Gặp lại nữ sinh giết người tình trên xe Lexus

Khi nhìn các cô gái đẹp, phàm đã là phụ nữ thường có chút gì đó đố kỵ. Nhưng khi gặp Vũ Thị Kim Anh – cô nữ sinh khoa Hoá, Trường ĐH Sư phạm ngày nào từng gây ra vụ án chấn động dư luận, tôi không thấy đố kỵ mà chỉ thấy sửng sốt, bởi nhan sắc của cô, giữa một rừng áo kẻ sọc, cô như thuộc về một thế giới khác với làn da trắng muốt, mịn màng, đôi mắt to tròn và nét môi cong nữ tính.
Vũ Thị Kim Anh

>> Nữ sinh giết người trên xe Lexus: Thương hay giận?

Dường như, sau tất cả những ngày đắng đót, khi câu chuyện không muốn nhắc lại đã lùi vào dĩ vãng, Kim Anh đã lấy lại được nét trẻ trung, yêu đời ngày nào. Lần này gặp lại, tôi thấy một Kim Anh khác, xinh đẹp hơn và cũng khôn ngoan hơn. Như cô nói, trại giam cũng là một xã hội thu nhỏ và cô đã tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng sống hơn giữa những con người tù tội này.

“Em muốn mọi người quên em đi…”

“Em còn nhớ chị không?”, tôi hỏi Kim Anh khi cô vừa ngồi xuống ghế ở mảnh sân chơi trước khu buồng giam phân trại K1 – “ngôi nhà” mới của cô. “Có ạ. Em đã gặp chị hôm ở số 7 Thiền Quang” – cô khẽ trả lời và đôi môi mím lại như một thói quen.

Khi đó, tôi đã trò chuyện với Kim Anh về đề tài mà những người phụ nữ thường hay quan tâm, chuyện đầu tóc, quần áo, giày dép để cô bớt xúc động nhưng cô gái này quả thực là khi đó đã rất… ngốc nghếch khi không chịu hiểu thiện ý của tôi. Cô luôn nhấm nhẳng trong các câu trả lời.

Còn hôm nay, tôi không thấy sự nhấm nhẳng ấy trong cách giao tiếp của Kim Anh, dường như cô đã “lớn” hơn nhiều. “Dạo này trông em xinh quá. Đêm qua, chị không nhận ra em, một cán bộ trại giam nói “Kim Anh đấy”, chị mới biết” – tôi nói với cô. “Hôm chị gặp em ở số 7 Thiền Quang là đã nhiều đêm rồi em không ngủ nên nhìn hốc hác, xấu xí”. “Còn bây giờ, đã hết buồn và hết vấn vương?”. Kim Anh cười, một nụ cười buồn: “Em muốn mọi người quên em đi, quên câu chuyện của em đi…”.

Vũ Thị Kim Anh.

24 tuổi và bắt đầu sống những ngày mới ở một thế giới khác. Tôi hỏi cô, môi trường mới này, cô đã quen chưa và có thấy lạc lõng hoặc có một cảm giác nào đó như là khác biệt với mọi người xung quanh vì dù sao cô cũng là người có học, dù gây ra tội ác tày trời thì trình độ văn hoá của cô cũng cao hơn nhiều đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, Kim Anh lại khẽ cười, lắc đầu: “Ở đâu cũng thế chị ạ, cũng có người này người kia, nhưng em nhận ra một điều là trong cuộc sống nên cẩn thận hơn…”.

Tôi không hiểu khái niệm “cẩn thận” mà Kim Anh nhắc tới ở đây là thế nào nhưng cứ nghe cách cô trả lời báo chí, kín đáo, dè dặt thì có thể hiểu, cô đã học được cách sống khôn ngoan hơn. Không còn một Kim Anh cộc lốc và nhấm nhẳng khi gặp ở số 7 Thiền Quang lúc mới bị bắt, không còn một Kim Anh héo rũ khi ra trước vành móng ngựa chịu sự phán xét của pháp luật và nghe những lời buộc tội từ phía người nhà bị hại khiến tất cả những người có mặt đều dâng lên cảm giác bẽ bàng, lúc này đây, ngay trước mặt tôi là một cô gái trẻ hơn so với tuổi 24, tóc bới cao, da trắng mịn, ngồi vắt chân trò chuyện rất tự tin.

Ở dãy nhà phía bên kia, nhấp nhô những cái đồ con trai đang nghển cổ nhìn bằng được Kim Anh dù cô đang ngồi quay lưng lại. Với một nhan sắc nổi bật giữa môi trường đặc biệt này, hẳn là Kim Anh đã gây sự chú ý của nhiều người và tin rằng có không ít trái tim đàn ông đang rung rinh trộm nhớ.

Nhưng dường như cô không quan tâm tới điều ấy, cô liếc về phía những cái đầu nhấp nhô không một chút cảm xúc. Tôi nói với cô: “Vào đây, em đã học được cách nói chuyện bằng tay chưa. Nói chuyện bằng tay là “đặc sản” của những người từng ở Hoả Lò, chỉ “dân Hoả Lò” mới biết chiêu này”. “Vâng, Em cũng thấy các chị xung quanh hay vẽ lên không trung các ký hiệu, thường là “em yêu anh”, còn bên kia thì vẽ lại “anh yêu em”.

Kim Anh trong một điệu múa. . Ảnh: Ảnh: giadinh.net

Tôi chợt nhận ra, trên ngón tay áp út nhỏ nhắn mỏng manh của Kim Anh không còn chiếc nhẫn người yêu cô tặng. “Sao em không đeo chiếc nhẫn đó nữa?”. Kim Anh im lặng không nói gì. Anh cán bộ giáo dục đỡ lời: “Nội quy trại giam là không được đeo đồ trang sức bằng vàng”.

Nhưng tôi hiểu, có lẽ quá nhiều áp lực đã khiến người con trai yêu cô trước đây không dám yêu cô nữa và hình như chiếc nhẫn đó cô đã giấu thật kỹ vào kỷ niệm. Hôm gặp cô ở cơ quan điều tra, cô đã khóc nức nở khi nói với tôi, đúng hôm đó, người yêu cô đi thi nhưng anh phải bỏ thi để đến theo yêu cầu làm việc của các chú công an.

Nhắc tới người yêu và bố mẹ, khoé mắt Kim Anh chợt ướt nhoè. Hôm gặp bố mẹ cô ở sân toà, nhìn họ rúm ró giữa tiết trời đông Hà Nội và trước sự bức xúc của người nhà nạn nhân, chúng tôi thấy chạnh lòng. Cô bảo, căn bệnh zonan thần kinh của bố cô đã khỏi rồi, tháng nào bố mẹ cũng lên thăm cô nhưng lần nào cũng khóc. Và Kim Anh quay mặt nhìn ra phía khoảng sân đầy nắng để giấu đi những giọt nước mắt thánh thót rơi xuống.

Đã hết buồn?

“Em học từ khi nào mà múa đẹp thế?”. “Em vào đây mới bắt đầu học múa. Khoảng 1 tháng chị ạ. Các cán bộ thấy em có năng khiếu nên cho vào đội văn nghệ” - nhắc tới chuyện múa hát, Kim Anh vui vẻ hẳn. Đêm nay, Kim Anh đã hát, đã múa, đã đóng kịch trong một tiểu phẩm có cái tên rất ý nghĩa “Cho ngày mai” – các tiết mục tham gia đêm diễn “Tiếng hát tình đời” của Trại giam Phú Sơn 4.

Nhìn cô tươi tắn, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt trẻ trung mà thấy nghẹn lòng. Bên cạnh những bạn tù cùng tham gia văn nghệ, Kim Anh như nổi bật giữa một thế giới mà trước đây, trong ý nghĩ của mình, có lẽ nó chưa từng xuất hiện, chưa từng có trong hình dung của cô.

Cô không có những nét gai góc, bầm dập của những người “sinh ra để đi tù”, đôi mắt to tròn của cô như chưa từng có nhiều đêm mất ngủ đến thâm quầng. Đêm nay, đôi mắt ấy cứ long lanh với niềm vui được thăng hoa trên sân khấu, bên dưới, tiếng vỗ tay của khán giả chưa khi nào ngớt.

Nhìn cô biểu diễn dưới lung linh ánh đèn, xin đừng ai nhớ lại câu chuyện buồn xảy ra đúng vào Ngày lễ Tình nhân của năm 2009. Đã gần 2 năm trôi qua, câu chuyện ấy đã trở thành một dấu lặng, đóng đinh vào cuộc đời Kim Anh, bởi nó xảy ra đúng vào cái ngày mà tất cả những con người từng biết yêu trên thế gian này phải nhớ. Thế nên, với Kim Anh sẽ là một khó khăn vô cùng khi cô muốn quên nó đi.

Kim Anh (ngồi) hóa thân thành thiếu nữ dân tộc. . Ảnh: Ảnh: giadinh.net

Tôi cứ có cảm giác lo lắng mơ hồ dù điều đó là vô căn cứ khi nghĩ, cô sẽ sống như thế nào ở một nơi mới như thế này, nhưng Kim Anh lại bảo, ở đây, sau bao nhiêu ngày tháng mệt mỏi, cô đã tĩnh tâm và tư tưởng cũng thoải mái hơn rất nhiều. Xung quanh cô, có nhiều con người với những cá tính, số phận và tội lỗi khác nhau nhưng cô đã quen và biết cách sống chung với họ.

Hồi ở Trại giam Hoả Lò, cùng buồng giam với cô là một cô gái tên Bình, cũng phạm tội ác tày trời như cô. Cô và Bình đồng cảnh ngộ và cùng có những nỗi niềm cay đắng giống nhau. Hai đứa đã giết thời gian bằng cách móc những chiếc khăn, chiếc túi bằng len và bây giờ, ở Trại giam Phú Sơn này, cô cũng được học nghề móc len, sản phẩm là những chiếc găng tay xinh xắn. Những đôi găng sẽ làm nhiệm vụ giữ ấm đôi bàn tay mà cô làm ra, mùa đông này, có lẽ nhiều cô gái ở Hà Nội sẽ mang nó nhưng không ngờ chủ nhận làm ra nó lại là Kim Anh.

Đồng chí Quân, cán bộ giáo dục Trại giam Phú Sơn 4 nói rằng, Kim Anh đã có chuyển biến rất nhiều trong nhận thức, so với hồi mới vào thì cô đã tiến bộ hơn. Tư tưởng không còn hoang mang và Kim Anh đã yên tâm cải tạo. 24 tuổi với cái án tù còn hơn 10 năm trước mắt, một giai đoạn không phải là ngắn đối với một con người, nhưng giai đoạn ấy tin rằng sẽ thật sự giúp ích cho một cô gái từng có giây phút lầm lỗi như Kim Anh.

Tôi hỏi Kim Anh, cô có đọc được các bài báo đã viết về mình không, cô nói, cô chỉ được đọc 2 bài gì đó trong hàng trăm bài báo người ta đã viết về cô.

Và Kim Anh một mực: “Chị đừng đưa em lên báo, em muốn dư luận quên em đi, quên câu chuyện buồn của em đi”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, câu chuyện của cô, dù đau đớn nhưng sẽ là bài học cho rất nhiều cô gái trẻ, những cô gái tưởng đã được trang bị đầy đủ về vật chất, về học thức nhưng thực ra kỹ năng sống lại quá kém để rồi tự đẩy mình và những bi kịch không đáng có. Bởi thế, câu chuyện của cô nên được nhắc lại…

Theo Cảnh sát toàn cầu