Giá điện tăng hơn 8,3%: Bộ Công Thương nói gì​?

Ghi chỉ số điện tiêu thụ. Ảnh: Hoa Việt Cường
Ghi chỉ số điện tiêu thụ. Ảnh: Hoa Việt Cường
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục Ðiều tiết Ðiện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc tăng giá điện dự kiến ở mức 8,36% vào nửa cuối tháng 3/2019 sẽ được xem xét rất kỹ trước những biến động tăng của nguyên liệu đầu vào và các yếu tố khác như khoản chênh lệch tỷ giá còn treo lại chưa tính vào giá điện của các năm trước.

Tăng giá điện làm tăng CPI tối đa 0,31%

Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo của các năm trước để trình Bộ Công Thương, báo cáo Chính phủ. Các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.

Cũng theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, trong phương án giá điện điều chỉnh năm 2019 đã đưa vào tính toán các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện gồm: Giá than nội địa; Giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; Dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện; Dự báo về giá khí cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của WB và điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện để 100% các nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường.

Cùng đó sẽ tính cả thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 1/1/2019 theo Nghị quyết 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… cũng là yếu tố đưa vào xem xét. Cùng đó, các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá). Mức độ phân bổ sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP); cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.

“Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô. Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.

Tiếp tục hỗ trợ giá điện cho các hộ chính sách, hộ nghèo

Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ hàng tháng với mức tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ có những điều chỉnh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng theo thẩm quyền.

Theo ông Tuấn, với mức tăng 8,36% tương đương 1.850 đồng một kWh (chưa bao gồm VAT), giá điện Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới và khu vực. Cụ thể, thống kê giá điện 25 nước năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippine, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0.074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.

“So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia”, ông Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Ðiều tiết Ðiện lực, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.

Theo tính toán của EVN, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất của TKV và Tổng công ty Ðông Bắc, chi phí mua điện năm 2019 sẽ bị đội thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng. Trong đó, với than trộn mua từ TKV tăng 1.062,89 tỷ đồng, than trộn mua từ Tổng công ty Ðông Bắc tăng 435,17 tỷ đồng. Tổng chi phí sản xuất điện sẽ bị đội thêm khoảng 5.500 tỷ đồng do giá than sản xuất trong nước và than trộn được TKV tăng giá bán trong năm 2019.

MỚI - NÓNG