Giá điện: Tăng, tăng tiếp, tăng nữa (!?)

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Như Ý.
TP - Giá điện, giá xăng dầu là hai vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6.

Càng theo lộ trình, “điệp khúc” tăng càng dài?

Mở đầu chất vấn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu điệp khúc: “Giá điện cứ tăng, tăng rồi, tăng tiếp rồi tăng nữa”. Điệp khúc này đã “khai sinh” từ khi có ngành điện. Về lý thuyết, nếu kinh doanh giá bán lẻ hấp dẫn sẽ thu hút nhà đầu tư, lúc đó người dân sẽ hưởng lợi. Cho rằng lý thuyết này đúng với nhiều ngành nhưng lại không đúng với ngành điện, ĐB Cương đặt câu hỏi: “Bao giờ lý thuyết này đúng với ngành điện?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, giá điện, xăng dầu là hai mặt hàng đặc biệt liên quan trực tiếp tới đời sống xã hội, người dân, nên biến động dù nhỏ cũng tác động tới người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Hoàng khẳng định, luôn “băn khoăn” mỗi khi phải điều chỉnh giá, đặc biệt với mặt hàng điện. Do vậy, phải tính toán cẩn trọng để giá theo đúng thị trường, trên cơ sở không bù giá, đồng thời giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới đời sống người dân. 

“Giá điện cứ tăng, tăng tiếp rồi tăng nữa. Điệp khúc này đã “khai sinh” từ khi có ngành điện. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ bao giờ bỏ được độc quyền trong kinh doanh điện?”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương

Theo nguyên tắc điều hành giá điện của Chính phủ, nếu các yếu tố chi phí đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá…tăng, sẽ xem xét điều chỉnh giá bán lẻ. Nếu mức điều chỉnh tăng giá dưới 10%, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ xem xét, còn tăng trên 10% phải báo cáo trình Chính phủ. Bộ trưởng Hoàng cho hay, với mức tăng giá tháng 3 vừa qua, ngành điện đã đưa ra ba phương án: 7,5%, 9,5% và 12%, cuối cùng đã lựa chọn tăng 7,5% với mức thấp nhất, để vừa chia sẻ với người tiêu dùng, vừa đảm bảo bù lỗ cho ngành điện…

Ngắt lời Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Phải chăng thời kỳ bao cấp giá điện quá dài, tháo chưa hết nên vẫn phải tháo tiếp? Bộ trưởng nói phải tăng theo lộ trình, vậy càng theo lộ trình thì điệp khúc tăng càng dài?”. Lúng túng giây lát, Bộ trưởng Hoàng đáp: “Tới năm 2016 giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường”.

Chưa hài lòng, ĐB Cương chất vấn tiếp và đề nghị Bộ trưởng nói rõ bao giờ bỏ được độc quyền trong kinh doanh điện? Bởi nếu còn giữ độc quyền thì giá điện còn tăng mãi. “Người dân rất mừng nếu năm 2016 giá điện sẽ theo giá thị trường”, ĐB Cương nhấn mạnh.

Trả lời, Bộ trưởng Hoàng dẫn ra lộ trình giá bán lẻ cạnh tranh điện đã được Chính phủ phê duyệt: Năm 2012 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, năm 2016 sẽ thí điểm bán buôn điện cạnh tranh và từ năm 2021 sẽ thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, lúc đó giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn nhà sản xuất phù hợp với khả năng của mình.

Rà soát lại đầu vào xăng dầu

Đề cập đến giá cơ sở xăng dầu tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức, hiện nay được quy định 1.050 đồng/lít xăng, 950 đồng/lít dầu, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Theo tính toán của ĐB Hiến, nếu chi phí định mức xin được, gửi được tăng thêm 100 đồng/lít thì người tiêu dùng phải “gánh” thêm 1.600 tỷ đồng/năm, lợi nhuận được mặc định 300 đồng/lít, người tiêu dùng mặc nhiên phải trả khoản lãi 4.800 tỷ đồng, tổng cộng hai khoản là 6.400 tỷ đồng.

“Chính vì điều đó, dư luận ngã ngửa mỗi khi doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận. Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là sơ hở cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng?”, ĐB Hiến chất vấn.

Giá điện: Tăng, tăng tiếp, tăng nữa (!?) ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Như Ý.

Đồng tình với cách đặt vấn đề của ĐB, Bộ trưởng Hoàng một lần nữa khẳng định, giá xăng dầu cũng là hàng hóa nhạy cảm, nên khi điều chỉnh phải có sự hài hòa lợi ích. Nghị định 83 được thực hiện từ năm 2014, đến nay mới được 6 tháng, theo Bộ trưởng, bước đầu vẫn còn những hạn chế cần phải điều chỉnh. Tiếp thu ý kiến ĐB, Bộ trưởng Hoàng hứa sẽ cùng Bộ Tài chính phát hiện bất cập và đề xuất Chính phủ sửa cho phù hợp.

“Năm 2016 sẽ thí điểm bán buôn điện cạnh tranh và từ năm 2021 sẽ thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh. Lúc đó giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn nhà sản xuất phù hợp”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Giải trình thêm về giá các mặt hàng thiết yếu này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức được thực hiện như lý giải của Bộ trưởng Hoàng. Mặt hàng xăng dầu đang được điều hành theo Nghị định 83, giá được bán theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được quy định giá bán theo biên độ nhất định, theo quy trình và nguyên tắc Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra, điều tiết thông qua quy định tính giá cơ sở và thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh. 

Theo lý giải của Bộ trưởng Dũng, giá bán là đầu ra của doanh nghiệp, còn giá cơ sở và chi phí, lợi nhuận định mức là giá đầu vào, gồm các chi phí bảo hiểm, vận chuyển từ cảng nước ngoài về trong nước, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ… Hai yếu tố chi phí mà ĐB đề cập, theo Bộ trưởng Dũng đó là chi phí khoán cho doanh nghiệp trong số các yếu tố đầu vào cấu thành giá bán lẻ.

“Giá xăng dầu trong nước được điều hành trên căn cứ biến động giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, trong đó giá xăng dầu thành phẩm thế giới là yếu tố trọng yếu”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, hai Bộ sẽ tiếp thu và xem xét lại các chi phí đã khoán cho doanh nghiệp. “Bản thân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng bị tác động bởi yếu tố khác tăng chi phí đầu vào nên phải thường xuyên điều chỉnh để đảm bảo có lãi”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn quá, do vậy cần phải rà soát lại yếu tố đầu vào đối với mặt hàng này.

MỚI - NÓNG