COVID-19 vẫn đang là nỗi đe doạ thường trực đến mạng sống của bất kỳ ai. Những hình ảnh tang thương đến từ Ấn Độ trong đợt bùng phát dịch lần này là minh chứng, nó như vết cắt khiến nhiều người nhói lòng. Trong khi các nước láng giềng vẫn đang loay hoay chống dịch thì nước ta đang làm rất tốt đồng thời cả việc kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống dân sinh. Những tháng ngày bình yên của mỗi người dân, rõ ràng đã phải đánh đổi rất nhiều thứ: Từ nỗ lực lên phương án, giải pháp của Chính phủ, sự hy sinh của đội ngũ y tế, quân đội, các lực lượng liên quan…Thế nhưng, chỉ cần một chút lơ là, chủ quan, hám lợi, thậm chí vô ý thức của một vài cá nhân, cũng đủ khiến cho cả cộng đồng, toàn xã hội phải trả giá.
Đó là trường hợp bệnh nhân 2899 ở Hà Nam, không thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung, vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống, khiến nhiều người lây nhiễm; hay những trường hợp trong thời gian cách ly trốn trại, thậm chí có những đối tượng còn cố ý tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép chỉ vì… tiền vừa bị cơ quan chức năng xử lý.
Trong khi đó, một số địa phương mà Thủ tướng Chính phủ chỉ mặt điểm tên, còn có tình trạng buông lỏng, lơ là vơí dịch. Điển hình là công tác quản lý tại Khu cách ly tập trung của các chuyên gia nước ngoài thuộc tỉnh Yên Bái và vụ việc hai trường hợp người Trung Quốc có thể trốn khỏi khu cách ly tập trung tại TPHCM. Hay việc Khánh Hòa và một số nơi bất chấp cảnh báo vẫn cho hàng nghìn người tụ tập ở các bãi biển, không khẩu trang, không thực hiện 5K như chỉ đạo của ngành y tế.
Mọi người dường như vẫn chưa ý thức được rằng, cứ mỗi đợt dịch bùng phát, hàng quán, nhiều cơ sở kinh doanh lại phải đóng cửa, doanh nghiệp bi đát, người dân khốn đốn.
Hà Nội và TPHCM ngày 3/5 đã hỏa tốc yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu như các quán ăn uống, cà phê vỉa hè, các cơ sở masage, các khu vui chơi… để phòng chống dịch COVID-19. Tạm dừng có nghĩa sẽ có đẩy nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều thân phận con người… rơi vào cảnh khó khăn. Nhưng đó là vì cái chung, vì sự bất khả kháng mà họ phải chấp nhận.
Vậy nhưng, nhiều người dân vẫn đổ xô ra đường vui chơi, vẫn chen chân tắm biển, vẫn tụ tập như chưa từng phải trải qua một đợt dịch bùng phát nào. Một nhà báo đã bất lực đăng lời cảm thán trên trang facebook cá nhân: “Nhìn Ấn Độ tang thương thế mà mọi người không sợ nhỉ? Mình mà để vỡ trận thì không biết chuyện gì xảy ra đâu”.
Chính phủ và Bộ Y tế liên tục đưa ra cảnh báo, nếu không quyết liệt, nghiêm khắc trong phòng dịch, đợt dịch thứ tư hoàn toàn có thể xảy ra. Mọi sự chủ quan, mất cảnh giác lúc này sẽ phải trả giá không chỉ kéo lùi cơ hội phát triển kinh tế-xã hội… mà còn bằng cả tính mạng con người.