Giá băng tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN. |
Tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn & Môi trường (IMHEN): Có thể do, từ tháng 8-2011, nhiệt độ bề mặt nước biển trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương thấp hơn so với trung bình, lạnh hơn so với mức bình thường.
Nói cách khác, nhiệt độ đang nghiêng về phía pha lạnh (La Nina): Mức độ lạnh đi này đã được Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ nhận định có thể đạt đến đỉnh vào mùa từ tháng 12-2011 đến tháng 2-2012.
Cũng theo dự báo, nhiệt độ bề mặt nước biển có khả năng còn tiếp tục thấp hơn so với trung bình đến mùa xuân năm 2012. Chính sự tồn tại của hiện tượng này đã có tác động mạnh mẽ đến diễn biến thời tiết, khí hậu toàn cầu, khu vực, và VN, tạo ra những dị thường cho mùa đông năm nay.
TS Nguyễn Hữu Ninh, thành viên tham gia viết cuốn sách của Liên Hợp Quốc về BĐKH nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2007: Nhìn chung sự lạnh giá của mùa đông năm nay là rất cực đoan. Đông Âu nhiệt độ xuống đến gần âm 40 độ C là chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua. Tôi từng sống tại Đông Âu những năm 70-80 của thế kỷ 20.
Nhiệt độ thấp nhất hồi đó khoảng âm 27 độ C, còn trung bình lạnh nhất mùa đông chỉ âm 10-20 độ C. Thời tiết bất thường này, có ý kiến cho rằng, do các vết đen trên mặt trời trong chu kỳ hoạt động của Mặt Trời ảnh hưởng đến khí hậu Trái Đất. Có ý kiến cho rằng do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trong xu thế tăng nhiệt độ, vẫn có những năm giảm so với nhiệt độ trung bình, nhất là vào những năm có hiện tượng La Nina. Điều khác biệt cơ bản là BĐKH gây ra các giá trị cực đoan (cực trị), tạo nên những mùa hè rất nóng, và mùa đông rất lạnh.
Mùa đông năm nay lạnh bất thường cũng cho thấy cực trị rất thấp, có thể nói là kỷ lục trong hàng chục năm qua. VN cũng không phải là ngoại lệ.
Chúng ta có thể sẽ chứng kiến những mùa đông ngắn, không lạnh giá, nhưng đồng thời sẽ chứng kiến mùa đông cực kỳ lạnh xảy ra ở những vùng khác nhau, thậm chí tuyết rơi ở sa mạc Sahara, những điều rất hiếm khi xảy ra trong lịch sử, TS Nguyễn Hữu Ninh.
Quốc Dũng