Chỉ số CPI tăng thấp nhất 14 năm:

Giá rẻ, dân vẫn cân nhắc chi tiêu

Mỗi yến gạo tám thơm giảm giá 20.000 đồng so với năm ngoái. Ảnh: Như Ý
Mỗi yến gạo tám thơm giảm giá 20.000 đồng so với năm ngoái. Ảnh: Như Ý
TP - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước. Mức tăng thấp nhất trong 14 năm qua này do đâu và phản ánh điều gì là điều đáng quan tâm.

Hàng hóa ổn định và giữ giá đến Tết

Chưa bao giờ, giá hàng lương thực, thực phẩm lại ổn định vào dịp cuối năm như năm 2015. Thậm chí, vào những ngày cuối năm này, ở các chợ truyền thống, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm giá giảm mạnh so với năm ngoái.

Tại chợ Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) những ngày cuối năm dù hàng hóa phong phú, dồi dào nhưng lượng khách mua thưa thớt. Chị Thu Ba, chủ quầy thịt lợn trong chợ cho hay, hiện tại giá mỗi kg lợn hơi đã giảm 10.000 - 20.000 đồng so với năm 2014. “Người tiêu dùng bây giờ không dám mua thịt lợn ở chợ nên giá giảm cũng không hấp dẫn khách mua. Năm nào chúng tôi cũng mong đến tết để lấy cớ tăng giá nhưng năm nay giá không những không tăng lại giảm nhiều”, chị Ba nói.

Tại nhiều quầy gạo ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội) không thấy nhiều khách hỏi mua. Chị Ngọc Thu, tiểu thương bán gạo tại đây chia sẻ, năm trước, gạo tám thơm giá 17.000 đồng/kg nhưng năm nay, mặt hàng này xuống còn 15.500 đồng/kg. Hiện, có nhiều loại gạo Thái Lan, Campuchia ngon hơn gạo nội.

Trong khi đó, tại các siêu thị, nhiều chương trình khuyến mại kéo dài khi cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart chia sẻ, hiện thị trường xuất hiện nhiều siêu thị nước ngoài nên siêu thị trong nước phải cạnh tranh để tồn tại. Mặc dù giá cả trong năm 2015 ổn định nhưng để thu hút khách hàng, nhiều siêu thị nội phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, lượng khách đến siêu thị nội giảm nhiều. Đặc biệt, nhiều mặt hàng gạo năm 2015 giảm 10 - 15% so với năm 2014. 

Còn đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, hiện siêu thị đã dự trữ đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016 của người dân. Năm nay, giá sẽ giữ mức ổn định như năm ngoái.

Chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%; bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. 

Giải thích các yếu tố giữ cho CPI có mức tăng thấp trong năm 2015, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, hiện, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào. Ngoài ra sản lượng lương thực của thế giới tăng cùng với sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn hơn, do đó giá lương thực luôn ở mức thấp hơn các nước khác (tính đến hết tháng 11 năm 2015 Việt Nam xuất khẩu được 6,08 triệu tấn gạo tăng 0,7% về lượng nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái).

 Bà Ngọc nhấn mạnh, trong hai năm gần đây, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, còn có yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Vì vậy người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ như những năm trước đây.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khác làm cho CPI giảm thấp trong một hai năm gần đây, đó là hàng hóa tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay đang đứng ở một mức cao. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục có nhiều biện pháp để kéo giá xuống một cách hợp lý để người sản xuất có lợi nhuận và người tiêu dùng được mua với mức giá chấp nhận được.

“Năm 2015, chúng ta vui mừng vì hàng hóa đa dạng, phong phú, hàng nội đã từng bước vươn lên để cạnh tranh với hàng ngoại. Người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn về giá cả, chất lượng và cả các địa chỉ uy tín để tiêu dùng cho cá nhân và gia đình”, ông Phú nói.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), CPI tháng 12/2015 tăng 0,02% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI, trong năm qua có tới 7 nhóm tăng không đáng kể (từ 0,1 đến 0,5%), 4 nhóm khác giảm, trong đó giao thông giảm mạnh nhất (1,57%). Đáng chú ý một số năm gần đây sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, do vậy trên thị trường có một nhóm thu nhập trung bình khá trở lên, chiếm khoảng 20%, chủ yếu mua hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng có thương hiệu.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.