Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới

Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới
Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới. Hiện nay, giá gạo tại các địa phương trên thị trường cũng đang dần "giảm nhiệt".
Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới ảnh 1

Nhân dân Đà Nẵng mua gạo tại điển bán Trung tâm Thương nghiệp trên đường Ông Ích Khiêm chiều 28-4.ảnh : Vũ Công Điền - TTXVN 

Sáng 28/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã có cuộc họp đột xuất với các Công ty lương thực các tỉnh, thành phố phía Nam.

Tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Trương Thanh Phong khẳng định: Việt Nam không thiếu gạo, vẫn đảm bảo gạo cho tiêu dùng trong nước và dự kiến sẽ xuất khẩu từ 3,5 đến 4 triệu tấn gạo các loại trong năm 2008. Hiện nay, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó, các công ty thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam có trên 446.000 tấn, chưa tính các công ty cổ phần thuộc Tổng công ty.

Về giá gạo bán ra, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không quá 11.000 đồng/kg; thành phố Hồ Chí Minh, kể cả các tỉnh Đông Nam bộ không quá 13.000 đồng /kg; các tỉnh Duyên hải miền Trung không quá 13.000 đồng/kg; Phú Quốc (Kiên Giang) không quá 12.000 đồng/kg.

Lê Huệ
TTXVN

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, việc định hướng thông tin là rất quan trọng, phải giải thích cho người dân hiểu rõ thực chất tình hình chứ không tập trung vào những hiện tượng bất thường để làm nóng vấn đề lên.

Yếu tố đầu cơ là có nhưng có hai khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, đầu cơ của các doanh nghiệp lớn nhưng đến lúc này chưa có cơ sở kết luận việc này. Ở các nước thì dạng đầu cơ này xảy ra nhiều hơn.

Dạng thứ hai rất đáng chú ý là đầu cơ nhỏ lẻ, mỗi một cửa hàng, đại lý, thậm chí mỗi người dân cũng đầu cơ một ít bằng cách tích trữ gạo, phòng tăng giá.

Đối với những doanh nghiệp lớn, nhất là những doanh nghiệp không kinh doanh mặt hàng lúa gạo thì Chính phủ đã có giải pháp ngăn ngừa. Còn đối với những doanh nghiệp vừa và các cửa hàng chúng ta phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề niêm yết và bán theo giá đăng ký.

"Bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể thiếu gạo, nhưng không có nghĩa là cứ người ta thiếu thì mình cũng thiếu. Tiếp đến chúng ta phải đảm bảo đủ cung cầu tại từng thời điểm, tại từng địa phương, không để thiếu ở bất kỳ điểm nào. Riêng công tác điều hòa thị trường cần phải có lượng dự trữ tốt hơn, đối với tất cả các mặt hàng hóa chứ không riêng gì gạo.

Thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt điều này là bởi trước đây có một hệ thống các doanh nghiệp thương mại lớn làm công cụ cho Nhà nước điều tiết, nhưng bây giờ thì không. Đấy chính là vấn đề. Chúng ta chăm lo xây dựng cho các tập đoàn lớn về công nghiệp, dịch vụ mà tạm quên các tập đoàn lớn về thương mại", ông Tú nói.

Đối với xuất khẩu gạo, tạm thời xác định lại chỉ tiêu xuất khẩu năm 2008. Đến quý hết quý III/2008 sẽ xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, sau đó xem xét tùy tính hình cụ thể đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu khi gạo đang có giá.

Thực tế hiện nay theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hợp đồng đã ký mới là 2,8 triệu tấn, còn rất xa so với chỉ tiêu đó nên gạo chắc chắn là không thiếu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi miền Bắc thu hoạch vụ đông xuân và các tỉnh miền Nam thu hoạch lúa hè thu sớm thì nguồn cung lúa gạo vào tháng 5 và tháng 6 tới đây sẽ tiếp tục dồi dào.

 Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, dự kiến các tỉnh miền Bắc sẽ thu hoạch khoảng 6,5 triệu tấn lúa, tương đương với với sản lượng vụ đông xuân năm trước.

Theo Hoàng Tùng
TTXVN

Giá gạo ở các địa phương đang dần “giảm nhiệt"

Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới ảnh 2
Ngày 28/4/2008, chợ đầu mối gạo Trần Chánh Chiếu đã tiếp nhận đầy ắp gạo và hàng chục xe tải vẫn đang đổ hàng ước tính khoảng 230 tấn gạo được đưa về mỗi ngày từ miền Tây Nam Bộ, giá các lọai gạo được niêm yết rõ ràng nên đã góp phần hạ nhiệt được cơn sốt gạo.  Ảnh:Văn Khánh - TTXVN

Đà Nẵng : Bán không hạn chế gạo tẻ thường, giá 9.500 đồng/kg

Ngày 28/4, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến việc kinh doanh gạo trên địa bàn thành phố thực hiện các giải pháp để bình ổn thị trường gạo tại địa bàn thành phố.

UBND thành phố ứng trước số tiền 5 tỉ đồng giúp Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng chủ động nguồn gạo mua từ các tỉnh phía Nam theo phương thức bù giá chênh lệch của đơn vị so với giá thị trường.

Ngay chiều ngày 28/4, Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng đã mở 9 điểm bán gạo để bình ổn giá tại các chợ: Cồn, Hàn, Đống Đa, Hòa Khánh, An Hải Đông và 4 điểm cố định: 215 Trưng Nữ Vương, 231 Huỳnh Ngọc Huệ, 292 Cách Mạng Tháng Tám và 196 Phạm Như Sương.

Tại các điểm này, gạo tẻ thường được bán với mức giá chung là 9.500 đồng/kg, từ 8 giờ đến 17 giờ 30 các ngày trong tuần, số lượng bán không hạn hạn chế và sẽ được triển khai tới khi giá gạo trên thị trường bình ổn trở lại.

Ngoài những điểm nói trên, một số đơn vị như Siêu thị Metro, Bài Thơ, Big C cùng tham gia vào mạng lưới bán lẻ cho người dân với giá cả hợp lý. Lực lượng Quản lý thị trường thành phố đồng loạt tổ chức thanh kiểm tra các kho của các đại lý bán gạo trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện và xử lý những đại lý đầu cơ hàng nhằm tăng giá; các đại lý vi phạm sẽ bị xử phạt và bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Qua khảo sát một số đại lý bán gạo trên địa bàn thành phố trong chiều 28/4, giá gạo vẫn giữ ở mức từ 13.000 đến 18.000 đồng/kg nhưng hầu như không có người mua.

Hậu Giang : Giá gạo đã đứng

Ngày 28/4, UBND tỉnh Hậu Giang đã họp khẩn với các ngành chức năng và lãnh đạo của 7 huyện, thị trong tỉnh nhằm giải quyết tình hình biến động của giá lúa gạo trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng tìm hiểu và xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn gây xáo trộn thị trường.

Ông Thắng khẳng định: là một tỉnh nông nghiệp, Hậu Giang không thiếu lúa gạo, mỗi năm địa phương còn sản xuất dư thừa để bán ra từ 300.000 - 400.000 tấn gạo. Để góp phần bình ổn giá lúa gạo, các cơ quan chức năng và thông tin phải tích cực tuyên truyền và làm cho người dân hiểu rõ ngọn ngành của sự khan hiếm lúa gạo giả tạo này, không tiếp tay cho những thông tin giả tạo, đổ xô tìm mua lúa gạo dự trữ, làm cho thị trường bất ổn.

Đến sáng 28/4, tại Hậu Giang, giá gạo đã đứng và không có dấu hiệu tăng thêm. Chiều 28/4, siêu thị Co.op Mart Vị Thanh sẽ cho nhập về 3 tấn gạo với giá bán 13.000 đồng/kg.

Vĩnh Long : Đưa hàng chục ngàn tấn gạo bình ổn thị trường

Tham gia bình ổn thị trường, sáng 28/4, Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Vĩnh Long dự kiến đưa ra thị trường 20.000 tấn gạo; tổ chức 4 cửa hàng bán lẻ tại thị xã Vĩnh Long, thị trấn Bình Minh, thị trấn Tam Bình và xã Phú Lộc (huyện Tam Bình) với giá bán từ 10.000 – 13.000 đồng/kg, tuỳ loại gạo. Công ty còn tổ chức đóng gói các loại gạo chất lượng cao cung ứng cho 2 siêu thị Co.op Mart và Vinatex Mart nhắm đảm bảo siêu thị có lượng gạo đưa ra bán ngay cho người tiêu dùng.

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Long hiện còn dự trữ 40.000 tấn gạo chuẩn bị cho chế biến xuất khẩu; dự kiến đưa ra thị trường từ 3.000 - 5.000 tấn gạo. Hai công ty tiếp tục đẩy mạnh mua lúa hàng hóa phục vụ cho xay xát, chế biến tiêu thụ nội địa, mở thêm các điểm, cửa hàng bán lẻ ở các khu dân cư, khu công nghiệp cung ứng nguồn hàng; kết hợp với lực lượng quản lý thị trường tổ chức việc kiểm tra ngăn chặn tình trạng mua gom hàng, đầu cơ, găm hàng ... ngăn chặn những cơn sốt “ảo” gây mất ổn định thị trường. Tại chợ trung tâm Vĩnh Long, giá gạo ngày 28/4 đã có hướng “giảm nhiệt”.

Tiền Giang : Số người đi mua gạo ngày càng giảm

UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Công ty Lương thực tỉnh tổ chức cho các cửa hàng bán lẻ trực thuộc mở cửa bán ra gạo thường 10% tấm với giá 10.000 đồng/kg nhằm bình ổn thị trường. Từ ngày 27/4, Công ty đã bán trên 97,5 tấn gạo, cao nhất từ trước đến nay. Đến 14 giờ ngày 28/4, tại Tiền Giang, gạo thường với 10% tấm ở các cửa hàng bán lẻ của tư nhân có giá bán ra là 11.500 đồng/ kg (ở các huyện phía đông của tỉnh) và giá 13.000 đồng/kg gạo (ở các huyện phía Tây của tỉnh).

Tình hình mua bán gạo ở các chợ ở tỉnh Tiền Giang đang có chiều hướng ổn định, số người đi mua gạo ngày càng giảm. Trước đó, sáng 28/4, tỉnh Tiền Giang đã có cuộc họp khẩn cấp với các lãnh đạo huyện, thị, thành phố và các ngành chức năng để tìm biện pháp nhằm bình ổn giá gạo trên thị trường, ngăn chặn kịp thời tình trạng đầu cơ, găm hàng để đẩy giá gạo lên cao.

Hiện nay, tại Tiền Giang, ngoài Công ty Lương thực tỉnh, 45 Công ty, doanh nghiệp lớn tham gia kinh doanh lương thực đã cho mở cửa bán gạo cho nhân dân. Tỉnh đã cho thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình niêm yết giá, bán gạo theo giá niêm yết.

MỚI - NÓNG