Giá lúa tăng trở lại; mời hơn 10.000 người Úc dùng thử gạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Giá lúa tăng trở lại; mời hơn 10.000 người Úc dùng thử gạo Việt Nam
TPO - Sau khi các bộ, ngành vào cuộc gỡ vướng cho ngành lúa gạo, mấy ngày gần đây, giá lúa đã bắt đầu tăng trở lại từng ngày. Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 tuần, diện tích lúa thu hoạch đã tăng từ 600 nghìn ha lên đến 820 nghìn ha, với sản lượng hơn 4,6 triệu tấn.

Chiều 17/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với Tổ công tác phía Nam và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau khi Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành vào cuộc gỡ vướng cho ngành lúa gạo, mấy ngày gần đây, giá lúa đã bắt đầu tăng trở lại từng ngày.

Giá lúa OM6976 ngày 16/8 tăng 100 đồng/kg, nếp Long An tăng 100 đồng/kg, nếp 3,5 tháng giảm 50 đồng kg; các giống lúa khác ổn định như tuần trước là Đài Thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật và giống OM5451 tăng 200 – 300 đồng/kg so với thời điểm trước

Đặc biệt, theo ông Nam, chỉ trong vòng 2 tuần, diện tích lúa thu hoạch đã tăng từ 600 nghìn ha lên đến 820 nghìn ha, với sản lượng hơn 4,6 triệu tấn.

Thứ trưởng Nam cho biết, hiện diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu hoạch là 690 nghìn ha và khoảng 400 nghìn ha lúa Thu Đông đã gieo sạ. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn, một số tỉnh đang tích cực thu hoạch lúa, người dân chỉ cần có thương lái hỏi mua, không có chuyện lúa chín ngoài đồng không thu hoạch được...

Giá lúa tăng trở lại; mời hơn 10.000 người Úc dùng thử gạo Việt Nam ảnh 1

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch được khoảng 820 nghìn ha

Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu, Thứ trưởng Nam đề nghị các địa phương thống nhất phương án xây dựng “luồng xanh” đường thủy trong vùng đảm bảo việc thu hoạch, tạo điều kiện cho nông dân, máy gặt đập liên hợp và thương lái thu hoạch và thu mua lúa trong vùng…

Đối với tình hình thủy sản, Thứ trưởng Nam cho biết, giá cá tra giống đang xuống rất thấp 21.000-23.000đ/kg; giá cá tra thương phẩm khoảng 21.000đ/kg; giá tôm xuống thấp nên không kích thích tái sản xuất. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.

Hiện chỉ còn còn 326/449 cơ sở chế biến thủy sản tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước.

Ngoài ra, một số cây ăn quả vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, trang trại trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp...

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc áp dụng “3 tại chỗ”. Mức hỗ trợ 50% chi phí. Thời gian hỗ trợ trong thời gian tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương có điều chỉnh theo tình hình thực tế mô hình 3 tại chỗ, mô hình 1 cung đường 2 điểm đến hoặc mô hình kết hợp đặc biệt ở các tỉnh Nam sông Hậu có mức độ dịch ít nghiêm trọng hơn để tăng công suất và giảm chi phí cho cơ sở chế biến, tạo đầu ra cho toàn chuỗi; tạo điều kiện về xét nghiệm và di chuyển của nhân công, phương tiện thu hoạch, vận chuyển thuỷ sản.

Mời hơn 10.000 người Úc dùng thử gạo Việt Nam

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, 10.000 túi gạo Ban Mai Cung Đình, một nhãn hiệu nổi tiếng và được người tiêu dùng tại bang Tây Úc đánh giá rất cao về chất lượng sẽ được nhà phân phối M-Import và hệ thống siêu thị MCQ tặng 10.000 khách hàng, mỗi khách hàng 1kg dùng thử.

Ngoài ra, tại Melbourne, hàng trăm phần quà gạo dùng thử của nhãn hàng ST25, gạo thơm Jasmine Vilaconic cũng sẽ được mời tặng, chương trình do Công ty AusViet triển khai.

Giá lúa tăng trở lại; mời hơn 10.000 người Úc dùng thử gạo Việt Nam ảnh 2

Gạo Việt Nam được quảng bá tại các siêu thị ở Úc

Còn tại Sydney, sự kiện “Mời bạn dùng cơm Việt” bằng các loại gạo Việt có tại thị trường Australia cũng sẽ được lên kế hoạch tổ chức (căn cứ điều kiện giãn cách xã hội). Triển lãm trực tuyến gạo Việt Nam cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Nguồn hàng ngành nông thuỷ sản Việt Nam để kết nối giao thương.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, trong 7 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh Úc giảm mạnh nhập khẩu gạo từ thế giới (trong 6 tháng năm 2021 giảm tới 32% so với cùng kỳ) nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng trưởng ấn tượng, lên đến 37,03%.

Bên cạnh đó, mặc dù cả Việt Nam và Australia đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu nông thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh. Sau 7 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản rau quả tăng hơn 45% , xuất khẩu thuỷ sản tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2020.

Cơ quan Thương vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh, thông tin “Việt Nam - Vùng đất của gạo ngon nhất thế giới”. Danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo cũng đã được trợ lý ảo của Thương vụ (chatbot) tự động giới thiệu nhà nhập khẩu Australia.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.