Gặp nguyên mẫu nhân vật sau gần nửa thế kỷ

Gặp nguyên mẫu nhân vật sau gần nửa thế kỷ
TP - Một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị giữa nhà văn và nguyên mẫu nhân vật của mình sau non nửa thế kỷ, dù rằng cả hai đều cùng sống ở Thủ đô Hà nội. Câu chuyện có nguyên do đặc biệt của nó.

Nhà văn Hữu Mai, khi viết tác phẩm “Cao điểm cuối cùng” mô tả trận chiến đấu ác liệt một mất một còn đánh chiếm cao điểm A1- cao điểm cuối cùng trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ĐBP) đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nhân vật Quế Vinh, một tiểu đoàn trưởng chỉ huy đơn vị chủ công của trận quyết chiến đó. Quế Vinh trong tác phẩm vốn là một học sinh tú tài cho nên dù là một tiểu đoàn trưởng gan dạ “đứng mũi chịu sào” song ở anh đôi lúc vẫn xuất hiện tâm lý dao động của một thanh niên trí thức tiểu tư sản. Cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra trong nhân vật này đã khiến cho nhân vật trở nên “đời thường” hơn.

Nguyên mẫu của nhân vật tiểu đoàn trưởng Quế Vinh là đồng chí Dũng Chi, tiểu đoàn tưởng tiểu đoàn 251- trung đoàn 174 anh hùng- thuộc đại đoàn 316. Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi chính là người chỉ huy mũi chủ công đánh đồi A1 trong chiến dịch ĐBP đúng như nhà văn Hữu Mai đã phản ánh trong tác phẩm đồng thời được chính ông mô tả rất sinh động trong bài viết “Trích hồi ký Điện Biên Phủ” (đăng trong cuốn “Trung đoàn 174 anh hùng”- NXB Quân đội nhân dân, 2004).

Sau khi tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” ra đời, nhà văn Hữu Mai có phần “ngại” tiểu đoàn trưởng Dũng Chi bởi lẽ trong thực tế đó là một tiểu đoàn trưởng can đảm và đầy bản lĩnh, sự băn khoăn dao động là những chi tiết do nhà văn hư cấu nên. Để cho tác phẩm thêm phần sinh động, nhà văn đã đắp thêm vào nhân vật này chất liệu của những nguyên mẫu khác. Vì ngại người tiểu đoàn trưởng can trường tự ái nên dù cùng ở Hà Nội và đã trên 40 năm, nhà văn không có liên lạc với nguyên mẫu nhân vật của mình mặc dù ông vẫn biết tin tức về đồng chí Dũng Chi qua các đồng đội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Dũng Chi lại một lần nữa xông pha vào nơi ác liệt nhất – chiến trường Quảng Trị. Bị thương vào cánh tay, năm 1971 ông được điều về Bộ Tổng Tham mưu, đảm nhận cương vị Cục phó cục khoa học quân sự, đến năm 1993 nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng. Cuộc đời ông có  nhiều chi tiết khá li kì, hấp dẫn.

Ví như ông đã từng là người được giao nhiệm vụ cùng đồng đội ba lô trên vai, hành quân bộ mang hơn một trăm kilogam vàng từ Nam ra Bắc. Hoặc sự kiện sau giải phóng Điện Biên, ông được giao trách nhiệm chỉ huy đơn vị dẫn giải 1.500 tù binh Pháp ta bắt được trong chiến dịch ĐBP về trại tù binh ở Sầm Sơn - Thanh Hoá... Sau khi nghỉ hưu, với vốn tiếng Pháp, tiếng Anh có được từ thời còn đi học (sau này học thêm tiếng Trung và tiếng Nhật), ông trở thành cộng tác viên của công ty dịch thuật Hà Nội và là cộng tác viên vào loại hàng đầu, chuyên dịch những tài liệu hóc búa nhất từ các lĩnh vực khoa học tự nhiên cho đến các sáng tác văn học.

Trong cuộc giao lưu “ Điện Biên Phủ - Tác phẩm và bạn đọc” do Thư viện quân đội phối hợp với Cục chính trị – Tổng cục Chính trị Quân đội tổ chức vào tháng 4/2004, tất cả khán giả đều thích thú và cảm động khi được chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt giữa thiếu tướng Dũng Chi và nhà văn Hữu Mai. Khi được mời lên sân khấu tham gia cuộc giao lưu với tư cách vừa là nhân vật văn học, vừa là nhân chứng của sự kiện lịch sử “chấn động địa cầu”, thiếu tướng Dũng Chi đã ôm nhà văn Hữu Mai thật thân thiết.

Vóc người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát so với tuổi 78, giọng nói sang sảng đầy phấn chấn, ông đã tỏ ra chia sẻ với nhà văn Hữu Mai. Đọc nhiều hiểu rộng, ông hiểu “đã là sáng tác văn học tất nhiên phải có sự hư cấu” dù rằng trên thực tế ông đã từng có lúc cảm thấy ấm ức khó chịu với những phút đấu tranh tư tưởng của Quế Vinh - điều không hề có ở con người thật của ông ngoài đời. Bởi theo như ông nói: “Tôi tự nguyện vào bộ đội, quyết tâm chiến đấu đến cùng vì yêu nước, căm thù giặc Pháp cướp nước, làm gì có chuyện dao động”.

Nhà văn Hữu Mai rất vui vì điều  ngại ngần của ông đã được giải tỏa. Thiếu tướng Dũng Chi đã vui vẻ cười xoà khi người dẫn chương trình đêm giao lưu nói vui rằng: “Bác đã trở nên bất tử cùng những chiến công oanh liệt của dân tộc nhờ ngòi bút của nhà văn Hữu Mai. Trong tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” bác mãi là tiểu đoàn trưởng Quế Vinh trẻ trung tuổi đôi mươi trong trí tưởng tượng của biết bao thế hệ bạn đọc, đặc biệt là các cô gái trẻ, dù rằng ở ngoài đời bác đã là ông lão Dũng Chi”. Cả hội trường cùng ồ lên. Thiếu tướng Dũng Chi và nhà văn Hữu Mai đều cười sảng khoái.

Kỉ niệm 55 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm nay, nhà văn Hữu Mai, người đã có rất nhiều sáng tác, hồi ức nổi tiếng về “cột mốc lịch sử” Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là người thực hiện những hồi ức nổi tiếng của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không còn nữa. Kể lại câu chuyện nhỏ này, chúng ta có dịp hiểu thêm về những nhân vật, tác giả, tác phẩm văn học tồn tại mãi cùng thời gian.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.