Gia đình Chủ tịch Vingroup có thêm 1.000 tỷ đồng

Vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng cùng các anh, chị, em giữ vững vị trí gia đình giàu nhất năm 2014 với số tài sản chứng khoán lên đến 1,24 tỷ USD.

Trong danh sách 30 gia đình có tài sản lớn nhất thị trường chứng khoán năm 2014, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) - Phạm Nhật Vượng, phu nhân - Phạm Thu Hương và các anh chị em tiếp tục củng cố vị trí là gia đình giàu nhất, với tài sản tính đến hết ngày 31/12 tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 26.500 tỷ đồng. 

Quy đổi theo tỷ giá cuối năm 2014, giá trị tài sản chứng khoán của gia đình ông Vượng đạt gần 1,24 tỷ USD, tăng khoảng 25 triệu USD so với cuối năm 2013 (tỷ giá tại thời điểm quy đổi).

Đợt chia cổ tức diễn ra vào quý III năm vừa rồi của Vingroup giúp tài sản chứng khoán của các thành viên trong gia đình họ Phạm tiếp tục tăng trong năm qua, cho dù giá cổ phiếu VIC không biến động lớn (xét theo giá điều chỉnh sau khi chia cổ tức).

Gia đình Chủ tịch Vingroup có thêm 1.000 tỷ đồng ảnh 1

Hai gia đình còn lại trong Top 3 có sự hoán đổi thứ bậc. Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cùng mẹ và 8 người em nhường lại vị trí á quân cho Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) - Trần Đình Long cùng mẹ và vợ. Số cổ phiếu HAG của gia đình ông Đức sở hữu đạt giá trị gần 7.744 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng trong năm qua. Song tốc độ gia tăng này chỉ bằng nửa so với vợ chồng ông chủ Hòa Phát. Tổng tài sản chứng khoán tính đến hết năm 2014 của ông Trần Đình Long và 2 người thân đạt hơn 8.060 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đà tăng của cổ phiếu Hòa Phát. Nhờ đó, gia đình đại gia đất Bắc này đã vượt qua Bầu Đức, trở thành những người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán.

Gia đình ông "Vua tôm" Lê Văn Quang của Thủy sản Minh Phú (Mã CK: MPC) và đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng của SSI (Mã CK: SSI) cùng trở lại Top 10 năm 2014. Gia đình ông Phú và ông Hưng từng đứng thứ 14 và 13 năm ngoái, song đã trở lại vị trí số 4 và 6 năm nay, chủ yếu nhờ đà tăng của giá cổ phiếu, giúp tài sản chứng khoán tăng 3-4 lần.

Trong khi đó, trường hợp gia đình ông Hà Văn Thắm không nằm trong danh sách xếp hạng do những vấn đề liên quan đến pháp luật. Còn gia đình Chủ tịch Công ty Phát triển địa ốc Phát Đạt (Mã CK: PDR) - Nguyễn Văn Đạt rời Top 10 năm nay do tài sản chứng khoán giảm hơn 100 tỷ đồng.

Top 30 năm nay có thành viên mới, là gia đình ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (Mã CK: DGC) với 6 thành viên và tổng tài sản trên 428 tỷ đồng. DGC mới niêm yết trên sàn Hà Nội trong năm 2014. Gia đình Chủ tịch Sacomreal - Đặng Hồng Anh cũng tăng 6 bậc để trở lại Top 30 sau một năm vắng bóng.

Tổng tài sản của 30 gia đình giàu nhất sàn chứng khoán đạt 74.818 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD. Con số này tăng hơn 11.600 tỷ đồng so với thống kê cuối năm ngoái. Để lọt Top 30, một gia đình cần có ít nhất 374 tỷ đồng tài sản chứng khoán, cao hơn khoảng 40 tỷ so với năm 2013.

Là năm thứ 9 liên tiếp công bố danh sách người giàu trên sàn chứng khoán, kết quả năm nay được xây dựng trên cơ sở thống kê tài sản của hơn 8.000 cổ đông thuộc diện phải công bố thông tin tại gần 700 doanh nghiệp niêm yết. Tiếp theo Top 100 cá nhân, 50 phụ nữ và gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán, VnExpress và đối tác cung cấp dữ liệu VNDIRECT sẽ còn gửi tới bạn đọc danh sách đầy đủ các triệu phú trên sàn chứng khoán Việt Nam trong tuần đầu năm 2015.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.