Gặp nhà soạn âm thanh... 17 tuổi

Nguyễn Hồng Nhung: “Theo nhạc thể nghiệm là nhu cầu tự thân. Tôi có sự nhạy cảm với âm thanh xung quanh, muốn thử nghiệm với nó”. Ảnh: N.M.Hà.
Nguyễn Hồng Nhung: “Theo nhạc thể nghiệm là nhu cầu tự thân. Tôi có sự nhạy cảm với âm thanh xung quanh, muốn thử nghiệm với nó”. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Nguyễn Hồng Nhung nhìn như bất cứ một nữ sinh lớp 11 nào. Cô ăn mặc giản dị, có cái nhìn hơi ngơ ngác sau cặp kính cận. Bạn bè chỉ biết đến Nhung như một cô bạn “dễ chơi dễ gần” nhưng khá nhiều người nghe nhạc thử nghiệm trên thế giới đã đắm chìm trong thế giới âm thanh của Sound Awakener- dự án nghệ thuật âm thanh phát hành qua mạng của cô.

Nguyễn Hồng Nhung là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam được lựa chọn trình diễn tại Liên hoan Âm thanh Hà Nội lần thứ 8 (từ 19h30 tới 20h ngày 9/4 tại không gian nghệ thuật Manzi số 14 Phan Huy Ích, Hà Nội). Không chỉ là người trẻ nhất, cô cũng là nghệ sĩ duy nhất chưa qua trường lớp về âm nhạc.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, Nhung “bị” ép học piano từ năm lên 3. Năm 13 tuổi, với hành trang 5 năm theo học piano cổ điển tại gia, Nhung đến với nhạc thể nghiệm qua mạng. 

Cô không nhớ bản nhạc thể nghiệm đầu tiên mình nghe là của ai chỉ biết nó đem lại “cảm giác rất tự do, không có rào cản nào về âm thanh”. Cô cảm thấy dễ chịu thậm chí thăng hoa với tất cả các kiểu nhạc thể nghiệm kể cả những dòng cực đoan, gầm rú nhất.

Hành trình âm thầm thể nghiệm của Nhung bắt đầu. Cô sử dụng cả nhạc cụ và phần mềm máy tính để chơi nhạc. Con đường này, theo Nhung không ít gian nan. 

Đôi khi cô phải chuẩn bị sẵn tinh thần chịu rủi ro, thậm chí thương tích cho bản thân khi chơi nhạc cụ không theo kiểu thông thường. Cô cho biết, việc không dùng phím mà chơi trực tiếp với dây, búa… của piano khá mạo hiểm, nhưng đem lại những hiệu quả âm thanh không thể thay thế.

Nhung vẫn nghe pop nhưng không thực sự thích. Để có thể giải trí cho cô phải là dòng heavy metal hay death rock với những cái tên: Iron Maiden, Aerosmith, Gun n’ Roses… Cô có nhiều sở thích giống bạn bè mình như thích hòa mình với thiên nhiên, đi dạo, làm đồ thủ công, chơi thể thao... Còn nhạc thể nghiệm là thú chơi cô giữ cho riêng mình. Có lẽ sau đợt Liên hoan Âm thanh Hà Nội này, bạn bè Nhung sẽ có nhiều điều để ngạc nhiên về cô bạn ít nói.

Hiện Nhung đang hoạt động như một nghệ sĩ chuyên nghiệp trên mạng. Mỗi album mới của cô phát hành được người nghe, các nhà phê bình nhạc thể nghiệm khắp nơi trên thế giới bàn tán sôi nổi. 

Nhung học ban D và vẫn chưa có ý định sẽ chọn trường đại học nào sau khi tốt nghiệp. Chị ruột của Nhung, một nhà báo, cũng có lúc cảm thấy ngạc nhiên về thứ âm nhạc mà em gái tạo ra: “Nhạc đấy đòi hỏi người sáng tạo sự sâu sắc, tố chất đấy không phải bạn trẻ nào cũng có”. 

Nguyễn Hồng Nhung, nhạc sĩ thể nghiệm 17 tuổi cho hay, cô không có ý định làm cho nhạc của mình dễ nghe để được nhiều người biết hơn: “Nếu phải thỏa hiệp như thế, tôi thà đi làm nhạc pop cho nhanh!”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.