Thể hiện bản thân đầy thú vị trên mạng xã hội song những người trẻ thuộc Gen Z lại khó có mối quan hệ thực ngoài đời, luôn cảm thấy cô đơn và khó chia sẻ.
Gen Z là thế hệ lớn lên cùng với Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh, họ biết cách lướt mạng trước cả khi biết đọc. Họ không thể nhớ thời điểm khi "google" chỉ được dùng như một động từ có nghĩa "tìm kiếm".
Gen Z là những người trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012, hiện ở độ tuổi 9-24. Theo Her World, họ là thế hệ được "kết nối" nhiều nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, có tới 76% Gen Z nói rằng họ có "kết nối cảm xúc yếu hơn" so với thế hệ trước.
Đó là một trong những phát hiện của "The Truth About Gen Z", một báo cáo được công bố hồi tháng 3 bởi công ty dịch vụ tiếp thị toàn cầu McCann Worldgroup.
Khảo sát dựa trên phỏng vấn 32.000 người trên toàn cầu, trong đó có 5.000 người đến từ các nước châu Á như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.
Gen Z kết nối với nhiều người qua mạng xã hội nhưng vẫn luôn cảm thấy cô đơn. |
Theo một số chuyên gia, sự cô đơn của Gen Z có thể bị tạo nên bởi những thách thức cá nhân và xã hội trong thế hệ của họ, chẳng hạn như áp lực kinh tế, sự thay đổi nơi làm việc, biến đổi khí hậu và khó khăn trong việc lập gia đình.
Bất kể lý do là gì, cô đơn là một đại dịch mà Gen Z đang phải chống chọi.
Thế hệ cô đơn
Shari (23 tuổi, Singapore) là một biên tập viên video làm việc tại nhà. Cô sống với bố mẹ và các chị em nên không phải kẻ cô độc, song Shari luôn cảm thấy cô đơn.
"Tôi tôn trọng bố mẹ mình, nhưng chúng tôi không nói chuyện nhiều, ngoại trừ những công việc thường ngày. Chúng tôi rất khác nhau. Nếu không đồng ý với những điều cha mẹ nói, tôi chỉ im lặng. Phần lớn thời gian tôi làm việc một mình trong phòng".
Nhiều người trẻ thể hiện mình trên mạng nhưng không có mối quan hệ thật sự ngoài đời. |
Connor Wilton, ca sĩ kiêm nghệ sĩ guitar 24 tuổi, không quen biết ai khi mới chuyển đến Austin (Texas, Mỹ). Dù thành phố này được coi là một trong những nơi náo nhiệt nhất đất nước, Wilton không cảm thấy vậy.
Anh sống gần khuôn viên ĐH Texas nhưng không phải sinh viên. Anh sợ cảm giác đi bộ qua khu vực này bởi luôn cảm thấy hàng nghìn sinh viên ở đó "dường như rất vui vẻ".
"Tôi cảm thấy như đang ở ngoài rìa, rất khó để bước vào cuộc vui đó", anh nói.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty dịch vụ y tế toàn cầu Cigna, nước Mỹ đang trải qua "đại dịch cô đơn". Trong số 20.000 người tham gia, có đến 50% nói rằng họ cảm thấy cô đơn.
Điều đáng chú ý là dường như Gen Z là thế hệ thấy cô đơn hơn cả. Theo đó, "điểm số cô đơn" được đo bằng "Thang đo mức độ cô đơn" của UCLA của Gen Z là 48,3 điểm, cao nhất trong các thế hệ.
Những phát hiện của Cigna không chỉ xác định Gen Z là thế hệ cô đơn nhất, mà còn là thế hệ được cho là có sức khỏe kém nhất so với các nhóm nhân khẩu học thuộc độ tuổi khác.
"Dù chúng tôi biết rằng đây là nhóm đang trưởng thành và có những bước chuyển mình trong cuộc sống, những phát hiện này vẫn cho thấy bức tranh rõ nét và đáng ngạc nhiên về cách Gen Z đánh giá bản thân. Điều quan trọng là họ phải có không gian, nơi những người trẻ có thể kết nối trực tiếp để hình thành các mối quan hệ có ý nghĩa", Douglas Nemecek, Giám đốc Y tế về Sức khỏe Hành vi tại Cigna, cho biết.
Mạng xã hội tạo nên "đại dịch" cô đơn ở Gen Z
Gen Z đã lên mạng từ khi còn học tiểu học, vì vậy họ cảm thấy cần phải có ý kiến về mọi thứ.
Mạng xã hội đưa con người kết nối với nhau một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, điều đó khiến nhiều người tin rằng những thanh niên sinh ra trong thế hệ này hòa nhập với xã hội và cảm thấy được yêu thương.
Thực tế, Gen Z và Millennials lại là thế hệ cô độc nhất và mạng xã hội được cho là nguyên nhân chính gây ra sự cô đơn ở những người trẻ này.
"Gen Z dành ít thời gian gặp mặt bạn bè trực tiếp, chủ yếu kết nối trên mạng. Theo nghiên cứu suốt hàng thập kỷ, những người tiếp xúc trực tiếp với người khác thường ít bị cô đơn hơn. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người dành nhiều thời gian trên mạng xã hội lại có nhiều khả năng bị cô đơn", Jean Twenge, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học San Diego, nói.
Đại dịch đã khiến sự giao tiếp xã hội càng trở nên khó khăn. |
Trong các nhóm thảo luận, nhiều người trẻ Singapore cùng quan điểm rằng không có cách nào để offline hoàn toàn. Nếu không sử dụng mạng xã hội, họ không khác gì kẻ vô hình.
Vì vậy, những người trẻ luôn phải xuất hiện trên một nền tảng nào đó, cẩn thận về những gì họ nói và thường che giấu con người thật của mình.
Báo cáo của McCann cho thấy 27% Gen Z ở Singapore nhận thấy vấn đề sức khỏe tâm thần là điều khó nói nhất, ngay cả với những người bạn thân.
Cho Ming Xiu, người sáng lập và giám đốc điều hành của Campus PSY, nói rằng: "Chúng ta cảm thấy bị cô lập vì con người là sinh vật cộng đồng. Tất cả chúng ta đều muốn có được sự công nhận từ người khác, nhưng kết nối qua màn hình khiến ta khó đạt được điều ấy hơn.
Gen Z không chắc chắn về tương lai và tài chính của mình. Luôn có áp lực khiến họ phải tỏ ra các nhóm bận rộn, luôn luôn phải là kẻ 'thành công'".
Không giống như những thế hệ trước, Gen Z không cảm thấy cần ai đó đến giải cứu mình. Họ tìm cách riêng để ít bị cô lập hơn.
Anya Low (25 tuổi, học ngành thiết kế tại Singapore) nói rằng cách đây 2 năm, cô từng ngừng sử dụng mạng xã hội trong 3 tháng.
"Tôi choáng ngợp khi dành quá nhiều thời gian trên Instagram và Pinterest. Vì vậy, tôi đã đổi từ chiếc smart phone sang dùng chiếc máy 'cùi bắp', nó chỉ có thể gọi và gửi tin nhắn thông thường".
Thay đổi lớn nhất là Anya có nhiều thời gian rảnh hơn và có thể tập trung vào những điều đơn giản, ít bị phân tâm. Bây giờ, cô đã dùng điện thoại thông minh trở lại, nhưng vẫn dành nhiều thời gian cho cuộc sống thực hơn.
"Tôi thấy mình kiểm soát tốt hơn những gì mình xem, khi nào thấy đã ôm điện thoại quá lâu, tôi biết rằng đó là lúc cần đặt nó xuống. Lời khuyên của tôi là nếu thấy bị cô lập, hãy gặp gỡ ai đó ngoài đời. Thích quần vợt, cứ tham gia một khóa học. Bạn có thích hoạt động hoặc không, nhưng kết nối ngoài đời với mọi người một cách tự nhiên vẫn tốt hơn".