Lai Châu – phên dậu vững bền

Gặp những người trẻ tiên phong

TP - Mang trong mình nhiệt huyết, khát khao cống hiến, những trí thức trẻ tình nguyện công tác tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 (Quân khu II) đang nỗ lực, sáng tạo nhiều mô hình hay, góp sức làm thay đổi vùng đất gian khó nơi biên giới.

Cống hiến sức trẻ cho biên cương

Để đến với địa bàn 7 xã vùng biên huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đi theo quốc lộ 4D rồi vào tỉnh lộ 132 uốn lượn, càng đi dốc càng dựng đứng. Khi chạm đến địa bàn biên giới, ẩn hiện trong lớp sương mờ là đồi trọc, đường sá giao thông đi lại khó khăn. Vào các bản làng, tôi thấy đời sống nhân dân còn gian nan, vất vả… Bước trên con đường biên giới lởm chởm đá sỏi, Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 chia sẻ, nhằm góp phần vực dậy đời sống kinh tế - xã hội vùng cương thổ, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 tuyển dụng 25 trí thức trẻ tình nguyện về Đoàn. Những trí thức trẻ tình nguyện được chọn đều có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo tại các trường Cao đẳng, Đại học với nhiều chuyên ngành khác nhau.

Gặp những người trẻ tiên phong ảnh 1

Mô hình trồng cây nần nghệ với diện tích trên 1 héc ta

“Đội ngũ trí thức trẻ khi về công tác tại đây đã phát huy được phẩm chất, trí tuệ, nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, sáng tạo nhiều giống cây, con phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân địa phương. Khi thành công sẽ chuyển giao cho nhân dân sản xuất, nuôi trồng phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới”, Đại tá Nguyễn Quyết Thắng cho hay.

Muốn được tận mắt thấy công việc của những trí thức trẻ, chúng tôi đã tham gia cùng các bạn một ngày làm việc. Sáu giờ sáng, các trí thức trẻ có mặt ở vườn xem xét kỹ lưỡng những cây, con giống mà mình đã tâm huyết làm ra. Buổi chiều, các bạn “vùi” vào nghiên cứu các tài liệu, để tìm ra các mô hình mới. Buổi tối, mỗi bạn một việc, người thì tham gia việc dạy xóa mù chữ, người thì cùng thầy cô giáo đến các bản vận động các em nhỏ đến trường…

“Thời gian tham gia dự án của các trí thức trẻ tình nguyện chỉ 2 năm. Trong thời gian này, đơn vị cùng các trí thức trẻ chỉ đạo thực hiện các mô hình phát triển kinh tế; xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Những việc làm này góp sức làm thay đổi diện mạo vùng đất khó; thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi biên giới, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, chung sức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Đại tá Nguyễn Quyết Thắng

Đam mê trồng trọt, muốn cống hiến cho quê hương, Mạ A Hòa, chàng trai dân tộc Mông, huyện Phong Thổ sau khi tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên đã ấp ủ ước mơ mở lối, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng biên. Đầu năm 2022, khi được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 tuyển chọn là trí thức trẻ tình nguyện, Hòa đã xung phong tham gia nghiên cứu các mô hình giúp dân thoát nghèo.

“Khi xây dựng đề án, ban đầu chỉ là lý thuyết rất đơn giản, nhưng bắt tay vào làm thực tế, em vấp phải nhiều khó khăn trở ngại. Trong những ngày đầu triển khai mô hình, nhân giống được bao nhiêu đều bị sâu bệnh, sên cắn làm hỏng mầm cây. Rồi em phải kiên trì tìm hiểu nguyên nhân và chế được sinh phẩm hữu cơ diệt sên. Khi diệt được sên, việc nhân giống huyền sâm thuận lợi, tỷ lệ sống cao, có cơ hội nhân rộng, cung cấp giống cho đồng bào trên địa bàn”, Hòa cho biết.

Trước mắt, Hòa cùng các cộng sự của mình đã chuyển giao kỹ thuật, cây giống cho một hộ nghèo trồng và trong thời gian tới sẽ tiến hành nhân rộng cho khoảng 20 hộ gia đình trẻ; hướng tới lan tỏa phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế trên miền biên ải. Vắt vẻo trên con “ngựa sắt” cùng Mạ A Hòa, chúng tôi đến nhà Vàng A Dây, bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, người được các trí thức trẻ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 chuyển giao trồng 500m2 huyền sâm.

Chiếc xe máy vừa ngớt tay ga, vợ chồng A Dây vui mừng ra đón chúng tôi và dẫn ra thăm vườn sâm đang độ phát triển, dự kiến hai năm nữa là cho thu hoạch. A Dây cho biết, sau khi lấy vợ cũng đã mày mò nhiều mô hình sản xuất, nhưng không nắm vững kỹ thuật, nên đều thất bại. Rút kinh nghiệm, trước khi trồng huyền sâm, anh học rất kỹ kỹ thuật chăm sóc từ các tri thức trẻ của đoàn Kinh tế Quốc phòng.

Cùng đam mê như Hòa, Lý A Chinh, tốt nghiệp Đại học Sơn La, khoa Nông Lâm, khi về công tác trên biên giới, Chinh đã tìm tòi nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi thỏ New Zealand. Theo Chinh, thỏ New Zealand là loại giống tốt nhất bởi chúng thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương nhanh, dễ chăm sóc. Trung bình, mỗi năm thỏ sinh sản 8 lứa, với khoảng 50 thỏ con. Thỏ con sau sinh, nuôi hơn 3 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,3 kg/con có thể xuất bán và khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh.

Hiện nay, Chinh đã chuyển giao cho một hộ gia đình Ma A Phủ, một thanh niên ở bản Sin Chải, xã Mù Sang nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho gia đình A Phủ 3 triệu đồng mỗi tháng. Theo như kế hoạch trong nhiệm kỳ 2 năm, Chinh giúp khoảng 30 hộ nghèo trên địa bàn 2 xã Dào San và Mù Sang nuôi thỏ, giúp họ nâng cao đời sống.

Dân no ấm, biên cương sẽ vững bền

Gặp những người trẻ tiên phong ảnh 2

Mô hình nuôi thỏ của trí thức trẻ Lý A Chinh đang được áp dụng cho những hộ nghèo nuôi

Mong muốn để lại thành quả có ý nghĩa, các công trình thành công của trí thức trẻ đều được chuyển giao cho nhân dân địa phương thực hiện, góp phần giúp đồng bào nghèo phát triển. Các mô hình đã được thực hiện như trồng cây huyền sâm, cây nần nghệ, đào cảnh, nuôi thỏ, nuôi chim bồ câu… Trong đó, mô hình trồng cây dược liệu nần nghệ, có nhiều người đến học tập kinh nghiệm và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 đã chuyển giao cho nhân dân hơn 1 tấn củ giống, trồng trên diện tích hơn 1 héc ta.

Anh Xảy A Xảo, bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có vốn đầu tư làm ăn, một số diện tích đất trước đây bỏ hoang, cuộc sống cứ mãi khó khăn. May mắn gần đây, đến học tập mô hình trồng cây nần nghệ của các trí thức trẻ và được cấp 2 tạ củ nần nghệ miễn phí. Sau mấy tháng trồng, cây phát triển rất tốt, hy vọng sẽ giúp gia đình tôi đẩy lùi đói nghèo”.

Cùng chúng tôi đi thăm các mô hình của các trí thức trẻ, Đại tá Nguyễn Quyết Thắng tâm sự, ngoài giúp đồng bào nghèo phát triển kinh tế, các thanh niên tình nguyện đã không quản khó khăn gian khổ, phối hợp với bộ đội Biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của địa phương; dạy xóa mù chữ cho bà con. Việc làm của các trí thức trẻ còn khích lệ nhân dân vượt khó, mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình…

(Còn nữa)

Tin liên quan