Gặp ông chủ một vườn ươm tài năng Việt

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
TP - Tôi rời căn biệt thự của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lúc quá trưa tìm một café võng ven xa lộ Hà Nội tính chợp một chút theo thói quen.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng.

Nhưng rồi không thể ngủ được. Giọng nói trầm ấm, như tự sự, như sẻ chia của ông vẫn văng vẳng bên tai như một bản hợp ca vừa rộn ràng vui vẻ vừa rung lắng âm thanh của hợp tan, nhân thế.

Về nhà, định viết ngay về ông trong đêm, để “tận thu” hết cảm xúc đang dâng trào khi vừa diện kiến con người đặc biệt này. Nhưng tôi đã phạm một sai lầm, chỉ vì quá tò mò, tôi vừa thả cái CD ông tặng vào máy.

Không gian như chùng xuống, giai điệu nhạc Trịnh lan tỏa rất nhanh. Cái lạnh đầu mùa hiếm hoi của khuya Sài Gòn được phủ tràn những thanh điệu mê hồn mà vẫn đẹp như thơ, sâu như triết của Trịnh Công Sơn và đời như giọng hát của giáo sư. Đêm như ấm hơn, sâu hơn. Mùng một tết dương này, ông đã bảy mươi...

Những ghi nhận theo bước chân thời gian

Nhìn ngón đàn, nghe lời ca của ông, tôi bạo đoán khi còn là học sinh Sài Gòn trước những năm sáu mươi, hẳn ông phải bay bướm, lãng mạn lắm… Ông cười hiền: Không đâu anh, khi đó, để đạt được cái học bổng sang Tây đâu dễ, khi sang rồi cũng tính học sao cho ra học, dùng thành công trên đường học vấn để xóa mờ thiên kiến của người Tây về một dân tộc còn bé nhỏ bên này.

Bên cạnh việc học, anh em sinh viên gốc Việt còn tham gia làm báo để bán, gây quỹ ủng hộ đất nước kháng chiến chống Mỹ, rồi những đợt xuống đường biểu tình trước trụ sở khối NATO phản đối Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam…

Năm 1966, ông đã là một kỹ sư có hạng ngành Vật lý Hàng không -Không gian tại đại học danh tiếng Liège - Vương quốc Bỉ.

Từ 1972 đến 1978, từ một thanh niên da vàng gốc Quảng đến Bỉ từ viễn đông, ông đã đứng trên bục giảng đại học, truyền thụ kiến thức cho bao nhiêu sinh viên đến từ khắp thế giới và bây giờ, rất nhiều người đã đạt đến những thang bậc rất cao trong thế giới khoa học khắp địa cầu này.

Năm 1982, ông nhận lãnh trách nhiệm đem ánh sáng khoa học từ Âu châu qua đại học Kinsasa - Công Gô truyền bá. Vừa dạy học, vừa miệt mài nghiên cứu, năm 1984, ông đã là tiến sỹ khoa học.
Thoáng cái, đến 1991 ông đã trở thành giáo sư thực thụ, Trưởng khoa Cơ học Phá huỷ của Đại học Lìege ở tuổi chớm năm mươi, một cái đích mà nhiều nhà khoa học phấn đấu cả đời không tới được.

Lộ trình yêu nước

Năm 1977, hơn một năm sau khi đất nước thống nhất, ông hào hứng trở về phục vụ Tổ quốc.
Sau vài chương trình thỉnh giảng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh ông nhận thấy điều cốt yếu là phải đào tạo ra một thế hệ các nhà khoa học đầu đàn trước đã, rồi tính sau.

Vậy là Văn phòng đào tạo cao học Bỉ - Việt tại Bách khoa TPHCM , Bách khoa HN ra đời, và ông cần mẫn cho việc gieo trồng ở những vườn ươm nguyên khí quốc gia này.

Đến nay sau hơn chục dự án đào tạo do ông chủ sự tại Việt Nam với những vận động tiền bạc từ Mỹ, Canada, Âu châu cho việc đào tạo nhân tài cho xứ ta , hơn ba trăm thạc sỹ, bốn chục tiến sỹ đã thành danh. Các trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Bách khoa, Xây dựng từ Hà Nội vào Sài Gòn hầu như trường nào cũng có nhiều trưởng khoa vốn là học trò do ông trực tiếp đào tạo.

Khái niệm “yêu nước” trong mỗi người có cung bậc khác nhau. Theo ông, yêu nước không phải một nội hàm giới hạn những hoạt động mang tính quốc gia, lãnh thổ. Làm sao cho thế giới nể phục mình cũng là một cách tự tôn hiện đại nhất.

Cho nên, mặc dù luôn ngập đầu trong công việc đào tạo, ông vẫn còn miệt mài với vị thế cốt cán của nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế như thành viên Ban Giám đốc Labo L.T.A.S của Bỉ, Hội đồng phản biện Cơ học ứng dụng Hoa Kỳ, Hội các nhà cơ học Canada, Hội đồng AG 2 của Cộng đồng châu Âu, Hội đồng quản trị chương trình COST 512 v.v. Tại những cơ quan đó, ông đã để lại “dấu giầy” của mình ở nhiều địa hạt, từ tính toán cơ cấu cơ học đến khoa học nguyên tử…

Chữ Tâm đáng giá gần ngàn tỷ

Từng ấy tâm huyết, từng ấy năm truân chuyên từ một anh sinh viên làm báo, bán báo ủng hộ đất nước đến một giáo sư thực thụ đem nhiệt huyết về cho Tổ quốc, là hành trình không mấy bằng phẳng.

Đã từng có lúc, mỗi bước chân ông đi đều được dõi theo bằng cái nhìn của những tư duy mòn cũ, nghi kỵ ở thời mà người ta sợ mọi giao dịch , trao đổi với “nước ngoài” .

Rồi, đây đó, trong một diễn đàn nhỏ lẻ, cũng phảng phất có sắc màu đố kỵ với ông, có “nhà” này nhà kia muốn xóa mờ hình ảnh ông bằng việc tung tin rằng, ông là kẻ thất nghiệp, rằng tấm huy chương của ông mua hai mươi lăm đô la ngoài chợ đồ cũ. Có người còn bạo mồm cho rằng học vị giáo sư của ông như là món đồ chơi danh dự...

Tôi xác tín lại điều này thì biết, chức danh “Giáo sư thực thụ” của Đại học Liege nước Bỉ không phải chỉ là một vật phẩm đơn thuần mà ở đó, nhà khoa học Nguyễn Đăng Hưng còn được cấp hẳn một văn phòng riêng, một thư ký riêng và dù ông lái xe hơi rất thạo nhưng ông có cả lái xe riêng do nhà nước cấp như một cán bộ khoa học cao cấp. Đó là sự thực.

Nhưng, mang tố chất của nhà khoa học chân chính, ông cần mẫn vượt qua tất cả, bỏ châu Âu hoa lệ trở về Việt Nam “cày” suốt vài chục năm và mùa quả ngọt cũng đến, năm 2002 ông đã nhận tấm bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh về những cống hiến của mình.

Huân chương Đại thần mà Vương Triều Bỉ tặng giáo sư Hưng
Huân chương Đại thần mà Vương Triều Bỉ tặng giáo sư Hưng.

Trước đó, từ những năm tám mươi, ông đã được vinh danh và ban tặng nhiều danh vị, trong đó có Huân chương “Đại thần” của Vua Léopol II năm 1999. Năm 2005, Vương triều Bỉ lại ban thưởng cho ông Huân chương “Đại thần” một lần nữa. Tôi tìm hiểu kỹ thì thấy, để có được tấm huy chương này, Vương triều Bỉ có một quy trình 5 năm trời thẩm định từ chuyên môn, thành tích đến tư cách đạo đức người được tặng chứ không đơn giản.

Lịch sử chứng giám cho ông. Người ta có thể làm giả cả vàng bạc, kim cương nhưng không dễ gì nghi ngờ hay phủ nhận kết quả của hơn chục đề án đào tạo nối Việt Nam với trời Tây và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn để có gần nửa ngàn nhà khoa học cho đất nước như hôm nay.

Để có được chừng ấy thạc sỹ, tiến sỹ theo tiêu chuẩn châu Âu, nếu tính theo “thời giá” hiện nay, ông đã tiết kiệm được cho Tổ quốc gần ngàn tỷ đồng qua các dự án đào tạo cao cấp ông xin được từ thế giới mà không phải tiêu của nhà nước, nhân dân ta một đồng nào.

Thần dân đa tài của thi ca

Khi gặp ông tại căn biệt thự ở quận 9, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đến mức, không biết ông là con người của khoa học hay của thi ca, văn nghệ nữa.

Việc ông là chủ tập thơ Dặm xưa từ thời ông hai mươi tuổi. Nhạc sỹ Quỳnh Hợp 50 năm sau đã gửi vào không gian âm nhạc bài hát từ thơ của ông mang tựa đề Tuổi mười tám da diết, mặn nồng.

Nhưng, cái vui, cái ngạc nhiên hơn cả là trong một cuộc thi về Kỹ năng sống của một hội thanh niên sinh viên, bức Thư gửi vợ nhân ngày tết của ông đã được chấm giải ba. Sau đó, ban tổ chức diễn đàn này dám hoãn ngày giao lưu, trao giải đến khi ông từ châu Âu trở về dự để tạo không khí vui tươi cho diễn đàn.

Tại đó, ông trân trọng giới thiệu người vợ - người tình của ông, bà Dương Thị Huỳnh Mai - người ông “chộp” được trong khuôn hình máy ảnh ngày mùng một Tết trên Lăng Ông bà Chiểu hơn ba chục năm trước và rồi, trời phật đã trả cho ông thứ bổng lộc vô giá là tình cảm vợ chồng tồn tại đến hôm nay.

Qua tất cả câu chuyện dài của “hành trình yêu” của ông bà, không thể không cảm kích chặng đường gian khổ của bà khi lênh đênh trên sóng đại dương tìm ông. Với đất nước này, xem như người phụ nữ hiền thục kia là một “Hiền sỹ” khi tính “công” cho bà níu giữ cho xứ mình một nhà khoa học.

Tôi đến với ông, đem theo câu hỏi lớn mà nhiều người yêu mến ông gửi gắm: Động cơ nào khiến ông bỏ châu Âu hoa lệ, nơi ông có quyền cao, chức trọng về Việt Nam, nơi lương giáo sư đồng đẳng với ông chỉ bằng một phần ba mươi của ông thì ông cười, trao gửi rất chân thành: “Thời kháng chiến, khi còn bảy tám tuổi, tôi phải sống nhiều năm với nông dân vùng núi Quảng Nam, thấy bao nhiêu con người Việt Nam lam lũ, khổ đau và mất mát.

Sau này khi hướng dẫn luận án cao học, tôi nhận thấy bao nhiêu thanh niên Việt Nam xuất thân từ mặt bằng nghèo khó như vậy nhưng họ rất giỏi. Nếu được tiếp sức, cả một kho nguyên khí của quốc gia sẽ bừng nở. Vì lẽ đó, cả đời tôi chúi vào sự nghiệp này và cũng may, bao nhiêu em đã trưởng thành”.
Cuối buổi gặp gỡ, tôi lựa một “món quà” tặng lại giáo sư và ông nắm tay tôi trao gửi nỗi đồng điệu sâu sắc khi nhận món quà ý vị đó.

Đó là bài thơ “Thường dân” của Nguyễn Long.

Vị giáo sư già ngồi nghe bài thơ như đang tả chính ông: ...Lúc làm cây mác, cây chông/ Lúc là sông, biển, lúc không là gì / Thấp cao nào có quản chi/ Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi/ Ăn của đất, uống của trời/ Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin….

Vâng, ông vẫn tin, và vì lòng tin ở cuộc đời này nên ông vẫn còn đó bao nhiêu dự cảm nghiên cứu, cống hiến cho đất nước.

Trên không gian văn phòng tôi, âm hưởng dạt dào của bài hát Pháp C’est beau la vie của Jean Ferrat lời ca của Claude Delecluze do ông hát bằng chất giọng “Pháp hơn cả Pháp” cứ ào lên , ào lên như những cơn sóng của tình yêu cuộc sống. Còn đó niềm tin nên ông vẫn làm thơ.

Chia tay Giáo sư-Nghệ sỹ Nguyễn Đăng Hưng, ông chủ vườn ươm Nguyên khí Quốc gia tuổi thất tuần, tôi đem theo thần thái lạc quan, yêu cuộc đời, yêu đất nước của ông, một kiểu yêu nước rất…sang, rất quả cảm để “làm vốn” cho mình, làm giàu thêm hành trang tình cảm dấn bước trên chặng đường đi tới đầy thử thách phía trước .

Ngồi trực diện nghe ông tâm tình, thổ lộ, nghe ông hát trong không gian dào dạt sóng xanh bên hồ bơi gia đình, nhìn vẻ thư thái khi biểu diễn, cảm nhận nghệ thuật của ông sau những thăng trầm, hợp tan, đố kỵ suốt bốn chục năm trời mà cứ thấy lòng luôn xao xuyến.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG