+ Phóng viên: Hơn 10 năm qua Nguyễn Thanh Thủy đã thực hiện nhiều dự án ở trong và ngoài nước, có lẽ là một trong những nghệ sĩ đàn tranh có sức sáng tạo lớn nhất. Vậy chị có thể nói đôi điều về các dự án đã thực hiện trong thời gian qua, ý tưởng và sự kết nối giữa chúng như thế nào? Thông điệp mà chị muốn gửi tới các nghệ sĩ và khán giả?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Từ năm 2012, tôi thực hiện chương trình tiến sỹ của tôi tại Học Viện Âm Nhạc Malmo Thụy Điển. Đề tài của tôi liên quan đến cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể trong trình diễn âm nhạc. Tôi tìm hiểu nó trong bối cảnh âm nhạc truyền thống và tự hỏi bản thân mình, là một nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo mới, liệu âm nhạc cũng như cách trình diễn mới của tôi có thể thách thức các giá trị hoặc những quan niệm/định kiến cũ về hình ảnh phụ nữ/nữ nghệ sỹ trong trình diễn âm nhạc Việt Nam được hay không? Từ năm 2012, tôi cộng tác với các biên đạo múa của Thụy Điển và của Nhật Bản, các nhạc sỹ của nhiều nước cả châu âu và Mỹ, ra hàng loạt các tác phẩm mới và biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới cũng như Việt Nam. Tháng 11 tới đây, tôi sẽ kết thúc chương trình nghiên cứu này với kết quả là một cuốn sách và một trang web trên đó có nhiều bài viết cũng như tư liệu liên quan đến chủ đề này.
+ Phóng viên: Thật thú vị khi chị từ châu Âu trở về tìm kiếm những chất liệu về âm nhạc đờn ca tài tử. Vậy chị đánh giá thế nào về giá trị của đờn ca tài tử và tiềm năng của nó trong âm nhạc đương đại?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Dự án nghiên cứu Vọng Cổ là một dự án mới bắt đầu từ năm 2018, sẽ kết thúc năm 2021, có tên gọi là Chuyển Biến Âm Nhạc. Nửa đầu của dự án tập trung nghiên cứu riêng bài Vọng Cổ, đặt nó trong bối cảnh mới, khi mà các nghệ nhân chơi nhạc cụ Việt Nam sẽ cùng làm việc với các nghệ sỹ khác vùng miền và khác đất nước. Chúng tôi cộng tác với 3 nghệ nhân miền Nam là Út Tỵ, Văn Môn và Huỳnh Tuấn cùng làm việc với nhóm The Six Tones (Sáu Thanh Điệu) gồm tôi và nghệ sỹ đàn bầu Ngô Trà My từ Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, và nghệ sỹ người Thụy Điển—Stefan Ostersjo chơi guitar và nghệ sỹ Henrik Frisk, chơi điện tử. Lần làm việc trong thành phố Hồ Chí Minh lần này, sau một năm kết hợp làm việc với nhau, tuần này chúng tôi dành trọn vẹn 1 tuần trong phòng thu để thu âm. Kết quả sẽ là hai CD phát hành vào năm sau với những bản Vọng Cổ truyền thống cùng những bản mà chúng tôi sáng tạo mới.
+ Phóng viên: Chị nhận xét thế nào về các nghệ sĩ đờn ca tài tử?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Ba nghệ nhân Út Tỵ, Văn Môn và Huỳnh Tuấn rất tuyệt vời. Họ tuyệt vời không chỉ vì những ngón đàn truyền thống điêu luyện, mà điều quan trọng là họ có những suy nghĩ rất cởi mở, rất sáng tạo, muốn đón nhận cái mới và muốn sáng tạo cái mới. Tôi nghĩ đó là những yếu tố rất quan trọng của người nghệ sỹ bởi người nghệ sỹ nắm giữ và quyết định vận mệnh của nghệ thuật. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giá trị của người nghệ sỹ (đàn đờn ca tử) cần phải được coi trọng và tiềm năng của những nghệ sỹ như Út Tỵ, Văn Môn và Huỳnh Tuấn sẽ giúp âm nhạc truyền thống không đứng im mà luôn vận chuyển trong thời đại.
+ Phóng viên: Được biết chị đang chuẩn bị một dự án mới về đàn tranh kết hợp nhạc cụ điện tử. Chị có thể giới thiệu thêm đôi chút về sự thú vị khi ta kết hợp đàn tranh với âm nhạc điện tử?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Tôi đang chuẩn bị cho một CD cá nhân gồm những tác phẩm mới cho đàn tranh và điện tử. Đối với tôi điện tử cũng là một nhạc cụ như các nhạc cụ khác, phụ thuộc rất nhiều vào người chơi cũng như người sáng tác. Tất nhiên đây là một nhạc cụ mới, tại Việt Nam còn ít tiếp cận với nó nên có thể còn lạ lẫm với âm thanh này. Chính yếu tố này càng kích thích tôi muốn ra một CD với điện tử. Chỉ đơn giản là tôi thích làm việc với cái mới.
+ Phóng viên: Có người nhận xét âm nhạc của chị khá trừu tượng và liệu nó có phải là âm nhạc hậu hiện đại theo cái cách là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trong âm nhạc chứ không chỉ đơn giản là ngôn ngữ âm nhạc thuần túy?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Với tôi thì mọi loại nhạc không lời đều trừu tượng. Những năm gần đây tôi hay làm việc trong các dự án đa phương tiện, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật cùng lúc với âm nhạc, vì như tôi đã nói, tôi thích làm việc cùng những cái mới, tìm tòi sáng tạo mới. Nghệ thuật đa phương tiện cho tôi nhiều cách hơn để biểu đạt tư tưởng của mình.
+ Phóng viên: Nhận xét của chị về việc dạy và học đàn tranh tại Việt Nam hiện nay, hay nói cách khác, có cần thiết phải thay đổi cách dạy âm nhạc dân tộc và nhạc cụ đàn tranh để tăng sức cuốn hút với các bạn trẻ?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Hiện nay có rất nhiều các bạn trẻ học đàn tranh. Ở diện rộng thì tôi không thấy ngại rằng cây đàn sẽ mai một vì ít người học. Nhưng ở chiều sâu thì hiện nay ít bạn theo nghiệp đàn. Đây là một hướng đi khó và tôi không biết có nên cổ vũ các bạn trè không, hay cổ vũ cách nào? Chỉ có một cách là làm thật tốt những gì tôi đang làm hiện nay và mong rằng công việc của mình sẽ truyền được cảm hứng tới các bạn.
Truyền cảm hứng
+ Phóng viên: Người ta thường nói đến việc giữ gìn bản sắc trong âm nhạc, vậy theo chị để giữ những nét bản sắc Việt Nam trong nghệ thuật đàn tranh hiện đại, hòa nhập với âm nhạc quốc tế, cần có những yếu tố gì?
- Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy: Tôi nghĩ rằng, thứ nhất, mình không thể nhìn thấy màu của mình (hoặc nhìn không thể chính xác được) nếu không đứng cạnh cách màu sắc khác. Thế nên đặt màu của mình bên cạnh các màu khác là một việc cần thiết để hiểu mình. Khi đã hiểu mình, biết mình thế nào thì sẽ có cách và chủ động để hòa hay không hòa với những màu khác. Âm nhạc truyền thống, cũng như mọi thứ liên quan đến truyền thống là một dòng chảy. Khi dòng chảy ngừng lại, thì truyền thống đó sẽ dừng lại.
+ Phóng viên: Cám ơn nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy và chúc chị đem đến nhiều tác phẩm mới cho những người yêu đàn tranh và yêu nghệ thuật!
Nguyễn Thanh Thủy sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Cô từng đạt giải Nhất và giải Diễn tấu Nhạc Cổ truyền hay nhất trong Cuộc thi Tài năng Trẻ đàn tranh toàn quốc 1998. Cô là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là thành viên cố vấn Ban châu Á tại đại học Goldsmiths (Anh).
Từ năm 2012 đến nay, cô đang là nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhac Malmo (Thụy Điển), tập trung nghiên cứu về cử chỉ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cô đã biểu diễn tại nhiều trường đại học lớn trên thế giới như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Washington (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Oslo (Nauy)…. Tháng 11 năm 2019 tới đây, nghệ sỹ Nguyễn Thanh Thủy sẽ là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sỹ trong ngành Artistic Research in Music tại Thụy Điển.