Ghép vần

TP - Một chú chàng thiếu niên rất hay bịa lời các bài hát rồi nghêu ngao hát lên. Nó ghép vần, nó nói lái, nó dùng tiếng lóng, tất tật cho vào một giai điệu có sẵn của một ca khúc đang nịnh tai công chúng.

Có lần tôi nghe nó hát: dòng sông nào mang đến cho ai một thời trẻ trai. Sau đấy lại nghe nó hát cao vống lên: dòng sông nào mang đến cho anh một thời trẻ ranh. “Ai” được ghép với “trẻ trai”, thì đổi sang “anh”, đúng là phải ghép với “trẻ ranh”.

Có lần tôi lại nghe nó nhại một bài nhiều người biết: ôi Minu hiền hòa, ị đầy ra cửa nhà ta. Sau đấy, nó lại đổi luôn: ôi Minu hiền lành, ị đầy ra cửa nhà anh.

Đứng trên cái mặt ghép vần mà nói (câu này có vẻ không nhã, thiếu gì cách nói mà lại đứng trên cái mặt), đúng là trên cái mặt ghép vần mà nói thì “hiền hòa” ứng với “nhà ta”, và “hiền lành” ứng với “nhà anh”.

Vô tình, chú chàng mới lớn đã có được cái kỹ năng ghép vần mà nhiều người tưởng rằng nhà thơ chỉ cần có thế. Nhiều người được gọi là nhà thơ mà còn ghép vần chưa xong: Hai tuần đã nhói trong tim/ Những chiêm bao mặt, lại chiêm bao hồn. Hoặc: Anh xin được nói với em/ Trong lòng anh đã đi qua một người.

Nhưng ghép vần là việc không khó gì, ở xứ ta một bà nông dân ít chữ cũng làm được, rất rõ là ở thể ca dao lục bát.

Nhân đây chép tặng người đọc một số câu của các nhà thơ có danh:

- Bóng cây đường Láng lòa xòa/ Ta trao cho những đôi hòa mai sau…

- Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên/ Tôi đã đày thân giữa xứ phiền…

- Đồng chí là gì em ơi/ Là không quen biết mà ngồi với nhau…

- Thạch Sanh em đó em ơi/ Nhưng anh không phải là người Lý Thông…

Các bậc có danh nhiều khi cũng lỏng tay dễ dãi. Điều này nhắc nhở bất cứ một người làm thơ nào phải luôn cảnh giác với chính mình, không thể coi thơ chỉ là sự ghép vần.

Cao lên một tông

Trong giới thanh nhạc, có ca sĩ BV ngày trước và AT bây giờ, dường như hát bài gì cũng cao hẳn lên một quãng tám.

Tôi nhớ hai cái giọng nữ cao này, mỗi khi đọc thấy chữ kinh ngạc trên báo chí sách vở thời nay. Hầu như rất nhiều người viết đã thay chữ ngạc nhiên bằng chữ kinh ngạc. Mới chỉ đến mức ngạc nhiên thôi, mà đã dùng chữ kinh ngạc cứ như choáng lắm, kinh động lắm. Tôi ngạc nhiên thấy cô đi làm sớm, thì viết thành tôi kinh ngạc thấy cô đi làm sớm. Xem văn cảnh thì không thấy có gì quá bất thường, quá lạ lùng, gây kinh hoảng.

Cô vào dạy văn được hai tháng thì có hung tin cô sẽ chuyển sang lớp bên cạnh. Đọc kỹ văn cảnh thì thấy việc cô chuyển sang lớp bên cũng là bình thường, chỉ là một cái tin bình thường, không hề là tin dữ. Người viết đã cường điệu một câu văn nghiêm chỉnh. Giá như câu ấy đặt trong một văn cảnh hài hước thì đã đành.

Rồi khi nói về sự thành tâm, về tấm lòng thành thật của một nhân vật, có người lại viết: Mọi người đều hiểu được tâm địa của chị. Ở chỗ này, không hẳn tác giả hiểu sai chữ tâm địa, mà hình như cũng đang cường điệu chữ thành tâm thành ra tâm địa. Một tấm lòng đen tối như đất đen thì có thể coi là tâm địa. Tim đen. Chứ còn đang nói về một người tốt mà dùng từ tâm địa thì dám tin là đùa. Tác giả cũng đang phóng đại cường điệu.

Trong một số tác phẩm hài hước giễu cợt, tôi cũng hay dùng thứ ngôn ngữ cao lên một tông này. Tôi đùa với đồng nghiệp mà rằng: cách dùng từ ấy chỉ có thể ở trong tác phẩm của Hồ Anh Thái, tôi không dám xui ai bê nó sang văn cảnh nghiêm túc của họ.