kg (thịt ba rọi) lên mức 75.000 đồng. Sau đó cứ cách vài ngày tôi đi chợ lại thấy giá tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg” - bà Thái nói. Tính đến ngày 25-12, theo bà Thái, giá thịt heo loại ba rọi đã tăng thêm 20.000-25.000 đồng/kg so với đầu tháng, nhưng “đó là loại ba rọi thường, loại ngon còn tăng hơn nữa”.

Tại chợ Lạc Quang (Q.12), khu chợ tập trung nhiều người dân lao động, chị Lê Thị Hiền (công nhân Công ty may Việt Hưng, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) cho biết giá thịt heo đã tăng chóng mặt thời gian gần đây. “Mỗi hôm tăng vài ngàn đồng, thịt loại nào cũng tăng, đồng tiền thì chỉ có nhiêu đó nên miếng thịt cứ teo dần đi” - chị Hiền buồn bã nói.

Không chỉ thịt heo, giá thịt gà cũng tăng khá mạnh trong thời gian qua. Trong đó, riêng gà công nghiệp (gà lông trắng) bán tại trại tăng từ 20.000 đồng/kg (đầu tháng 11) lên 30.000 đồng/kg vào khoảng cuối tháng, giá bán các loại thịt gà trên thị trường cũng tăng từ 40.000 đồng/kg (gà nguyên con) lên 55.000 đồng/kg.

Bà Đoàn Thị Hải (P.13, Q.Tân Bình) than thở cứ bước chân ra chợ mỗi ngày là thấy chóng mặt với giá thịt, loại nào cũng tăng vô tội vạ. “Trước cầm 100.000 đồng bước vào chợ là bữa ăn cả ngày đầy đủ, ngon lành. Bây giờ cầm 100.000 đồng ra chợ chỉ mua sơ sơ mỗi thứ chút ít, chút rau, chút thịt cho có. Muốn mua thêm trái cây cho đủ bữa lại phải thêm vài chục ngàn nữa”, bà Hải chán nản cho biết.

Chị Đoàn Thúy Phượng (đường Phạm Văn Bạch) khẳng định có hiện tượng khâu bán lẻ lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. “Tôi để ý năm nào cũng vậy cứ bắt đầu vào Noel, Tết dương lịch là giá thực phẩm, đặc biệt là thịt, lại rục rịch tăng. Giá cứ tăng đều đều và phải qua tháng giêng mới bắt đầu hạ nhiệt” - chị Phượng nói.

Té nước theo mưa

Trong khi người tiêu dùng trách khâu bán, các tiểu thương lại đổ lỗi cho chợ đầu mối. Bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương tại chợ Gò Vấp, phân tích giá thịt heo tăng mạnh do giá heo tại các chợ đầu mối tăng quá cao. Hiện heo mảnh loại ngon tại chợ đầu mối Hóc Môn được các thương lái giao ở mức trên 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các tiểu thương còn phải trả tiền xăng xe, hao hụt khi pha lóc những phần xương cục, mỡ thừa... “Cứ 100kg thịt heo mảnh về pha lóc thì hao hụt khoảng 10kg nên chúng tôi phải bán với giá như hiện nay mới có lời” - bà Dung khẳng định.

Theo các quầy bán thịt heo tại chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đến nay trung bình giá thịt đã tăng trên 7.000 đồng/kg
Theo các quầy bán thịt heo tại chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đến nay trung bình giá thịt đã tăng trên 7.000 đồng/kg.

Sáng sớm 25-12, tại chợ đầu mối Hóc Môn, chủ sạp Hà cho biết heo đầu chợ (heo bán đầu giờ) đang được rao ở mức 54.000 đồng/kg, đến cuối buổi chợ giá heo thậm chí còn xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Theo bà Hà, giá heo mảnh tại chợ đầu mối cách đây khoảng hai tuần bắt đầu tăng 1.000-2.000 đồng/kg, sau đó giá tăng đều sau 3-4 ngày với mức tăng tương tự. “Lần cuối cùng tăng giá cách đây ba ngày và được giữ cho đến ngày 25-12” - bà Hà nói. Giải thích nguyên nhân giá heo tăng tại chợ đầu mối, các thương lái cho biết là do nguồn ít hơn trước buộc phải đẩy giá heo đầu mối nhích lên.

Tuy nhiên, các chủ trang trại cũng như các công ty chăn nuôi đều khẳng định nguồn cung heo ra thị trường thời gian qua rất dồi dào chứ không có chuyện thiếu hụt. Chuyện giá tăng một phần do trước đó đã giảm xuống dưới giá thành nhưng chủ yếu là do yếu tố tâm lý lợi dụng dịp lễ tết để tăng giá.

Anh Nguyễn Quang Hưng, chủ một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM, cho rằng giá bán heo, gà từ các trang trại tăng lên kể từ cuối tháng 11 đến nay nên giá bán lẻ cũng tăng theo là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, cứ mỗi lần giá heo, gà tại các trại tăng một thì giá bán lẻ lại được đẩy lên gấp mấy lần nên giá tới tay người tiêu dùng tăng lên chóng mặt. Hơn nữa, tháng 12 lại là dịp lễ Giáng sinh và chuẩn bị đón năm mới nên nhiều mặt hàng bị các khâu bán lẻ chủ động đẩy giá lên cao hơn so với mặt bằng chung.

Anh Hưng phân tích giá heo hơi đầu tháng 11 chỉ là 40.000 đồng/kg đã tăng lên 45.000 đồng/kg vào đầu tháng 12, giá thịt heo ngoài chợ cũng tăng. Nhưng trong những ngày gần đây, giá heo hơi giảm xuống còn 43.000 đồng/kg thì giá tại các khâu bán lẻ không những không giảm mà còn tiếp tục tăng thêm là vô lý.

Người chăn nuôi lo lắng

Kể từ cuối tháng 11 đến nay, người chăn nuôi mới được tận hưởng cảm giác “có lời” khi bán heo, gà, sau hơn 10 tháng giá bán sản phẩm chăn nuôi nằm dưới giá thành. “Với giá gà hiện nay thì người chăn nuôi có lời khoảng 1.000 đồng/kg nhưng các công ty thức ăn chăn nuôi lại vừa thông báo tăng giá cám, như vậy giá thành chăn nuôi lại tiếp tục tăng thêm” - anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết.

Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Xuân Lộc cho hay cũng may là giá bán heo, gà vài tháng cuối năm đã có lời nên còn đủ tiền trả cho nhân viên sau khi đã phải giảm phân nửa tổng đàn vật nuôi. Nhưng vị giám đốc này lo lắng nếu không kiểm soát tốt khâu phân phối cứ để họ mặc sức tăng giá bán thì người tiêu dùng sẽ hạn chế mua thịt, người chăn nuôi lại gặp khó.

Theo Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.