Gia đình thứ hai

Cán bộ cùng thương bệnh binh trò chuyện ở trung tâm. Ảnh: Hoàng Lam.
Cán bộ cùng thương bệnh binh trò chuyện ở trung tâm. Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Mỗi người một quê, mang trong mình các thương tật, nỗi đau khác nhau nhưng được chăm sóc, yêu thương như người thân trong một gia đình tại Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa (trụ sở tại phường Quảng Thọ, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa).

32 năm được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa (gọi tắt trung tâm), bà Trần Thị Súy (SN 1950, quê ở xã Nga Trường, huyện Nga Sơn) coi nơi này như gia đình thứ 2 của mình.

Trong căn phòng thoáng mát, ngăn nắp, ấm cúng của mình, kể chuyện xưa, bà Súy bùi ngùi, ngân ngấn lệ: Tháng 7/1968, khi bà vừa hoàn thành xong chương trình lớp 9 (hệ 10 năm), có lệnh tổng động viên toàn quốc. Sau lời kêu gọi của thầy, cô trường phổ thông Ba Đình (huyện Nga Sơn), bà Súy đăng ký kiểm tra sức khỏe để đi bộ đội. Bà được tiếp nhận về Cục Xăng dầu (thuộc Tổng cục Hậu cần), sau đó về công tác tại Binh trạm 150 ở Cục Xăng dầu ở miền Tây Hà Tĩnh. Tháng 9/1972, khi bà Súy cùng đồng đội đang đi giao hàng qua một cây cầu thuộc huyện Nam Đàn (Nghệ An), bất ngờ bị bom Mỹ thả xuống. Đồng đội ở 4 xe đi trước đều hy sinh, bà Súy và một đồng đội khác đi xe thứ 5 bị thương. Bà bị cháy bỏng và nhiễm độc xăng chì nặng (bệnh binh 81%), liên tục phải đi lọc chì, điều trị. Từ một người có trọng lượng 53 kg xuống còn 32 kg, khiến bà mất khả năng sinh con, phải nói lời chia tay người yêu nơi quê nhà. Bà ở trung tâm từ tháng 1/1985 cho đến bây giờ.

“Mọi người ở đây sống tình cảm lắm. Cán bộ, bác sỹ, nhân viên đều coi tôi như người thân, từ cách xưng hô, chào hỏi đến sự tận tình trong từng bữa cơm, hay những khi chăm sóc bệnh tình. Số phận không cho mình một mái nhà riêng, nhưng sống trong mái nhà trung tâm này, tôi không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng”- bà Súy tâm sự.

Bên ghế đá ven hồ, những thương bệnh binh ở trung tâm kể cho nhau nghe những câu chuyện chiến trường, rồi chuyện cuộc sống gia đình sau chiến tranh. Những câu chuyện có buồn, có vui nhưng hơn cả là niềm tự hào của những người sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì Tổ quốc.

Trong những câu chuyện được kể lại, câu chuyện tình của thương binh Bùi Thanh Va (SN 1964, quê ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy) với một nữ cán bộ trung tâm luôn được mọi người nhắc đi nhắc lại đầy trìu mến. Tháng 6/1983, anh Bùi Thanh Va bị thương (mất một chân) tại biên giới Campuchia. Tháng 9/1986, anh về dưỡng thương tại Thanh Hóa rồi quen cán bộ trung tâm Phạm Thị Tuyến. Hai người nên duyên vợ chồng trong niềm vui chung của cả trung tâm. Hiện gia đình thương binh Bùi Thanh Va có hai người con trai đều tham gia trong các đơn vị của quân đội.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Xuân Quang - Trưởng khoa Quản lý, chăm sóc thương bệnh binh nặng và người có công (Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa), người có gần 20 năm công tác tại trung tâm, cho biết: Hiện cả khoa có 14 cán bộ, nhân viên chăm sóc 50 người. Những người được chăm sóc có bệnh tình, lứa tuổi khác nhau. Chúng tôi không chỉ cố gắng chăm sóc sức khỏe mà cả tinh thần thật tốt cho những người có công đang ở tại đây.

MỚI - NÓNG