Đêm nhạc Nối vòng tay lớn do Trường Đại học Y dược Huế và gia đình tổ chức tối 21/4. Khúc mắc ở chỗ bốn ca khúc trong chương trình được cho là “chưa được cấp phép phổ biến” bao gồm Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ.
“Tôi ngạc nhiên khi hay chương trình ở Huế xảy ra chuyện vì bốn bài hát chưa có giấy phép. Hơn chục năm qua gia đình tổ chức hơn 20 chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn ở mọi miền và đều xin phép các Sở VHTTDL các địa phương và luôn có giấy phép”, bà Trịnh Vĩnh Trinh nói. Mới đây nhất chương trình “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn” ngày 1/4/2017 tại đường sách Nguyễn Văn Bình được Sở VHTT TPHCM cấp phép (số giấy phép 213). Giấy phép gia đình cung cấp cho Tiền Phong với danh mục ca khúc kèm theo có Nối vòng tay lớn và Đêm thấy ta là thác đổ.
Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng có lẽ đây là sự nhầm lẫn, bởi Nối vòng tay lớn được biểu diễn tại nhiều chương trình, in thành sách, đưa vào sách giáo khoa và quan trọng hơn bài hát “giống như thông điệp hoà giải”. Ca khúc này cũng xuất hiện trong chương trình “Giai điệu tự hào” của VTV. Nhạc sỹ Phan Phương, Trưởng Ban hội viên Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết Nối vòng tay lớn nằm trong số ca khúc gia đình uỷ quyền cho Trung tâm từ rất lâu. “Đây là bài hát cộng đồng, trong các hoạt động đoàn thanh niên hay hội sinh viên đều sử dụng từ lâu”, ông Phan Phương nói. Ông nói thêm, việc của Trung tâm là bảo vệ tác phẩm và đảm bảo bài hát của chính tác giả.
Trước sự ngạc nhiên của gia đình cũng như dư luận về việc chưa phổ biến ca khúc Nối vòng tay lớn, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn dẫn quy định tại Nghị định 79 và Nghị định 15 đối với các ca khúc sáng tác trước năm 1975: Đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào muốn biểu diễn tác phẩm phải làm hồ sơ. Ông Chương giải thích dù ca khúc được nhiều người thuộc và hát ở nhiều nơi nhưng “chưa có đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến bài hát này”.
Cục NTBD đã nhận được hồ sơ của Trường Đại học Y-Dược Huế. Cục hướng dẫn trường xin xác nhận của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu tác phẩm thì mới có thể cấp phép cho tác phẩm. Về việc làm hồ sơ xin cấp phép ca khúc, gia đình cho hay không có động thái gì. Theo lí luận của gia đình, có hàng trăm ca khúc của Trịnh Công Sơn được nhiều Sở VHTTDL cấp phép, Cục nên cập nhật danh mục này thay vì chờ gia đình làm hồ sơ xin. Hiện trong danh mục ca khúc trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có 77 ca khúc.
Điều 29 Nghị định 79 về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn quy định: Tổ chức, cá nhân nào muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD. Hồ sơ gồm các thủ tục như: 1 đơn đề nghị cấp phép, 1 bản sao bản nhạc có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả, 1 bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả, 1 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 1 bản ghi âm có nội dung tác phẩm.