Giá thép nóng như giá vàng!

Giá thép nóng như giá vàng!
16 triệu đồng/tấn thép, mức giá này đã tăng ít nhất 1,2 triệu đồng/tấn so với tháng trước. Đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay.

Giá thép tăng khiến cả nhà thầu xây dựng và người xây nhà dở khóc dở cười vì phát sinh chi phí.

Dừng ký hợp đồng xây dựng mới

"Công ty chúng tôi buộc phải tạm ngưng nhận hợp đồng xây dựng mới vì không thể tính được giá thép sẽ tăng lên đến mức nào.

Mới hôm qua đại lý báo giá là 15,8 triệu đồng/tấn, sáng nay ký hợp đồng thì lại bảo lên 16 triệu đồng/tấn. Một đêm tăng thêm 200.000 đồng/tấn ai chịu nổi" - ông Hoàng Đức Duy, giám đốc Công ty xây dựng Minh Nam (Q.6, TP.HCM), nói.

Theo ông Duy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, các đại lý đã thông báo thay đổi giá đến... sáu lần, mỗi lần thêm ít nhất 150.000 đồng/tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép lại xác nhận họ chỉ điều chỉnh giá bán hai lần kể từ đầu năm 2008 đến nay, đưa tổng mức tăng sau hai lần tăng giá ở mức trung bình 500.000-600.000 đồng/tấn.

Ông Bùi Hoàng Triệu, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa, cho biết đã ngưng ký hợp đồng xây dựng mới do giá thép đang diễn biến phức tạp. Nếu ký hợp đồng tại thời điểm này sẽ cầm chắc lỗ vì qua tết nghe nói giá thép còn tăng nữa.

Rối nhất là những người xây nhà. "Không biết tính thế nào vì khi ký hợp đồng nhà thầu yêu cầu chủ nhà tự lo vật tư, trong đó có thép" - chị Nguyễn Mai Nguyên (Bình Thạnh) nói.

Theo tính toán ban đầu của chị Nguyên, với căn nhà có tổng diện tích xây dựng 300m2, bỏ ra khoảng 960 triệu đồng là có thể yên tâm bắt tay vào làm. "Nhưng giờ thì phải có thêm ít nhất gần 100 triệu nữa để bù vào giá thép tăng. Không thể chần chừ nữa, càng chờ giá càng tăng" - chị nói.

Chưa có điểm dừng

Nhà phân phối thép "thổi" giá

"Công ty dù đã sản xuất được phôi thép nhưng vẫn phải nhập đến 40% trong tổng lượng phôi sản xuất hằng tháng nên phải tăng giá”, một cán bộ của Tổng công ty Thép VN (SSC) chi nhánh TP.HCM thừa nhận.

Theo ông, cái khó của SSC khi giá bán thép giao tại nhà máy luôn thấp hơn các doanh nghiệp sản xuất khối liên doanh và tư nhân ít nhất 200.000 đồng/tấn nên hầu như các công ty thương mại đều đổ xô vào SSC mua thép trữ, sau đó đẩy ra ngoài thị trường bán giá cao khiến lúc nào SSC cũng trong tình trạng cung không đủ cầu.

Ngày 22-1, giá bán thép cuộn giao tại nhà máy của SSC bình quân 12,5 triệu đồng/tấn, trong khi thương hiệu của Pomina là 12,6 triệu đồng/tấn hoặc 12,76 triệu đồng/tấn của Vina Kyoei.

So với mức giá giao tại nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất, rõ ràng khi thép đến tay người tiêu dùng đã bị đội lên hàng triệu đồng/tấn vì qua quá nhiều tầng nấc trung gian bán hàng.

Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), giá thép biến động mạnh là do ngành thép VN phụ thuộc quá lớn vào lượng phôi thép nhập khẩu.

Ngay khi Trung Quốc điều chỉnh thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25%, thép thành phẩm từ 10% lên 15%, áp dụng từ ngày 1-1-2008, ngay lập tức giá thép trong nước đã tăng lên 200.000-300.000 đồng/tấn để "đón đầu".

Tiếp sau đó là giá phôi thép vượt ngưỡng 700 USD/tấn để leo lên mức 705-710 USD/tấn, giá thép lại tiếp tục tăng thêm.

 "Tình hình phôi thép đang hết sức căng thẳng khi giá phôi nhập khẩu nguồn từ Trung Quốc chào bán cho các doanh nghiệp ở mức 720-725 USD/tấn.

Nếu giao dịch được, một tấn phôi thép nhập khẩu sẽ phải dao động ở mức 708-710 USD/tấn. Và với giá phôi như thế này, chưa biết giá thép tới đây sẽ ra sao" - ông Cường nói.

Nhập thép thành phẩm, sao còn chần chừ?

Việc nhập khẩu thép thành phẩm cũng đang được nhiều doanh nghiệp tính tới. "Nếu nhập thép thành phẩm từ Trung Quốc về bán, mỗi tấn thép sẽ rẻ hơn 200.000-250.000 đồng/tấn so với thép trong nước sản xuất do thuế thép thành phẩm thấp hơn so với nhập phôi.

Nếu nhập, chúng tôi cũng chỉ nhập thép cuộn, còn thép cây bán không được vì người tiêu dùng trong nước không chuộng lắm" - ông B., giám đốc một công ty thương mại tại TP.HCM, cho biết.

Theo VSA, lượng thép cuộn nhập khẩu đã tăng vọt từ cuối năm 2007, ước có khoảng 36.000 tấn thép đã được nhập về trong tháng 12-2007, nâng tổng lượng nhập khẩu của cả năm 2007 lên mức 459.000 tấn, tăng gấp ba lần so với năm 2006.

Tuy nhiên, chất lượng thép nhập cũng có vấn đề. Các loại thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc phần lớn được sản xuất tại các nhà máy ở "tỉnh lẻ”, chất lượng không rõ ràng và thường được các công ty thương mại khi nhập khẩu về bán lẫn với thép trong nước sản xuất theo tỉ lệ 3:7.

Riêng với những công trình dân dụng, rất ít nhà thầu chọn mua thép của Trung Quốc vì sợ chất lượng không ổn định.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm định chất lượng thép, qui định về xuất xứ hàng hóa để ngăn chặn gian lận thương mại, không cho sản phẩm thép kém chất lượng nhập khẩu vào VN.

Theo Trần Vũ Nghi
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG