Giá than tăng làm chi phí EVN tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng

Giá than tăng làm chi phí EVN tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng
TPO - Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, ước tính, giá than bán cho điện tăng thêm 7% từ tháng 12/2016 ước tính làm chi phí sản xuất điện của tập đoàn năm 2017 tăng lên hơn 4.692 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 3/1, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết, năm 2016 là năm nhiều khó khăn và thách thức với ngành điện. Tuy nhiên, với nỗ lực của tập thể cán bộ lãnh đạo toàn tập đoàn, ngành điện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế.

Theo lãnh đạo EVN, cuối năm 2015, nhiều hồ thủy điện tích nước không đủ với lượng nước thiếu hụt tương đương 2,5 tỷ kWh. Bước sang năm 2016, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cung ứng điện. 6 tháng đầu năm 2016 xảy ra rét đậm rét hại kéo dài cùng với mưa lũ diễn ra liên tục và nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong quý III đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện, gây thiệt hại lớn cho các công trình điện. 

Ước tính thiệt hại lên xấp xỉ 350 tỷ đồng. Do diễn biến phức tạp cuả thời tiết, kế hoạch sản xuất, vận hành hệ thống điện, kế hoạch khai thác các hồ thủy điện liên tục phải điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu điện và đáp ứng yêu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và chống lũ của các địa phương vùng hạ du.

“Các tác động do biến động tỷ giá, tăng giá bán than cho sản xuất điện từ năm 2015, tăng thuế tài nguyên nước, tăng phí dịch vụ môi trường rừng, chi phí vận hành, khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra đối với lưới điện tăng đáng kể trong năm 2016 đã tạo áp lực lớn đối với tình hình tài chính của tập đoàn. 

Năm 2016, trong các tháng mùa khô, tập đoàn đã huy động tối đa các nhiệt điện than, khí và cả các nguồn chạy dầu nhằm giữ nước các hồ thủy điện đảm bảo cấp nước hạ du, nhờ đó đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước hạ du các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên”, lãnh đạo EVN cho biết.

Cũng theo ông Đặng Hoàng An, do phân bố nguồn điện không cân bằng giữa các vùng miền, diễn biến bất lợi của thời tiết, tổng sản lượng huy động nhiệt điện dầu lên tới 1,18 tỷ kWh, tăng 1,9 lần so với kế hoạch, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của tập đoàn.

Về công tác cổ phần hóa và thoái vốn, theo Tổng giám đốc EVN, tập đoàn đã hoàn thành giảm vốn góp tại Công ty CP Cơ điện Thủ Đức xuống dưới mức chi phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giảm vốn của EVN tại EMC từ 56,9% xuống còn 40% vốn điều lệ. Tập đoàn cũng đã báo cáo và được Bộ Công Thương cho phép thoái hết 15% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Điện lực (EVNFinance).

Với các đơn vị thành viên, tập đoàn đã kiên quyết chỉ đạo và các tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn tại các công ty cổ phần không cần nắm giữ và thu về 418,4 tỷ đồng. Bên cạnh những mặt làm được, lãnh đạo EVN cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa tập trung quyết liệt  trong chỉ đạo công tác an toàn, còn buông lỏng công tác quản lý kỷ luật lao động. 

Tiến độ một số dự án nguồn điện bị chậm so với kế hoạch như Thủy điện Trung Sơn không đạt mục tiêu phát điện 2 tổ máy, chậm tiến độ thi công dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và nạo vét cảng than Duyên Hải. Cùng đó, thời gian thi công một số dự án lưới điện truyền tải bị kéo dài do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Tại hội nghị, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020 của EVN; đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN trong 5 năm tới và phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 – 2020 và quyết định tăng vốn điều lệ EVN lên 205.000 tỷ đồng. 

Lãnh đạo tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho tập đoàn, các đơn vị trực thuộc vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình điện; cũng như sớm ban hành quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Để đảm bảo điện cho mùa khô 2017, lãnh đạo EVN kiến nghị Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam đảm bảo duy trì sản lượng khí Nam Côn Sơn, khí PM3 - CAA ở mức cao để cung cấp khí cho phát điện theo kế hoạch năm 2017. Trong trường hợp thiếu khí, ưu tiên sử dụng khí cho phát điện.

Tổng giám đốc EVN cũng kiến nghị Bộ Tài chính cho phép EVN được hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất của đơn vj phần lớn kinh phí để giải quyết các khoản trợ cấp ngoài trợ cấp mất việc làm và chế độ hỗ trợ theo số năm công tác của người lao động theo Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế và có xét tới những đặc thù của ngành điện.

 “EVN dự kiến hỗ trợ cho người lao động 1 tháng lương cơ sở với 1 năm công tác, nhưng Nghị định 108 chưa quy định. Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng đồng ý mới làm được. Nếu không được hoạch toán trong chi phí thì khó khăn cho tập đoàn, do quỹ phúc lợi yếu”, Ông Đặng Hoàng An cho hay.

Về thách thức của năm 2017, Tổng giám đốc EVN cho biết, vấn đề đảm bảo nguyên liệu cho phát điện, nhất là khí sau khi Nhà máy Xử lý khí Cà Mau vào vận hành sẽ giảm khí cho phát điện tương đương 600 triệu kWh; Nguồn điện chạy dầu dự kiến phải huy động xấp xỉ 2,2 tỷ kWh sẽ ảnh hưởng đến tài chính của EVN. 

Đặc biệt, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. “Năm 2017, việc giá than bán cho điện tăng thêm 7% từ tháng 12/2016 ước tính làm chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng lên hơn 4.692 tỷ đồng”,  Ông An dẫn chứng.
Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm 2016, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015. Tỷ lệ tổn thất điện năng của tập đoàn đạt chỉ tiêu kế hoạch 7,7%, giảm 0,27% so với năm 2015. Thời gian mất điện, cấp điện cho các khách hàng đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN năm 2016 là 7,69/10 điểm. Tất cả  các tổng công ty điện lực đều có điểm bình quân đạt trên 7,5 điểm. Năng suất lao động tính chung toàn tập đoàn tăng 11% so với năm 2015, vượt kế hoạch gần 1% Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện của công ty mẹ-EVN và 9 tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.