Giả danh Thanh tra Chính phủ, 'nữ quái" lừa hàng tỷ đồng

Hồ sơ, con dấu, chữ ký và phiếu thu đều là giả nhưng người dân vẫn không phát hiện.
Hồ sơ, con dấu, chữ ký và phiếu thu đều là giả nhưng người dân vẫn không phát hiện.
Đánh vào tâm lý muốn đổi đời của những người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Lý, Trung và Lâm đã lôi kéo người lao động vào “trò chơi” xuất khẩu lao động, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Đánh vào tâm lý muốn đổi đời của những người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Lý, Trung và Lâm đã lôi kéo người lao động các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ, Đô Lương của tỉnh Nghệ An vào “trò chơi” XKLĐ của chúng.

“Bóng hồng” dưới mác Thanh tra chính phủ

Với tài “chém gió” của mình Ngô Thu Lý (SN 1983, trú xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đã móc nối với một số đối tượng ở các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra để tạo dựng đường dây đưa người đi XKLĐ. Để dễ bề hoạt động, Lý tự xưng mình là cán bộ làm trong cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Trong đường dây của Lý còn có đối tượng Giáp Văn Trung (SN 1978, trú tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), một người tự xưng là cán bộ Bộ Ngoại giao và một người là đại diện Tập đoàn điện tử SamSung, Hàn Quốc.

Từ giữa năm 2013, Lý chỉ đạo cho Trung liên tiếp về các huyên Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ của tỉnh Nghệ An để tìm “mồi”. Tại huyện Yên Thành, Trung móc nối với đối tượng Chu Ngọc Lâm (trú tại xã Tiến Thành) tạo dựng đường dây lừa đảo của mình. Lý do Trung chọn Lâm bởi 2 người đã có mối quan hệ bạn bè từ trước và khi Trung về địa phương đặt vấn đề có “mối” đưa người đi XKLĐ thì Lâm đã không ngần ngại tạo “điều kiện” để vận động con em trong xã và các huyện lân cận gom “hàng” cho Trung.

Sau khi đã tuyển được lao động và cầm số tiền đặt cọc của người có nhu cầu đi XKLĐ, Trung quay trở lại Hà Nội để gặp Lý, bàn bạc phương thức lừa đảo tiếp theo hòng kéo dãn thời gian người dân đã đăng ký nộp tiền ứng trước cho mình.

Đánh bóng mác ảo

Giả danh Thanh tra Chính phủ, 'nữ quái" lừa hàng tỷ đồng ảnh 1

Trên danh nghĩa cán bộ Thanh tra Chính phủ, Ngô Thu Lý đã làm giả nhiều giấy tờ, hồ sơ để về các huyện Yên Thành, Diễn Châu và Tân Kỳ gom hàng trăm nghìn đôla Mỹ của những người có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài.

Để thuận tiện cho việc tạo dựng cơ sở và đánh lừa các cơ quan chức năng, sau khi bàn bạc với Chu Ngọc Lâm, Giáp Văn Trung đã tổ chức “hội thảo” tại hội trường của xã Tiến Thành nhằm tuyên truyền về cách thức, thời gian và các thủ tục đưa người đi lao động tại các nước Hàn Quốc và Canada nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Tiếp đó, vào tháng 12.2013, Chu Ngọc Lâm và Giáp Văn Trung lại tổ chức tiếp một hội thảo khác trước sự chứng kiến của hàng trăm người để thông báo về tình hình thị trường các nước có nhu cầu tuyển lao động.

Cũng tại hội thảo này, Giáp Văn Trung đã không ngần ngại tô vuốt thân phận của mình và nâng cao vị thế của “nữ quái” Ngô Thu Lý và “đám cộng sự” trước những con mắt dễ tin của hàng trăm người dân lao động nghèo khổ. Đi đến đâu chúng cũng sử dụng các phương tiện đắt tiền, cùng với đó là lối tiêu xài hào phóng để che đậy diện mạo lừa đảo của mình.

Chính vì thế, nhiều người dân ở những vùng quê nghèo đã bán hết tài sản, thậm chí còn vay mượn ngân hàng, người thân để gom tiền cho con đi XKLĐ. Khi người dân đã “nghiêng mái chèo”, bọn chúng yêu cầu người nhà phải đặt cọc 10 nghìn USD cho Công ty Thương mại Phương Đông – đơn vị đại diện làm thủ tục đưa người đi Hàn Quốc, Canada và hứa khi nào hết hợp đồng và lao động trở về nước sẽ hoàn trả lại số tiền đặt cọc này.

Tuy nhiên, thấy hoàn cảnh của một số gia đình không thể gom một lúc đủ 10 nghìn USD, bọn chúng đã thay đổi kế hoạch, người dân có bao nhiêu chúng ký nhận bằng giấy viết tay bấy nhiêu.

Có gia đình chỉ gom được vài nghìn USD chúng cũng chấp nhận và hứa sẽ tạo điều kiện để “xuất cảnh” trong thời gian sớm nhất rồi sau này sẽ trả dần cho công ty. Chỉ trong vòng nửa năm, Lý, Trung và Lâm đã móc nối với nhau thành đường dây, gom của người dân hàng trăm nghìn đôla với những lời hứa bay bổng.

Truy tìm dấu vết

Khi đến hẹn mà vẫn chưa lao động nào được “xuất cảnh”, người dân bắt đầu nghi ngờ và lo lắng. Trước những cuộc điện thoại liên tiếp của người dân, Trung, Lý và Lâm đã tắt máy, thay số điện thoại, thậm chí là nơi cư trú. Những ngày đầu năm 2014, sau khi biết mình đã bị lừa, người dân các huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Diễn Châu đã làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng.

Công an huyện Yên Thành đã xác định được nơi lẩn trốn của cả 2 đối tượng nói trên: Ngô Thu Lý đăng ký tạm trú tại xóm 3, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội và Giáp Văn Trung tạm trú tại ngõ 381/60, Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sau đó, tổ công tác đã “nhử” được Giáp Văn Trung và Ngô Thu Lý lộ mặt và bắt giữ khẩn cấp.

Dân nghèo điêu đứng

Gia đình ông Phạm Đình Xoan ở xóm Hòn Nen, xã Mã Thành (Yên Thành) đang điêu đứng bởi nợ nần. Ông kể: “Khi nghe thông tin có người từ Hà Nội vào tuyển người đi XKLĐ bên Hàn Quốc, tui đã cầm cố bìa đất cho ngân hàng và người thân được hơn 300 triệu đồng đưa cho Lâm để cho 2 đứa con trai đi XKLĐ Hàn Quốc. Sau mấy lần hẹn mà con tui vẫn không được xuất cảnh, lên nhà Lâm hỏi cho ra nhẽ tìm thì mới biết có nhiều người cũng bị lừa như mình”.

Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Xoan, ở xóm 6A, xã Tiến Thành (Yên Thành) còn đau đớn hơn bởi nhà Lâm và nhà bà đều trong một làng, Lâm có mở một cơ sở sản xuất tăm hương ngay tại địa phương.

Bà Xoan có 6 đứa con, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng không đủ ăn. Khi nghe Lâm mách có mối đưa người đi XKLĐ, cùng những lời đường mật của Giáp Văn Trung, bà đã vay mượn ngân hàng 7.000USD giao cho Lâm để cho đứa con út Nguyễn Hải Hậu mới học xong lớp 12 đi XKLĐ với giấc mơ đổi đời.

Thế nhưng “tiền mất tật mang”, con trai bà không những không “bay được” mà bà phải cõng số nợ ngân hàng mà làm việc suốt đời cũng không trả nổi.

Thảm nhất có lẽ là gia đình anh Phạm Xuân Tân và chị Hoàng Thị Hồng ở xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Trọng vụ này, gia đình và anh em họ hàng của anh chị đã bị lừa gần 1 tỉ đồng.

“Lâm bảo lao động không phải học hành gì nhưng mức lương cao, thủ tục đơn giản và có người phía Đại sứ quán bảo lãnh nữa. Lâm làm hồ sơ rồi hứa sẽ đưa 6 người trong gia đình tôi đi trong tháng 1.2014. Thế mà, nó ôm sạch gần 1 tỉ bạc của gia đình tôi rồi bỏ trốn, nợ này biết khi mô mới trả nổi đây”, chị Hồng khóc nức lên.

Thượng tá Phạm Xuân Khánh - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành cho biết: Chúng tôi đã nhận được đơn thư của hơn 30 nạn nhân ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương và Tân Kỳ với số tiền bị chiếm đoạt là gần 7 tỉ đồng. Đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng.

Theo Mai Huy

Theo VOV Giao Thông
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.