Gia Lai sẽ có 2 tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Là tỉnh nằm trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Gia Lai có nhiều lợi thế nếu giao thông thuận tiện hơn. Để tạo bước đột phá thu hút đầu tư, từ nay đến năm 2030 sẽ có 2 tuyến cao tốc được xây dựng kết nối Gia Lai với các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong tại buổi họp báo công bố tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 – 24/5/2022) ngày 16/4, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Xuất phát điểm của chúng tôi là tỉnh nghèo, có nhiều hạn chế về kết nối hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chúng tôi xác định điểm nghẽn về hạ tầng giao thông là vấn đề đang gây khó khăn, trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên sẽ tập trung tháo gỡ”.

Gia Lai sẽ có 2 tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh ảnh 1

Nhiều chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đã được công bố tại buổi họp báo

Hiện nay, theo hướng Bắc – Nam tỉnh có trục đường Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh đi từ Gia Lai đến TPHCM 550km, đến Đà Nẵng là 450km. Theo hướng từ Đông sang Tây hiện có Quốc lộ 19 kết nối Pleiku với cảng Quy Nhơn, Bình Định có chiều dài 168km; Quốc lộ 25 nối tỉnh Gia Lai với tỉnh Phú Yên với chiều dài 180km.

Còn một tuyến đường khác là Đông Trường Sơn chạy theo hướng tây Bắc – đông Nam đi qua những vùng nông nghiệp, căn cứ cách mạng góp phần phát triển kinh tế đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn có một sân bay (đạt tiêu chuẩn cấp 4C) có khả năng đón các máy bay tầm trung.

Từ thành phố Pleiku đến cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đường Quốc lộ 19 có chiều dài 80km giúp thông thương với nước bạn Campuchia. Về cơ bản hệ thống giao thông của tỉnh Gia Lai đã đáp ứng tương đối cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa có hệ thống đường cao tốc từ Gia Lai kết nối với các địa phương khác. Đây là một trong những hạn chế khiến địa phương khó tạo được sự bứt phá để phát triển bởi vấn đề logistic, giá thành vận chuyển vẫn ở mức cao, khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Gia Lai sẽ có 2 tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh ảnh 2

Gia Lai là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng nhưng chưa có đường cao tốc

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các tuyến cao tốc kết nối Gia Lai với cả nước, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Theo quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh sẽ có 2 hệ thống đường cao tốc. Một tuyến đường cao tốc theo hướng Đông – Tây kết nối từ thành phố Pleiku đến cảng Quy Nhơn theo quy hoạch sẽ được đầu tư sau năm 2030. Một tuyến đường cao tốc kết nối theo trục Bắc – Nam là đường cao tốc phía Tây đi từ Kon Tum qua Pleiku kết nối với tỉnh Đắk Lắk theo quy hoạch sẽ được đầu tư trước năm 2030”.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh quy hoạch trên, tỉnh Gia Lai đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa hệ thống cao tốc từ Quy Nhơn đến Gia Lai vào xây dựng sớm hơn. Chính phủ cho phép đẩy nhanh quy hoạch đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn sớm hơn Gia Lai phối hợp cùng Kon Tum và Bình Định kêu gọi được nguồn vốn FDI hoặc PPP hoặc xã hội hóa.

Ông Hữu Quế cho biết, theo Nghị quyết 05 về phát triển kinh tế hạ tầng, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh Gia Lai đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cao tốc kết nối Pleiku với Quy Nhơn sớm hơn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

"Cả hai tuyến cao tốc đi qua địa bàn đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn thu hút đầu tư trong và ngoài nước giúp Gia Lai tận dụng những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và con người, trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên"- ông Quế nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.