Gặp 'vua rong' giữa Bái Tử Long

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nằm giữa vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), khu “vườn nổi” rộng hàng chục ha hiện ra mờ ảo giữa mênh mông sóng nước. Nơi đây là đại bản doanh của ông Nguyễn Sỹ Bính, người được mệnh danh là “vua rong” Vân Đồn.

Lính hàu thành vua rong

Sinh năm 1966, ông Nguyễn Sỹ Bính quê xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đã có kinh nghiệm gần 30 năm nuôi cá song, hàu biển trên vùng biển Vân Đồn. Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều là những ngư dân kỳ cựu, ông Bính sớm thích nghi với nghề biển. Ngoài việc đánh cá, gia đình ông còn nuôi thêm lồng cá song và bè hàu biển.

Cũng như bao gia đình khác ở Vân Đồn, ông Bính tập trung chủ yếu nuôi hàu biển. Bằng những kinh nghiệm sương gió hàng chục năm, nhiều lần ông cầm cố nhà cửa vay vốn ngân hàng quyết tâm mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản mong có cơ hội đổi đời nhưng ở tuổi 56 ông vẫn nói vui: “Con hàu nó không cho tôi làm vua, nó chỉ bắt tôi làm lính cho nó thôi”.

“Với nhiều người COVID-19 là đại dịch, đại họa nhưng với tôi là một cơ hội mới, cơ hội đổi đời từ trong khó khăn của cuộc sống. Nó làm thay đổi tư duy lối mòn của người có hàng chục năm kinh nghiệm nuôi hàu như tôi”, ông Bính chia sẻ.

Hơn 2 năm dịch COVID-19 diễn ra, giá thủy hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều mặt hàng không xuất khẩu được, nhu cầu trong nước cũng sụt giảm khiến những người nuôi cá song, hàu biển như ông Bính lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Cuối năm 2020, ông Bính phải bán đi chính ngôi nhà của mình để trả nợ ngân hàng và dắt díu vợ con ra bè ở tạm.

Nhiều đêm trăn trở tìm hướng chuyển đổi nghề, ông Bính quyết tâm lên đường vào Nha Trang, dùng những đồng tiền cuối cùng để học nghề nuôi rong biển. Sau gần 1 tháng, ông trở về với 5kg rong sụn giống và bắt tay ngay vào việc nuôi trồng.

“Mới đầu, rong cứ ra mầm là cá ăn sạch. Sau nhiều lần tìm hiểu tôi biết được loại cá rìa gần bờ rất thích ăn mầm rong nên tôi quyết định di dời bè ra xa và từ đó rong phát triển tốt vì nguồn nước và nhiệt độ trên vịnh Bái Tử Long rất thích hợp cho sự phát triển của rong sụn”, ông Bính kể lại.

Với 5kg giống, ông Bính thí điểm nuôi những ô rong sụn nhỏ lẻ xen kẽ với các dây nuôi thả hàu. Kết quả bất ngờ khi kết hợp 2 loại thủy sản này lại tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Rong sụn tái tạo nguồn nước cho hàu có môi trường phát triển tốt và chính con hàu cũng tạo nguồn phân bón tự nhiên cho rong sụn.

Đầu năm 2022, diện tích nuôi rong sụn của ông Bính được nhân lên 5ha, gồm cả nuôi xen kẽ nhuyễn thể và nuôi tập trung rong sụn. Ông Bính ưu tiên chọn vùng nước có nền nhiệt ổn định từ 25 đến 28 độ C để kích thích sự phát triển của cây rong. Kết quả cây rong sụn đạt độ trưởng thành chỉ sau 2 tháng nuôi (bình thường mất từ 3-4 tháng).

Đây cũng là thời kỳ rong sụn đáp ứng các tiêu chí trở thành nguyên liệu để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và được coi là “nhân sâm biển” vì mang nhiều lợi ích kinh tế.

Quả ngọt từ rong sụn

“Theo tính toán và kinh nghiệm của vùng nước, mỗi năm tôi có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn, sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm. Với mức giá trên thị trường hiện nay là 2.500 đến 3.000 đồng/kg tươi, doanh thu có thể đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Tôi đang làm thủ tục xin mở rộng thêm mặt nước nuôi trồng, ít nhất cũng phải 200ha mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong những năm tới”, ông Bính nói.

Gặp 'vua rong' giữa Bái Tử Long ảnh 1

“Vua rong” Nguyễn Sỹ Bính cùng thành phẩm của mình. Ảnh: Hoàng Dương

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Bính còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống và hỗ trợ tư vấn miễn phí hoàn toàn cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng. Hiện đã thành lập Hợp tác xã nuôi trồng rong sụn tại Vân Đồn, số lượng xã viên tham gia ngày càng tăng.

Cầm bó rong sụn trên tay, ông Bính không ngần ngại chia sẻ những vất vả, khó khăn để có được thành phẩm từ cây rong. Hàng ngày ông phải ăn ngủ với cây rong, chăm rong như chăm con. Mặc dù khi thả rong xuống biển để nuôi trồng, không tốn tiền để phun thuốc, dùng chất kích thích cho cây rong phát triển. Nhưng thời gian và công sức bỏ ra để chăm sóc, nâng niu cho rong là rất nhiều.

Hàng ngày, ông Bính cùng 20 nhân công dậy từ 6 giờ sáng để chăm sóc rong. Hôm nào suôn sẻ, ông mất 3 tiếng nhưng hôm nào thời tiết xấu, đội ngũ công nhân của ông phải mất 7 tiếng mới xong công việc chăm sóc rong của mình. Công việc chăm sóc này được ông Bính ví như “tắm giặt” cho rong.

"Ông Bính là một trong những hộ dân tiến bộ trong việc chuyển đổi cơ cấu mô hình nuôi trồng thuỷ, hải sản để phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù thời gian ban đầu có thất bại nhưng ông Bính không nản lòng, sau đó thành công và còn giúp một số hộ dân khác cùng làm giàu từ cây rong sụn".

Ông Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn

Mỗi lần “tắm giặt” cho rong, người nuôi trồng phải “nâng như nâng trứng”, hết sức khéo léo, nhẹ nhàng, cẩn thận. Ngày nào không ra tắm giặt cho rong, ông đều không yên tâm vì sợ rong bị sóng lớn đánh rối, gãy cây.

Hiện tại ông đang thực hiện việc phơi khô rong sụn để bán cho một số đơn vị làm thạch với giá 36.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu về từ việc phơi khô rong sụn đang là nguồn thu nhập khủng của vị “vua rong”. Nhiều công ty đã ký hợp đồng dài hạn với ông Bính để thu mua rong sụn tươi, khô làm các sản phẩm thạch, mỹ phẩm, dược liệu. Hơn nữa, ông Bính cũng lên kế hoạch xuất khẩu rong sụn ra nước ngoài và mở rộng vùng nuôi trồng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.