Ngày 20/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Sở NN&PTNT Gia Lai đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của ông Trương Phước Anh (nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai) và ông Nguyễn Nhĩ (nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai) liên quan đến việc để mất rừng.
Cũng theo nguồn tin, mất rừng giai đoạn 2015-2020 là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến 2 cán bộ trên bị kiểm điểm dù đều nghỉ hưu vào tháng 5/2020. Việc xử lý trên thực hiện theo kiến nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Từ năm 2016 đến tháng 11/2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiểm tra tại 17 đơn vị, trong đó có 3 công ty lâm nghiệp, 1 khu bảo tồn thiên nhiên và 13 ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đó, tổng diện tích đất mà UBND tỉnh Gia Lai giao cho 17 đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 193 nghìn ha đất lâm nghiệp. Cơ quan thanh tra phát hiện diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm hơn 9,4 nghìn ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 5,5 nghìn ha, tổng số tiền sai phạm bị phát hiện hơn 26,7 tỷ đồng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 401 vụ phi phạm Luật Lâm nghiệp. Cụ thể, 61 vụ phá rừng, 39 vụ khai thác rừng trái phép, 5 vụ vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, 169 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, và 120 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái phép...
Từ năm 2015 đến 2020, báo Tiền Phong có nhiều tin bài phản ánh về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mới đây, loạt bài “Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?” chỉ ra nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị tàn phá. Tại Gia Lai còn xuất hiện thú chơi “cây cảnh” cổ thụ như bằng lăng, giáng hương, trắc, cẩm… Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vẫn chưa có biện pháp quyết liệt với thú chơi này. Dù diện tích rừng của tỉnh này đang bị thu hẹp từng ngày nhưng khi hỏi việc xử lý cán bộ liên quan đến những vụ vi phạm về rừng mà báo chí phản ánh, lãnh đạo Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai lại đùn đẩy, hẹn “hôm nào cung cấp sau…”.
Những ngày qua ở Gia Lai có lượng mưa lớn do ảnh hưởng của bão, gây nhiều thiệt hại. Cụ thể, trụ sở UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện) bị tốc mái, thiệt hại khoảng 900 triệu đồng. Đặc biệt, hơn 2,1 nghìn ha lúa nước của người dân huyện này bị đổ rạp, ngập trong nước, ước tính thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Mưa lớn cũng gây sạt lở một số điểm ở Quốc lộ 25, đoạn đèo Tô Na (Quốc lộ 25, địa phận thị xã Ayun Pa) bị sạt lở nghiêm trọng, đá cả chục tấn từ núi lăn xuống chặn giữa Quốc lộ 25, may mắn không thiệt hại về người nhưng giao thông bị tê liệt…